Lơ ngơ là “sập bẫy”
Do chủ quan và thiếu hiểu biết pháp luật lao động, một số lao động có nguy cơ mất trắng quyền lợi vì sập bẫy của doanh nghiệp.
Hiểu luật chưa tới
Anh Toàn cho biết ngày 21-9, sau khi thử việc đạt yêu cầu, anh được ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) thời hạn một năm với chức danh trưởng phòng hành chính - nhân sự và chịu sự quản lý, điều hành trực tiếp của tổng giám đốc. Tuy nhiên, mới làm việc được một tháng thì ngày 31-10, bà H.A.H, giám đốc chi nhánh, thông báo “miệng” với anh Toàn rằng công ty đang cơ cấu lại hệ thống nhân sự và xét thấy anh không phù hợp nên quyết định chấm dứt HĐLĐ với anh. Bà H. cũng yêu cầu kể từ ngày 1-11, anh Toàn không cần đến công ty làm việc nhưng công ty vẫn trả trọn lương tháng 11 coi như bồi thường vi phạm thời gian báo trước (30 ngày).
Sau khi nghỉ việc, đoan chắc công ty đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật với mình, anh Toàn liên hệ với công ty yêu cầu bồi thường nhưng bị từ chối. Về lý lẽ mà công ty đưa ra, luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, nhìn nhận: Lập luận của công ty không phải không có cơ sở bởi cho đến thời điểm này, công ty chưa hề ra quyết định chính thức. Hơn nữa, việc anh Toàn nghỉ việc ngay khi có thông báo “miệng” rất bất lợi vì công ty có thể vịn vào đó để cho rằng giữa 2 bên đã đồng ý chấm dứt HĐLĐ do anh Toàn không hề phản đối thông báo nghỉ việc.
Thua vì chủ quan
Sáng 20-11, sau khi nhận ra hành vi sa thải người lao động hồi đầu tháng 11- 2014 là trái pháp luật, giám đốc Công ty TNHH C.S (huyện Củ Chi, TP HCM) đã mời anh Nguyễn Văn Lộc, người bị sa thải, đến thương lượng. Tại buổi hòa giải, công ty đề nghị thanh toán lương hết tháng 11, bồi thường thêm 2 tháng tiền lương và đồng ý nhận anh Lộc trở lại làm việc. Chấp nhận đề nghị của công ty nhưng để “chắc ăn”, anh Lộc đề nghị công ty cam kết sau này không được sa thải anh vì bất cứ lý do gì. Trước đề nghị này, công ty cho biết sẽ xem xét lại. Cuộc họp chưa đi đến thống nhất nhưng vẫn được lập biên bản và do công ty nắm giữ.
Vài ngày sau, muốn biết câu trả lời chính thức của công ty và nóng lòng muốn biết thời điểm trở lại làm việc, anh Lộc đến công ty hỏi thăm và được trả lời “cứ về chờ”. Không yên tâm, anh Lộc đề nghị được nhận tờ biên bản làm việc trước đó và... té ngửa: Phần ghi kết quả giải quyết vốn bỏ trống khi anh ký tên thì nay được ghi rõ: “Do công ty có thiện chí giải quyết và nhận trở lại làm việc nên anh Lộc cam kết không quậy phá, gây mất trật tự nơi làm việc; không kích động công nhân, không phá hoại tài sản công ty… Công ty yêu cầu anh Lộc trở lại làm việc vào ngày 20-11”. Anh Lộc tức tối: “Khi hòa giải, nghĩ chưa thỏa thuận xong thì tờ biên bản không có giá trị nên thấy công ty giữ biên bản luôn, tôi cũng không thắc mắc. Ai dè, do sơ suất, tôi đã sập bẫy của công ty”.
Thiệt thòi vì thiếu hiểu biết
Chỉ vì không am hiểu pháp luật mà mới đây anh Lâm Văn Phát bị mất một tháng lương oan uổng. Anh Phát vào làm tại Công ty TNHH H.C (quận 12, TP HCM) từ tháng 2-2014 nhưng không được ký HĐLĐ. Nghĩ không ký HĐLĐ, không có gì ràng buộc nên cuối tháng 10-2014, anh Phát nộp đơn xin nghỉ việc và nghỉ ngay. Sau khi nghỉ việc, nhiều lần anh Phát liên hệ với công ty để đòi lương nhưng bất thành.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Ngọc Thảo, trưởng phòng nhân sự, cho rằng tuy chưa ký HĐLĐ nhưng hết hạn thử việc mà anh Phát vẫn làm việc bình thường và công ty không có ý kiến gì thì theo quy định của pháp luật, giữa 2 bên đã xác lập quan hệ lao động. Khi nghỉ việc, anh Phát không tuân thủ quy định và nghỉ ngay khi chưa được sự chấp thuận của công ty là trái pháp luật. Do đó, khoản lương của anh Phát đã được công ty cấn trừ vào các khoản vi phạm theo luật định.
Theo Mai Chi