Làng nghề khát vốn để đổi thay công nghệ, làm sạch môi trường
(Dân trí) - Theo ông Mẫn Ngọc Anh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Bắc Ninh, làng nghề, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp hoạt động tại các làng nghề hiện rất khó khăn về kinh phí, vay vốn để chuyển đổi công nghệ, thiết lập khu sản xuất xanh sạch, thân thiện với môi trường.
Hưởng ứng Cuộc vận động doanh nghiệp, doanh nhân hiến kế phát triển kinh tế cho Chính phủ, mới đây tại Bắc Ninh, Ban Kinh tế trung ương phối hợp với các cơ quan trung ương, địa phương tổ chức Diễn đàn “Doanh nghiệp, doanh nhân các tỉnh phía Bắc hiến kế hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển kinh tế làng nghề”.
Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban kinh tế trung ương nhấn mạnh: Hơn 30 năm đổi mới kinh tế làng nghề đã có nhiều đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển của đất nước.
“Các làng nghề đã giúp nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy được bản sắc văn hóa của dân tộc; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn”, Trưởng Ban Kinh tế trung ương cho biết.
Theo ông Bình, bên cạnh các thành tựu đã đạt được, kinh tế làng nghề cũng bộc lộ nhiều vấn đề từ quy hoạch, đất đai, ô nhiễm môi trường, khó khăn trong tiếp cận khoa học công nghệ, vốn và hỗ trợ tài chính của nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá sản phẩm và phát triển bền vững…
Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh cho biết, khó khăn lớn nhất của làng nghề là nguồn cung ứng sản phẩm và phối hợp để xử lý môi trường. Đây là những vấn đề phải tốn lượng kinh phí rất lớn mà doanh nghiệp không tự bản thân làm được.
Theo ông Thành, khó khăn nhất của việc phát triển làng nghề chính là kinh phí cho lĩnh vực này rất lớn, trong khi đó ngân sách của mỗi tỉnh phải đầu tư cho nhiều lĩnh vực khác nữa về mặt an sinh xã hội, kết cấu hạ tầng. Chính vì vậy, vị lãnh đạo Bắc Ninh đề xuất Chính phủ có cơ chế cho doanh nghiệp chủ động liên kết với nhau hoặc tự đứng ra đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải.
Theo ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam đưa ra vấn đề về vốn, trong đó có việc các ngân hàng đã đưa ra tín dụng hấp dẫn, nhưng để hướng dẫn họ vào đến từng hộ, từng cá nhân sản xuất thì không ai làm được, người sản xuất cũng chỉ biết làm thôi.
“Thực ra chưa khi nào làng nghề chúng ta phát triển rực rỡ như bây giờ. Nơi nào cũng có làng nghề phát triển rất mạnh, nhưng có khi làm ra không biết bán cho ai, đó là không có kế hoạch. Thứ hai là phải có thái độ, chính sách tốt với các nghệ nhân cao tuổi bởi phần lớn họ có kỹ năng, cần khai thác, tận dụng", ông Dần cho biết.
Theo ông Mẫn Ngọc Anh, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Bắc Ninh, hiện các làng nghè đang phát triển kiểu tự phát, nghĩa là họ sản xuất ô nhiễm nguồn nước, chất thải.
“Việc xây dựng một làng nghề hiện đại, thông minh phải dưới sự quản lý của nhà nước với vai trò là chủ đầu tư về vấn đề môi trường, về cơ sở hạ tầng, quy hoạch, công nghệ là rất khó thành thực tế. Chính vì thế, các làng nghề đang rất hoang mang, họ ra đấy tiền ở dâu để đầu tư công nghệ, xử lý chất thải”, ông Ngọc Anh nói.
Theo ông này, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cụ thể để người ta có tiền đầu tư công nghệ xử lý môi trường. Rồi các doanh nghiệp đầu tư vào việc này muốn thu hút người ta thì người ta phải tiếp cận nguồn vốn đề dầu tư cho hạ tầng làng nghề.
“Đã là làng nghề thì cần phải có quy hoạch hiện đại như các khu đô thị, khu công nghiệp hiện đại, cần có không gian thư giãn để người lao động sau thời gian làm việc thư giãn, tập thể dục, tái tạo môi rường xanh, giao thông phải thuận tiện.
Bên cạnh đó, là làng nghề hiện đại hơn lúc nào hết phải có phát triển bền vững, có môi trường xanh. Cũng cần xem quy hoạch làng nghề thông minh giao thông thân thiện, tiện lợi để hàng hoá giao thương thông suốt, giúp các làng nghề kết nối tốt với các khu công nghiệp FDI và các khu trung tâm lớn.
Hiện trên địa bàn cả nước đã có trên 5.400 làng nghề và làng có nghề, trong đó có khoảng gần 2.000 làng nghề truyền thống, với 115 nghề truyền thống đã được công nhận, thu hút khoảng 11 triệu lao động tham gia.
Ngay sau khi tham dự Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế trung ương, ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Uỷ ban mặt trận tổ quốc Việt Nam cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã cắt băng khai trương Hội chợ Sắc mắc Làng nghề 2019.
Sau cùng là thăm quan các gian hàng, ý tưởng của làng nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cùng dự lễ cắt băng khánh thành nhà máy sản xuất MBA 220-500kV cơ khí trọng điểm Quốc gia của tập đoàn Hanaka.
An Linh