Loạn sàn giao dịch BĐS: Béo "cò”, đau đầu quản lý

Việc thực hiện giao dịch bất động sản (BĐS) thông qua sàn giao dịch BĐS được đánh giá là mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho thị trường BĐS. Tuy nhiên, hiện còn quá nhiều bất cập.

Loạn sàn giao dịch BĐS: Béo "cò”, đau đầu quản lý - 1
Hiện cả nước đã có hơn 600 sàn giao dịch BĐS có đăng ký hoạt động.
 
Theo Bộ Xây dựng, sau hai năm thực hiện Luật Kinh doanh BĐS, hiện cả nước đã có hơn 600 sàn giao dịch BĐS có đăng ký hoạt động TPHCM có 263 sàn.

Sân cho "cò mồi"

PGS TS Nguyễn Văn Hiệp - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho rằng: Hoạt động của các sàn giao dịch vẫn đang tồn tại một số vấn đề bất cập như: Một số sàn giao dịch BĐS vẫn thực hiện hoạt động mua bán chuyển nhượng BĐS trực tiếp tại sàn, dù hoạt động này bị cấm; Nhiều Sàn giao dịch BĐS không thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ cho ngành chức năng, khi chấm dứt hoạt động không thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định; Nhiều sàn giao dịch BĐS chưa tổ chức đủ các loại hình hoạt động theo quy định, chưa lập quy chế hoạt động rõ ràng, khoa học. Đặc biệt, nhiều nhân viên sàn giao dịch BĐS chỉ có bằng đại học hoặc cao đẳng mà chưa hề có chứng chỉ chuyên ngành theo quy định...

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Giám đốc sàn giao dịch BĐS Tín Nghĩa (Đồng Nai) bức xúc: Nhiều sàn giao dịch BĐS mang danh "sàn" nhưng thực chất chỉ là vỏ bọc bên ngoài, nhiều nhân viên của sàn giao dịch đứng tại sàn chỉ để cò mồi mua bán chuyển nhựợng BĐS không qua sàn. Nhiều sàn giao dịch BĐS vẫn còn bán sản phẩm chưa hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, có thể chỉ đã xong phần móng... Trong khi Luật kinh doanh BĐS quy định nhà đất mua bán qua sàn phải là sản phẩm hoàn chỉnh.

Thực tế trên khiến lòng tin của người dân đối với các sàn giao dịch BĐS giảm, gây thiệt thòi cho những sàn giao dịch BĐS làm ăn trung thực, tuân thủ đúng pháp luật.

Lúng túng quản lý

Nhiều doanh nghiệp BĐS cho rằng nguyên nhân chủ yếu khiến hoạt động của sàn giao dịch BĐS còn bất cập là do nhà nước chưa có một chính sách phù hợp trong quản lý. Do vậy, nhà nước phải nhanh chóng nghiên cứu hoàn thiện các chính sách phù hợp nhằm quản lý hiệu quả sàn giao dịch BĐS, trên cơ sở bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người mua và người bán, và của cả nhà nước.

Cụ thể là doanh nghiệp kinh doanh được thuận lợi, có lãi, người mua không bị thiệt thòi hoặc bị lừa và nhà nước quản lý được thị trường. Đồng thời thu đủ các loại thuế, phí... Tuy nhiên cho đến nay, các chính sách này chưa được ban hành kịp thời, các cơ quan chức năng vẫn trong quá trình nghiên cứu soạn thảo.

CV 1908/BXD - QLN của Bộ Xây dựng gửi UBND TP đầu tháng 10 vừa qua nêu rõ: Do hoạt động sàn giao dịch BĐS thời gian qua tồn tại một số bất cập, tốt xấu lẫn lộn... nên để đánh giá đúng năng lực của các sàn giao dịch BĐS, giúp khách hàng nhận biết chất lượng dịch vụ của các sàn để chọn lựa làm nơi mua bán giao dịch, hiện Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS đang nghiên cứu, đề xuất giải pháp để Bộ Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn việc phân hạng sàn giao dịch BĐS.

Theo dự thảo thông tư nêu trên, việc phân hạng sàn giao dịch BĐS hoàn toàn tự nguyện, các sàn không tham gia phân hạng vẫn hoạt động bình thường. Các sàn giao dịch BĐS tham gia phân hạng được phân thành 3 hạng 1, 2, 3 theo từng tiêu chí cụ thể. Dự thảo cũng đề ra các hình thức xử lý phù hợp nếu sàn giao dịch BĐS vi phạm chế độ báo cáo, vi phạm hành chính, vi phạm các tiêu chí...

Tuy nhiên, PGS TS Nguyễn Văn Hiệp - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM phân tích, ngay trong Dự thảo phân hạng sàn giao dịch BĐS nêu trên còn một số bất cập cần tiếp tục chỉnh sửa: Chưa rõ ích lợi của việc phân hạng; chưa quy định rõ thủ tục đóng cửa ngừng hoạt động sàn; phân hạng có giá trị 1 năm là quá ngắn... Chính vì vậy, việc bao giờ có được chính sách quản lý sàn hữu hiệu xem ra còn phải chờ dài dài.

Theo Phạm Nguyễn
DĐDN