Đại gia tuần qua:

Lộ diện "tỷ phú đô la thứ 3"; "Đại gia" taxi Mai Linh cầu cứu

(Dân trí) - Việt Nam có thêm "tỷ phú thứ 3" trong khi đó đại gia Hồ Huy lại lâm cảnh nợ nần chồng chất sau "cuộc chiến" với Uber, Grab; Cổ phiếu của "vua cá" Hùng Vương bị đưa vào diện kiểm soát... là những thông tin về các đại gia trong tuần thu hút được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.

Lộ diện “tỷ phú đô la” thứ ba

Trong khi tạp chí xếp hạng Forbes mới chỉ cập nhật thông tin về 2 tỷ phú đô la của Việt Nam, hãng tin Mỹ Bloomberg cho biết, Việt Nam đã có thêm 1 tỷ phú đô la thứ 3: ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Ma San.

Theo đó, danh sách các tỷ phú giàu nhất thế giới Bloomberg Billionaires Index cho thấy, ông Nguyễn Đăng Quang hiện có tài sản 1,2 tỷ USD.

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan Group.
Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan Group.

Cổ phiếu MSN của Ma San đã tăng gấp đôi trong 6 tháng qua, so với mức tăng trưởng 37% của chỉ số VN-Index. Ông Quang chính là người sáng lập và hiện là Chủ tịch của tập đoàn này.

Tuy ông Quang chỉ trực tiếp sở hữu 10 cổ phiếu MSN song ông là cổ đông chính của CTCP Masan (Masan Corp) công ty đang trực tiếp và gián tiếp nắm giữ 50% cổ phần của MSN. Đây là lý do chính để Bloomberg ghi nhận về khối tài sản tỷ đô của Chủ tịch Ma San.

Sacombank thu hồi hàng loạt tài sản của vợ chồng ông Phạm Công Danh

Ngày 3/1, Ngân hàng Sacombank đã thu giữ toàn bộ bất động sản tại địa chỉ số 189 Nguyễn Văn Linh, P. Thạc Gián, Q. Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Ngày 4/1, ngân hàng này thu giữ tiếp toàn bộ bất động sản tại K6/9 và K6/11 Phạm Văn Nghị, tổ 36, P. Thạc Gián cùng toàn bộ bất động sản tại tổ 10 Trung Lập A, P. Thạc Gián là tài sản do ông Phạm Công Danh và bà Quách Kim Chi dùng thế chấp cho khoản nợ 37 tỷ đồng của Công ty TMDV Xây dựng Phú Nguyễn tại Ngân hàng Phương Nam (đã sáp nhập vào Sacombank).

Một ngày sau đó (5/1), Sacombank thu giữ tiếp bất động sản tại địa chỉ thừa đất số 183 và 184, tờ bản đồ số 20 (nay là 495 Phan Chu Trinh), phường Phước Hoà, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam do Tập đoàn Thiên Thanh thế chấp cho khoản nợ 57 tỷ đồng của Công ty Thương mại Dịch vụ Xây dựng Phú Nguyễn.

Ngày 16/1, Sacombank tiếp tục thực hiện thu giữ toàn bộ bất động sản tại địa chỉ số 02 Tây Thạnh, P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TPHCM - là tài sản đã được ông Phạm Công Danh và bà Quách Kim Chi dùng để thế chấp cho khoản nợ 192 tỷ đồng của Tập đoàn Thiên Thanh và 400 tỷ đồng của Công ty TNHH Quốc tế Thiên Thanh tại Sacombank.

Các tài sản này bị thu giữ do bên vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ, nghĩa vụ bảo đảm.

“Chiến" Uber, Grab, đại gia Hồ Huy nợ nần chồng chất

Hãng xe Mai Linh vừa có văn bản gửi Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam về những khó khăn của công ty. Theo đó, doanh thu hoạt động kinh doanh của Mai Linh giảm khoảng 30% so với các năm chưa có Uber, Grab.

Ông Hồ Huy - Chủ tịch HĐQT của Mai Linh đích thân chạy xe ôm để phục vụ khách hàng.
Ông Hồ Huy - Chủ tịch HĐQT của Mai Linh đích thân chạy xe ôm để phục vụ khách hàng.

Phía Mai Linh khẳng định, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì thời gian tới đơn vị này sẽ mất khả năng thanh toán. Do nguồn thu không thể trả kịp cho các khoản nợ đến hạn, quá hạn và các khoản nợ đọng nghĩa vụ thuế và bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cùng các khoản tiền phạt do nộp chậm.

Hãng này cho biết, tính đến 31/10/2017, số nợ đọng nghĩa vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là trên 180 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc là trên 150 tỷ đồng, lãi chậm nộp gần 77 tỷ đồng.

Vừa rồi, báo cáo soát xét của Kiểm toán Deloitte lưu ý, tại ngày 30/6/2017, Mai Linh có khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm 795 tỷ đồng, tổng nợ phải trả ngắn hạn vượt quá tổng tài sản ngắn hạn là 1.262,5 tỷ đồng. “Những yếu tố này có thể gây ra sự nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn”, đơn vị kiểm toán nhận xét.

Vào giữa năm 2017, do những khó khăn trong hoạt động kinh doanh, Mai Linh cũng đã phải cắt giảm tới 6.000 nhân viên (tương đương 20%) so với thời điểm cuối năm 2016.

Ông Trần Bắc Hà làm gì sau khi nghỉ hưu?

Sau khi nghỉ hưu theo chế độ (1/9/2016), ông Trần Bắc Hà thường xuyên sang Lào để cùng một số người thân triển khai các dự án trồng cây nông nghiệp tại Lào. Khi mới bước chân sang Lào để tham gia dự án, ông Hà ở tại ngôi biệt thự trên, phía trước gắn bảng tên Công ty Sy Bun Huong.

Hiện, công ty này có 1 dự án trồng cây chanh dây đang được triển khai tại huyện Paksong, tỉnh Champasak trên diện tích đất khoảng 10.000 ha và 1 dự án trồng cây chuối tại tỉnh Savannakhet (cạnh cửa khẩu Lao Bảo) trên diện tích đất khoảng 50.000 ha.

Ngôi biệt thự hoành tráng giữa trung tâm Pakse - nơi ông Trần Bắc Hà và người thân thường ở, làm việc mỗi khi sang Lào
Ngôi biệt thự hoành tráng giữa trung tâm Pakse - nơi ông Trần Bắc Hà và người thân thường ở, làm việc mỗi khi sang Lào

"Hiện 2 dự án trồng chuối, chanh dây đã cho thu hoạch và đang xuất bán ồ ạt sang thị trường Trung Quốc. Việc đầu tư 2 dự án này dưới danh nghĩa một doanh nghiệp Lào mang tên Sy Bun Huong, có trụ sở tại ngôi biệt thự ở huyện Pakse mà ông Hà thường ở mỗi khi sang Lào", một doanh nhân người Việt tại Pakse cho hay.

Theo một số doanh nhân Việt Nam đang đầu tư nông nghiệp tại Lào, nếu chưa tính tiền thuê đất, để hình thành được một ha trồng chanh dây cũng như chuối từ lúc sơ khai cho đến khi thu hoạch ở quốc gia này, chi phí đầu tư khoảng 250 triệu đồng/ha.

Như vậy, với dự án 10.000 ha trồng chanh dây từ lúc sơ khai đến lúc thu hoạch, chi phí đầu tư cũng lên đến 2.500 tỉ đồng; còn đối với 50.000 ha trồng chuối là 12.500 tỉ đồng. Ngoài ra, ông Hà cũng đang xúc tiến dự án Viện giống cây trồng tại Lào, có quy mô lớn nhất Đông Nam Á.

Ngoài ra, ông cũng hay tới nơi đang triển khai xây dựng dự án Tâm linh Phật pháp Linh Phong tại xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Trước đó, dự án được khởi công từ năm 2009 với số vốn 500 tỉ đồng, được đầu tư theo hình thức xã hội hóa, do ông Hà khi đang giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT BIDV và UBND tỉnh Bình Định kêu gọi.

Cổ phiếu “vua cá” Hùng Vương bị đưa vào diện kiểm soát

Tham vọng tỷ USD của ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT CTCP Hùng Vương (HVG) dường như đã tan vỡ khi mà đại gia này vướng vào nợ nần, thua lỗ và phải bán tháo tài sản.


Tham vọng tỷ USD của ông Dương Ngọc Minh dường như đã tan vỡ khi mà đại gia này vướng vào nợ nần, thua lỗ và phải bán tháo tài sản.

Tham vọng tỷ USD của ông Dương Ngọc Minh dường như đã tan vỡ khi mà đại gia này vướng vào nợ nần, thua lỗ và phải bán tháo tài sản.

Theo báo cáo tài chính sau kiểm toán niên độ 2016-2017, Thủy sản Hùng Vương (HVG) đã lỗ thêm hàng trăm tỷ đồng khiến nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn. Sau kiểm toán, tổng lỗ lũy kế của Thủy sản Hùng Vương lên tới hơn 420 tỷ đồng.

Tổng doanh thu giảm khá mạnh xuống còn khoảng 15,5 ngàn tỷ đồng. Tổng tài sản chỉ còn hơn 10 ngàn tỷ đồng, trong khi tổng nợ ngắn ở mức gần 11 ngàn tỷ đồng. Tổng nợ ở mức gần 12 ngàn tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu chỉ ở mức hơn 3,1 ngàn tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ HVG năm 2016 và 2017 lần lượt là -49,3 tỷ và -712,96 tỷ đồng (căn cứ trên Báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất).

Điều này đã khiến cho Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa công bố việc đưa cổ phiếu Công ty CP Hùng Vương (mã HVG) vào diện kiểm soát kể từ ngày 26/01/2018.

Theo đó, cổ phiếu HVG sẽ bị hạn chế về thời gian giao dịch (chỉ được giao dịch vào buổi chiều) kể từ ngày 26/1/2017. Trước đó, HVG đã bị đưa vào danh sách chứng khoán thuộc diện cảnh báo từ ngày 6/6/2017 do công ty vi phạm quy định công bố thông tin từ 4 lần trở lên trong một năm.

Thế Hưng

Lộ diện "tỷ phú đô la thứ 3"; "Đại gia" taxi Mai Linh cầu cứu - 5