Liên tục gặp “hạn”, doanh nghiệp thủy sản trượt dài

(Dân trí) - Trong khi diễn biến giá trên thị trường bất lợi, ngân hàng siết tín dụng vì sợ rủi ro thì doanh nghiệp cá tra lại vướng phải thuế chống bán phá giá. Thua lỗ kéo dài ở ngành này đã nhấn ngành thủy sản chìm sâu hơn trong khó khăn.

Liên tục gặp “hạn”, doanh nghiệp thủy sản trượt dài
Khó khăn cả về tín dụng lẫn thị trường tiêu thụ đã khiến nhiều doanh nghiệp thủy sản đối mặt phá sản (Ảnh minh họa).

Tại Báo cáo tổng kết tình hình kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm 2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho biết, giai đoạn này tình hình nuôi trồng thủy sản gặp khó khăn chủ yếu do sản xuất cá tra thua lỗ kéo dài.

Theo đó, giá cá tra nguyên liệu luôn ở mức thấp trong khi giá chi phí nguyên liệu đầu vào tăng, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn giảm. Trong khi đó, các ngân hàng đang siết chặt tín dụng vì sợ rủi ro, dẫn tới tình trạng không ít doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. 

Tiếp nối chuỗi khó khăn này, ngày 14/3/2013 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ ra phán quyết áp đặt mức thuế chống phá giá đối với mặt hàng cá tra, cá ba sa phi lê đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ với mức thuế nhập khẩu cao làm cho việc sản xuất, xuất khẩu mặt hàng này càng gặp nhiều khó khăn hơn. 

Dự báo sản lượng cá tra còn tiếp tục giảm trong các tháng tới. Nhiều địa phương trọng điểm nuôi cá tra đã thu hẹp diện tích nuôi như: Trà Vinh còn 117 ha, giảm 47,5% so với cùng kỳ năm trước; An Giang 779 ha, giảm 18%; Cần Thơ 667 ha, giảm 4,2%. 

Sản lượng cá tra ba tháng đầu năm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long ước tính đạt 210 nghìn tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó Vĩnh Long 7,4 nghìn tấn, giảm 66%; Bến Tre 25 nghìn tấn, giảm 31%; An Giang 66 nghìn tấn, giảm 15%; Cần Thơ 23 nghìn tấn, giảm 5,8%.

Ở mặt hàng tôm, sản lượng tôm nuôi thu hoạch trong kỳ chủ yếu trên phần diện tích thả nuôi tỉa thưa, thả bù và nuôi trong nội đồng phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán. Một số địa phương bắt đầu vào vụ nuôi nhưng nhìn chung diện tích thả giống giảm, trong đó Phú Yên đạt 60 ha, giảm 42,9% so với cùng kỳ năm 2012; Sóc Trăng 2393 ha, giảm 40,8%; Bạc Liêu 1155 ha, giảm 40,8%. 

Nuôi trồng các loại thủy sản khác tương đối ổn định theo hướng đa canh, đa con kết hợp, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo đảm môi trường sinh thái bền vững. Mô hình nuôi phổ biến tại các địa phương là kết hợp tôm - cá, tôm - cua, tôm - lúa, lúa - cá hoặc nuôi lồng, bè trên biển với các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như: Cá mú, cá giò, tu hài. 

Tính chung, sản lượng thủy sản nuôi trồng quý I ước tính đạt 500 nghìn tấn, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó cá đạt 361,2 nghìn tấn, giảm 5%; tôm đạt 79,5 nghìn tấn, tăng 4,5%. ạt 2053 tấn, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước; Phú Yên 2850 tấn, tăng 16,3%.

Về thủy sản khai thác, sản lượng quý I ước tính đạt 651 nghìn tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khai thác biển đạt 612,4 nghìn tấn, tăng 4,2%. Khai thác thuỷ sản trong kỳ nhìn chung ổn định do thời tiết khá thuận lợi và có được sự quan tâm, tạo điều kiện của địa phương cho các chủ tàu thuyền ra khơi, bám biển.

Ngoài ra, khai thác cá lớn và cá ngừ đại dương tiếp tục phát triển mạnh tại một số tỉnh. Tuy giá cá ngừ đại dương hiện nay giảm gần 40% so cùng kỳ năm trước nhưng nhờ sản lượng đánh bắt tăng cao, ngư dân có nhiều giải pháp để giảm chi phí nên hoạt động khai thác cá ngừ vẫn có lãi. Sản lượng cá ngừ đại dương của Bình Định đạt 2053 tấn, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước; Phú Yên 2850 tấn, tăng 16,3%.

Bích Diệp