Lập danh sách cá nhân ”phóng tay” chi ngân sách trình Quốc hội

(Dân trí) - Với 454/461 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiều 19/6, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015 với bội chi ngân sách ở mức 6,28%.

Kết quả bấm nút biểu quyết tại Quốc hội về việc quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015.
Kết quả bấm nút biểu quyết tại Quốc hội về việc quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015.

Chính phủ xem xét báo cáo các cá nhân vi phạm

Trước đó, giải trình lo ngại của ĐBQH về bội chi ngân sách tăng, ảnh hưởng nợ công, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết: Bội chi NSNN năm 2015 ở mức 6,28% GDP, tăng so với dự toán Quốc hội quyết định là 0,57% GDP do 2 nguyên nhân. Thứ nhất, GDP thực hiện năm 2015 thấp hơn so với kế hoạch 287.000 tỷ đồng nhưng không được điều chỉnh, làm tỷ lệ bội chi tăng so với dự toán là 0,39%. Thứ hai, số hoàn thuế GTGT tăng 7.452 tỷ đồng, làm tỷ lệ bội chi tăng so với dự toán là 0,18% GDP. Việc tăng bội chi NSNN trên cũng làm tăng nợ công tương ứng, theo đó, nợ công đến 31/12/2015 là 61,8% GDP.

UBTVQH đề nghị Chính phủ cần có giải pháp tính toán GDP sát thực tế và trong điều hành cần bám sát dự toán, tăng thu, tiết kiệm chi, ưu tiên giảm bội chi NSNN, bảo đảm bội chi NSNN trong phạm vi đã được Quốc hội quyết định (cả số tuyệt đối và tỷ lệ % GDP), để không vượt trần nợ công, nhằm đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Đáng chú ý, Nghị quyết được Quốc hội thông qua năm nay có nội dung giao Chính phủ kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước và báo cáo cụ thể với Quốc hội danh sách, mức độ, xử lý sai phạm.

Báo cáo giải trình, tiếp thu của UBTVQH cũng nêu rõ: Quyết toán NSNN năm 2014, Chính phủ cũng chưa báo cáo rõ về kết quả xử lý với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, điều hành NSNN, và hiện nay Chính phủ đang giao Bộ Nội vụ xem xét, đề xuất. UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến ĐBQH, sớm tổng hợp để báo cáo cụ thể với Quốc hội tại kỳ họp thứ năm (tháng 5/2018) về danh sách, mức độ xử lý sai phạm đối với từng tổ chức, cá nhân sai phạm trong quản lý, điều hành NSNN 2 năm 2014-2015.

Không đẩy nhanh thời điểm quyết toán ngân sách

Trước ý kiến ĐBQH về việc quyết toán NSNN quá chậm (năm 2017 mới quyết toán NSNN năm 2015), UBTVQH giải trình: Việc này được thực hiện theo đúng Luật NSNN. Do hệ thống NSNN ở nước ta lồng ghép, việc phê chuẩn quyết toán NSNN cấp trên phải chờ phê chuẩn quyết toán NSNN cấp dưới.

Quyết toán NSNN trình Quốc hội phê chuẩn được tổng hợp từ quyết toán ngân sách các cấp chính quyền địa phương đã được Hội đồng nhân dân phê chuẩn và ngân sách các bộ, cơ quan trung ương được các bộ, cơ quan trung ương duyệt.

Để Hội đồng nhân dân 3 cấp ở địa phương phê chuẩn xong quyết toán, thì cần 12 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách, do Hội đồng nhân dân chỉ họp 2 kỳ/năm và Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN chậm nhất là 18 tháng sau khi năm ngân sách kết thúc. Do đó, khi sửa Luật NSNN 2002, vấn đề này đã được bàn thảo kỹ lưỡng nhưng xét thấy việc rút ngắn thời gian quyết toán là không khả thi nên Luật NSNN năm 2015 đã được Quốc hội thông qua vẫn quy định Quốc hội xem xét phê chuẩn quyết toán NSNN chậm nhất là 18 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách.

Về ý kiến ĐBQH cho rằng cơ cấu thu NSNN thiếu bền vững, UBTVQH nhất trí và nêu rõ thêm, mặc dù tỷ lệ thu nội địa đã tăng, song chỉ chiếm 66,5% tổng thu NSNN, cơ cấu thu NSNN năm 2015 chưa thật sự bền vững khi thu từ hoạt động xuất nhập khẩu (chiếm khoảng 17% tổng thu ngân sách), thu từ đất đai (8,6% tổng thu ngân sách), thu từ dầu thô (6,8% thu ngân sách) vẫn chiếm một tỷ trọng lớn.

Tuy nhiên việc huy động nguồn thu vào NSNN còn hạn chế. Ngoài nguyên nhân tăng trưởng không đạt kế hoạch, còn do công tác quản lý thu, khai thác nguồn lực kinh tế để tăng thu chưa hiệu quả. UBTVQH đề nghị, trong thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách thu phù hợp, cơ cấu lại nguồn thu ngân sách bền vững, đảm bảo tỷ lệ động viên hợp lý.

P.Thảo