1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Lật tẩy vàng giả!

Vàng pha tạp chất sau khi đánh bóng sẽ nổi rõ các hạt li ti màu trắng. Nơi nhiều tạp chất sẽ sần sùi, sờ tay có thể cảm nhận độ nhám rõ rệt.

Ngày 8/7, Hội Kim hoàn đá quý TP.HCM (SJA) công bố loại bột siêu nặng trộn lẫn trong vàng (gọi là vàng độn hay vàng nguyên liệu nhiễm bẩn) chính là hỗn hợp bột gồm có ba nguyên tố có tỉ trọng cao là Os (Osmi), Ir (Iriđi) và Ru (Rutheni).

 

Vàng độn quá tinh vi

 
Theo Ban Khoa học của SJA, loại bột gồm chất Os, Ir và Ru có trong vàng độn thời gian qua không tạo hợp kim với vàng và không tan trong hầu hết các loại, kể cả loại cường tan. Vì thế khi phân kim, loại bột này vẫn còn nguyên và lắng ở đáy bình.

 

Đánh giá của SJA, loại bột này thường là sản phẩm phụ đi kèm trong quặng bạch kim (Pt). Kích thước hạt của loại bột này vào khoảng vài chục micromet (khá mịn) được trộn vào vàng khi nấu chảy (có thể hình dung như những viên sỏi trong vữa bê tông).

 

Theo SJA, sở dĩ loại bột này trộn trong vàng khó phát hiện vì có tỉ trọng cao và không tạo hợp kim với vàng. Do đó các hạt bột này khi cho vào vàng nóng chảy nó sẽ chìm lẫn sâu vào bên trong thỏi vàng nên máy đo quang phổ khó phát hiện và cả phương pháp đo tỉ trọng (cân nước) cũng không phát hiện ra được.

 

Mặt khác, khi lẫn trong vàng thì nó không làm cho cục vàng bị vỡ như khi trộn các nguyên tố hóa học khác mà vẫn rất dẻo và màu sắc hầu như không thay đổi.
 
Lật tẩy vàng giả! - 1
Khách hàng vẫn có thể nhận biết vàng giả nếu cẩn trọng khi mua hàng.

 

ThS Nguyễn Thái Hòa, Trưởng phòng Giám định chất lượng (Trung tâm vàng ACB), cho biết ngoài vàng nguyên liệu độn tạp chất Os, Ir, Ru, trên thị trường VN còn có các loại khác, như vàng độn chất wolfram, vàng còn lẫn các kim loại khác như chì (Pb), natri (Na)…

 

Ông Nguyễn Sinh Thành, Giám đốc xưởng nữ trang SJC, cho biết từ lâu các doanh nghiệp (DN) trong nước thấy vàng độn chất wolfram, chì… không còn xuất hiện nữa. Vì vàng độn kiểu này rất dễ bị phát hiện thông qua cán mỏng, cắt, nghe âm thanh, thổi lửa trực tiếp.

 

Thiệt hại cả DN

 

Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch SJA, cho biết vàng bẩn, vàng độn sẽ ảnh hưởng lớn đến các DN sản xuất và mua bán vàng. Do vậy, nếu không kiểm soát kỹ đầu vào thì chi phí sản xuất của DN sẽ rất cao do có nhiều sản phẩm vàng mỹ nghệ, trang sức bị lỗi, bề mặt xước rỗ, nứt vỡ khi gia công.

 

Đối với người tiêu dùng nữ trang, ông Đậu Quang Bích, Trưởng phòng kỹ thuật công ty Công nghệ D.C (chuyên đo và phân tích về vàng), cho biết sẽ không ảnh hưởng bởi các sản phẩm nữ trang sản xuất đạt chất lượng không thể chứa chất Os, Ir, Ru lớn hơn 0,1%. “Tuy nhiên, khi mua nhẫn vàng hoặc vàng khối cần phải kiểm tra bằng máy. Vì các sản phẩm này thường làm đơn giản bằng tay nên có thể bị gian lận pha tạp chất bẩn vào” - ông Bích nói.

 

Theo Ban Khoa học kỹ thuật SJA, nếu sản phẩm vàng 24K hoặc vàng 18K có lẫn tạp chất khi gia công đánh bóng sẽ dễ dàng nhận biết. Vì sau khi chà láng, đem đánh bóng sẽ nổi rõ các hạt li ti màu trắng. Ở những chỗ nhiều tạp chất sẽ thấy sản phẩm sần sùi, sờ tay vào sẽ cảm nhận được độ nhám rõ rệt.

 

Vàng bẩn từ… Trung Quốc?

 

Tại hội thảo, Công ty Công nghệ D.C đưa ra giả thuyết vàng độn nêu trên có thể có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Ông Đậu Quang Bích phân tích người gian lận có thể mua các loại bột kim loại Ru, Os, Ir sau đó trộn lẫn vào vàng. “Nhưng giả thuyết này không hợp lý vì không việc gì phải mua 3-4 loại kim loại trên để trộn, trong khi chỉ cần một loại cũng trộn được. Mặt khác, nếu mua hai chất Os, Ir để trộn thì hợp lý vì tỉ trọng cao hơn vàng” - ông Bích nói.

 

Ông Bích nghiêng về giả thuyết vàng bẩn có thể có xuất xứ từ Trung Quốc, bởi loại bột màu đen hỗn hợp gồm chất Os, Ir, Ru là sản phẩm thu được khi sản xuất Pt từ quặng platin trong tự nhiên. Ông Bích nói: “Vì vậy có thể ở Trung Quốc, người ta đã lấy bột thu được từ sản xuất platin và trộn vào vàng để gian lận. Ngoài ra cũng có thể trong nước mua bột này từ Trung Quốc hoặc Nga để pha vào vàng”.

 

Nghi vấn này có cơ sở vì hiện nay vàng nguyên liệu nhập về ngoài con đường chính ngạch còn có một khối lượng lớn mua bán bằng đường tiểu ngạch qua biên giới Campuchia và Trung Quốc.

 

Cơ quan đo lường "bó tay" với vàng giả

 

Theo ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch SJA, SJA đã gửi mẫu vàng pha tạp chất đến Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (Quatest 3) nhưng kết quả thu được vẫn là vàng nguyên liệu 99%. Trong đó, hàm lượng vàng chiếm 98,58%, các chất khác chứa tỉ lệ không đáng kể và đặc biệt không phát hiện được các tạp chất như Os, Rh (Rhodium), Ru hay wolfram.

 

Cách nhận biết vàng pha tạp chất

Khi dùng kính lúp 12x (loại xem kim cương) quan sát kỹ sẽ thấy dấu hiệu có lẫn những hạt li ti màu trắng, xám sẫm đen lẫn trong vàng. Bề mặt vàng bị rỗ, dăm và không láng bóng. Dùng lửa đốt tan chảy, vàng có pha tạp chất không được trong như vàng nguyên chất. Những chỗ chưa kịp tan chảy có cát (sạn nhỏ). Nếu vàng đã được đánh bóng, khi cháy sẽ làm độ bóng ở gần điểm cháy mờ đi. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất là sau khi “cháy bóng”, vàng có pha lẫn tạp chất không những không bóng mà chỗ bị cháy rất mờ (như phun cát mờ, thậm chí rất xù xì, nhám).

 

Theo Bùi Nhơn
Pháp luật TP.HCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm