1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Liệu có "khủng hoảng kinh tế châu Á lần thứ hai"?

Ngay sau chính biến trên đất nước chùa Tháp, nỗi lo lắng về một cuộc khủng hoảng tiền tệ tương tự cuộc khủng hoảng năm 1997 đã bắt đầu le lói. Những biến động đầu tiên của đồng Baht và một vài xáo trộn nho nhỏ trên các thị trường tài chính lớn của thế giới càng khắc sâu thêm nỗi lo lắng này...

Biến động kinh tế đầu tiên xảy ra ngay sau khi quân đội Thái Lan tiến vào thủ đô Bangkok đảo chính, lật đổ chính phủ của Thủ tướng Thaksin. Thị trường chứng khoán Thái Lan bắt đầu sụt giảm mạnh. Tất cả đều đóng cửa ở mức rất thấp. Một ngày sau đảo chính, thị trường chứng khoán đóng cửa.

Đồng Baht bắt đầu giảm "không phanh". Tỷ giá của nó so với đồng USD cũng xuống rất thấp. Từ 37,75bath/USD xuống còn 37,30bath/USD. Điều này càng làm mối lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính khu vực lên cao hơn bao giờ hết.

Bởi không ai có thể quên, cơn địa chấn từng làm lao đao nền kinh tế của hàng loạt nước châu Á năm 1997 cũng bắt đầu từ việc đồng baht giảm giá, kinh tế Thái Lan biến động, rồi sau đó mới nhanh chóng lan nhanh sang các nước khác.

Hàng loạt thị trường chứng khoán lớn trên thế giới bắt đầu có những xáo động nhẹ với những thông tin liên tục về vụ đảo chính lật đổ chính quyền của ông Thaksin. Chỉ số Dow Jones giảm 0,12%, xuống còn 11,540.

Chỉ số Standard & Poor's 500 giảm 0,22%, chỉ số Nasdaq giảm 0,6%. Thị trường tiền tệ của các nước trong khu vực như Malaysia, Singapore hay các quốc gia xa xôi như Nhật, Nam Triều Tiên cũng chịu biến động và sụt giảm. Tất nhiên, thị trường trái phiếu cũng chịu những ảnh hưởng tương tự.

Trong nước, đồng Baht giảm, số nợ tăng lên. Tài chính Thái Lan xuống mức báo động, gần với cuộc khủng hoảng 9 năm về trước. Tuy nhiên, tất cả những biến động này trên chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn.

Một ngày sau cuộc đảo chính, đồng Bath bắt đầu hồi phục. Thị trường chứng khoán hoạt động nhộn nhịp trở lại. Các thị trường tiền tệ và chứng khoán châu Á, thoạt đầu có phần hoảng hốt trước tin đảo chính ở Thái Lan, nhưng sau đó, mức độ ảnh hưởng giảm hẳn. Giới đầu tư nhanh chóng nhận ra rằng, rốt cuộc vụ đảo chính cũng chấm dứt sự bất ổn định chính trị dai dẳng ở Thái Lan từ đầu năm đến nay.

Không ai có thể khẳng định, biến động chính trị vừa rồi có ảnh hưởng hay không tới nền kinh tế Thái Lan nói riêng và khu vực nói chung hay không. Cũng không ai có thể khẳng định sau cuộc đảo chính này, sẽ không có một cuộc khủng hoảng kinh tế tương tự năm 1997.

Bởi nói như người đứng đầu IMF, ông Rodrigo de Rato, người vẫn luôn liên tục theo dõi những biến động của kinh tế châu Á từ sau vụ đảo chính đến nay thì: "Tôi chưa ghi nhận được bất cứ thay đổi tài chính nào trong khu vực, nhưng như tôi đã nói, mọi thứ cần có sự thẩm định".

Nhiều năm gần đây, Thái Lan luôn được đánh giá là một trong những nước phát triển ổn định nhất châu Á. Kèm theo đó là ảnh hưởng kinh tế của đại gia này đối với kinh tế khu vực. Chính vì thế, biến động kinh tế ở đất nước chùa Tháp có gây sóng gió với nền kinh tế các nước khác hay không vẫn là một câu hỏi chưa thể có lời giải đáp ngay.

Chắc hẳn chúng ta còn nhớ, nền kinh tế Thái Lan đã từng bị bầm dập thê thảm sau vụ động đất năm 2004 khi một trong những ngành đem lại nguồn thu lớn cho nước này - du lịch - bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng cũng chính nó đã phục hồi nhanh chưa từng có với tốc độ tăng trưởng cực kỳ ấn tượng.

Không thể phủ nhận, những biến cố chính trị trên chính trường Thái Lan đã và đang gây những tác động tiêu cực tới nền kinh tế nước này. Nhưng về lâu dài, tin rằng Thái Lan sẽ lại hồi phục, như từ trước đến nay nó vẫn làm được.

Nói như một chuyên gia kinh tế khác của khu vực "tình hình kinh tế bây giờ rất khác với hoàn cảnh của những năm 1997. Các công ty bây giờ cũng hoạt động tốt hơn và chẳng có dấu hiệu nào cho thấy thị trường chứng khoán và tiền tệ Thái Lan sẽ bị tổn hại lâu dài".

Và câu hỏi liệu rằng có xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á tương tự như năm 1997 hay không, xem ra không cần phải có câu trả lời rõ ràng.

Theo Quỳnh Ngọc
VTV