Lo sợ scandal từ giới showbiz, doanh nghiệp đổ xô thuê người mẫu ảo
(Dân trí) - Một người mẫu ảo ở Hàn Quốc tên là Rozy được tạo ra bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã giành được 100 hợp đồng quảng cáo trong năm nay.
Nỗi sợ bị robot chiếm hết công việc dường như đang trở thành hiện thực trong lĩnh vực thuê người mẫu, người có ảnh hưởng làm đại diện hình ảnh cho các nhãn hàng, doanh nghiệp. Một người mẫu ảo ở Hàn Quốc có tên Rozy do Công ty Sidus Studio X tạo nên bằng công nghệ AI đã ký được 100 hợp đồng quảng cáo trong năm nay.
Giải thích về lý do người mẫu ảo "hút" khách quảng cáo, ông Baek Seung Yeop, CEO của Sidus Studio X nói: "Hiện nay, những người nổi tiếng đôi khi bị rút khỏi các bộ phim mà họ đang đóng vì các bê bối bạo lực học đường hay những tranh cãi bắt nạt. Nhưng người mẫu ảo thì không có vụ bê bối nào đáng lo ngại cả".
"Chúng tôi đã quảng cáo 2 lần trong tuần này và hiện còn 8 hợp đồng độc quyền nữa. Hiện cô ấy (Rozy) đã có hơn 100 hợp đồng quảng cáo nhưng chúng tôi vẫn chưa thể xử lý hết", ông nói và cho biết thêm: "Hiện tại chúng tôi đã đạt được mục tiêu lợi nhuận và tôi nghĩ Rozy sẽ kiếm được hơn 1 tỷ won (hơn 19 tỷ đồng) vào cuối năm nay".
Rozy là một người ảo được Sidus Studio X tạo ra vào tháng 8 năm ngoái. Theo tờ AllKpop, người mẫu này sẽ mãi mãi ở độ tuổi 22. Rozy bắt đầu hiện diện trên mạng như một người thực kể từ tháng 12 năm ngoái. Đặc biệt, người mẫu ảo này bắt đầu được chú ý nhiều hơn khi xuất hiện trong một quảng cáo cho Công ty bảo hiểm Shinhan Life hồi tháng 7.
Chia sẻ về những kế hoạch trong tương lai của Rozy, CEO Baek Seung Yeop cho biết đang có kế hoạch đưa Rozy lấn sân sang mảng phim điện ảnh và phim truyền hình.
Xu hướng sử dụng người mẫu ảo cũng nở rộ tại Trung Quốc. Đất nước tỷ dân này hiện có khá nhiều người mẫu ảo nổi tiếng như Ling, một người mẫu ảo do công ty khởi nghiệp công nghệ thông tin Shanghai Xmov và Công ty truyền thông văn hóa Bắc Kinh Cishi tạo ra hồi tháng 5 năm ngoái.
Hiện Ling là một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội với hơn 130.000 người theo dõi trên Weibo. Cô không có thật nhưng điều đó không ngăn cản cô đạt được các hợp đồng quảng cáo với Tesla và Nayuki - chuỗi trà sữa lớn nhất Trung Quốc.
Thật khó để ước tính những người mẫu ảo có ảnh hưởng lớn đến đâu trên thị trường, nhưng hồi tháng 10 năm ngoái, Bloomberg cho biết một người ảnh hưởng ảo tên Lil Miquela với 3 triệu lượt theo dõi trên Instagram đã kiếm được 8.500 USD cho mỗi bài đăng tài trợ.
Miquela được tạo ra bởi công ty tiếp thị Brud. Cô đã tổ chức sinh nhật tuổi 19 lần thứ 6. Theo ước tính của hãng nghiên cứu thị trường OnBuy của Anh, năm ngoái Miquela đã kiếm về cho Brud khoảng 11 triệu USD, vượt xa so với mức lương trung bình hàng năm của những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội là 46.703 USD. Thu nhập của Miquela chiếm một phần đáng kể trong số 3 tỷ USD mà các nhà tiếp thị Mỹ đã chi cho những người ảnh hưởng vào năm ngoái.
Theo các chuyên gia, ngành công nghiệp này đang thực sự bùng nổ. Theo báo cáo của Bloomberg từ tháng 6, ngành công nghiệp thần tượng ảo đang tiếp cận với lượng khán giả khoảng 390 triệu người ở Trung Quốc với ngành công nghiệp hoạt hình và hàng hóa đi kèm trị giá khoảng 35 tỷ USD.
Hãng nghiên cứu tiếp thị Trung Quốc iiMedia Research ước tính, ngành công nghiệp thần tượng ảo đã thu về 540 triệu USD vào năm 2020 chỉ từ sự chứng thực của các thương hiệu.
Dựa trên biểu đồ tăng trưởng của ngành công nghiệp này từ năm 2017 - 2020, hãng nghiên cứu iiMedia dự báo mức tăng trưởng hàng năm của ngành này là 70%. Điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp kinh doanh người mẫu ảo ở Trung Quốc có thể kiếm được gần 960 triệu USD trong năm 2021.