Lo giá xăng sẽ tăng sốc
Việc lạm dụng quỹ bình ổn khiến giá xăng dầu có thể rơi vào trạng thái “giật cục”, tăng sốc khi các công cụ bình ổn dần mất đi hiệu lực.
Lạm dụng quỹ bình ổn
Để bù đắp phần chênh lệch giá, Bộ Công Thương quyết định sử dụng công cụ duy nhất trong thời điểm hiện nay là Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG). Cụ thể, với mức chênh lệch giá các mặt hàng xăng khoảng 29 đồng, cơ quan quản lý quyết định giảm sử dụng Quỹ BOG thay vì giảm giá xăng tương ứng. Đồng thời, thay vì tăng giá các mặt hàng dầu từ 129-383 đồng/lít thì tăng sử dụng quỹ ở mức tương đương.
Đây không phải lần đầu giá xăng dầu được kìm giữ bằng công cụ Quỹ BOG mà việc sử dụng công cụ này được lặp đi lặp lại trong nhiều tháng gần đây. Trước đó, thậm chí, Quỹ BOG còn được xả với mức cao kỷ lục trong suốt 7 năm kể từ khi hình thành quỹ này (từ 1.350 đồng/lít đến 2.448 đồng/lít vào ngày 24-2).
Như vậy, với công cụ hữu hiệu trong ngắn hạn này, người tiêu dùng đã được hưởng giá xăng, dầu bình ổn trong một thời gian khá dài. Tuy nhiên, điều đáng nói là quỹ này đang giảm đi từng ngày và không thể làm “van” điều tiết giá xăng lâu dài được.
Ví dụ, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM (Saigon Petro) có số dư quỹ tính đến hết năm 2014 là 329 tỉ đồng thì hiện nay chỉ còn hơn 100 tỉ đồng, tức là mất đi khoảng hơn 200 tỉ đồng chỉ trong hơn 3 tháng. Một doanh nghiệp đầu mối khác cho biết mỗi tháng bán ra thị trường khoảng 50 triệu lít xăng thì với mức trích và xả quỹ như hiện nay, con số hụt quỹ là khoảng 35 tỉ đồng/tháng (trích chỉ được 15 tỉ đồng nhưng xả ra khoảng 50 tỉ đồng).
Đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng cho biết số dư Quỹ BOG đến 26-3 là 2.000 tỉ đồng, mất đi khoảng 300 tỉ đồng so với trước đó 15 ngày. “Biên độ chênh lệch giá hiện không đáng kể nhưng không dám chắc giá xăng sẽ không đi lên. Nếu vẫn tiếp tục điều hành bằng quỹ mà không có dự phòng quỹ thì rất nguy hiểm và có nguy cơ tái diễn điều hành giật cục như vài năm trước đây. Tốt nhất, nên chia sẻ giữa giá và quỹ cho hài hòa” - đại diện một doanh nghiệp xăng dầu nhận định.
Hết công cụ bình ổn?
Việc lạm dụng Quỹ BOG được giới chuyên môn đánh giá có thể khiến thị trường xăng dầu rơi vào tình trạng hết công cụ để bình ổn.
Tại thời điểm tháng 2, khi giá xăng dầu thế giới tăng 1.500-2.500 đồng/lít mỗi loại thì việc sử dụng Quỹ BOG là hợp lý. Nhưng thời điểm gần đây, việc sử dụng Quỹ BOG chưa chắc được hoan nghênh. “Lần điều hành ngày 26-3 lẽ ra có cơ hội giảm giá xăng dầu thì lại đánh đổi bằng Quỹ BOG, trong khi kỳ này lại dùng quỹ để tránh cả tăng lẫn giảm giá các mặt hàng. Như vậy, sẽ dồn giá xăng lại và gây sốc ở những kỳ điều hành tới đây khi các công cụ đều hết hiệu lực. Sao không để giá tham gia điều tiết thị trường theo đúng tinh thần Nghị định 83?” - đại diện một doanh nghiệp phân tích.
Lý do của nhận định trên không chỉ xuất phát từ việc Quỹ BOG đang cạn dần mà còn nằm ở việc thuế môi trường sẽ chính thức tăng mạnh (300%) từ ngày 1-5, gây áp lực không nhỏ lên giá xăng. Để cân bằng, Bộ Tài chính cho biết sẽ giảm thuế nhập khẩu theo cam kết từ ngày 1-1. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện giảm thuế được tiến hành theo lộ trình và phải đến năm 2018 mới có thể hoàn thành. Chưa kể, tại thời điểm này, sản lượng xăng dầu được ưu đãi thuế mới chỉ dừng ở 0,08% tổng kim ngạch nhập khẩu của mặt hàng này theo công bố của Bộ Tài chính. Như vậy, ảnh hưởng từ thuế môi trường đến giá xăng là khó tránh khỏi trong khi người tiêu dùng chưa chắc được hưởng lợi sớm từ các cam kết giảm thuế, nếu Bộ Tài chính còn chưa quyết liệt cắt giảm.
Thuế nhập khẩu xăng không quá 20% Theo cam kết tại Hiệp định Thương mại tự do ASEAN, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc và Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc, Việt Nam phải thực hiện lộ trình cắt giảm mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với các mặt hàng xăng dầu. Theo đó, thuế nhập khẩu xăng không quá 20% và các loại dầu tối đa là 5%. Trong khi đó, thuế nhập khẩu xăng dầu từ các thị trường khác đối với xăng là 35% và dầu là 30% |