Làn sóng tháo chạy chứng chỉ quỹ VF1

Ngay phiên giao dịch đầu tiên của ngày 4/5, một làn sóng tháo chạy đối với chứng chỉ quỹ (CCQ) VF1 với giá sàn đã diễn ra tại Trung tâm giao dịch chứng khoán TPHCM. Hơn 4 triệu chứng chỉ quỹ VF1 đã bị ế với sàn là 30.700 đồng/CCQ, số lượng khớp lệnh VF1 chỉ ở mức 70.800 CCQ.

Điều chỉnh giá mà không thay đổi ngày chốt quyền

Trong buổi sáng 4/5, khá nhiều nhà đầu tư (NĐT) đã bức xúc về việc giá phát hành của VF1 giảm từ 33.164 đồng/CCQ xuống còn 23.700 đồng/CCQ nhưng lại không thay đổi ngày chốt quyền.

Chủ tịch Hội đồng quản trị một công ty chứng khoán (CTCK) tại Hà Nội nhận xét: "Làm như vậy là quá bậy. NĐT xác định giá mua VF1 căn cứ vào mức giá phát hành và ngày chốt hưởng quyền. Nếu như ngày chốt hưởng quyền không đổi trong khi giá phát hành giảm mạnh thì tất cả những NĐT mua VF1 từ 28/3 đến nay là những người chịu thiệt".

Giám đốc khối quản lý danh mục đầu tư của một CTCK thì bình luận: "Đây rõ ràng là một cuộc chơi không công bằng. Luật chơi đã được thay đổi nhưng nhiều NĐT chưa được chuẩn bị cho điều đó và bị sốc là điều có thể hiểu được".

VF1 hủy bỏ giá 23.700 đồng/CCQ

Thông báo này được Ban đại diện Quỹ đầu tư chứng khoán VF1 đột ngột đưa ra vào khoảng 20 giờ ngày 4/5, theo đó, VF1 quyết định hủy bỏ giá phát hành điều chỉnh 23.700 đồng/CCQ, giữ nguyên giá 33.164 đồng/CCQ.

Thời gian chuyển nhượng quyền được điều chỉnh từ ngày 16/4 đến ngày 25/5, thời gian đăng ký, đóng tiền từ ngày 16/4 đến 30/5.

Giải thích về việc giảm giá phát hành nhưng lại không thay đổi ngày chốt quyền, một đại diện cấp cao của Công ty liên doanh quản lý quỹ Việt Nam (VFM) cho biết: "Nếu thay đổi ngày chốt quyền thì phải lặp lại nguyên một quy trình phát hành, xem lại 7.500 NĐT là những ai và phải mất thêm 2 tháng nữa mới có thể tiến hành được, mà 2 tháng nữa thì ai biết thị trường sẽ ra sao và tình hình như vậy rồi có chịu nổi được không?".

Ông này nói: "Chúng tôi quyết định một việc mà không ai dám làm đơn giản vì chúng tôi tập trung vào quyền lợi của đa số các NĐT tại VF1. Chúng tôi nhìn thấy những cơ hội kinh doanh và chúng tôi thấy cần phải hành động. Nhưng đúng là khó có thể làm vừa lòng tất cả mọi người trong thời điểm hiện nay".

Bí ẩn của "bảo lãnh phát hành"

Theo nhận định của nhiều chuyên gia chứng khoán, thông tin về việc Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) và Công ty chứng khoán TPHCM (HSC) đã đứng ra bảo lãnh phát hành cho đợt tăng vốn của VF1 là một thông tin quan trọng để các NĐT cân nhắc mức giá mua.

Một chuyên gia nhận xét: "Nếu các CTCK lớn mà sẵn sàng mua với mức giá 33.164 đồng/CCQ trong bất cứ trường hợp nào thì đây có thể coi là ngưỡng kháng cự tốt của VF1. Vì thế, giá VF1 đã không bị tụt xuống dưới mức này trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, khi đơn vị bảo lãnh không dám mua với mức giá đó nữa thì các NĐT tất nhiên cũng không còn tin vào ngưỡng kháng cự cũ". Một lãnh đạo cấp cao của VFM cho biết, hợp đồng bảo lãnh phát hành với BVSC và HSC chỉ ở mức "cố gắng tối đa".

Ông này cho biết: "Trong bất kỳ một hợp đồng nào cũng có những điều kiện hủy ngang và nếu xảy ra trường hợp đó thì không thể tiếp tục hợp đồng với các điều kiện như trước".

Tuy nhiên, phó giám đốc khối nghiệp vụ một CTCK lớn tại TP Hồ Chí Minh thì nhận xét: "Khi công bố là bảo lãnh thì cũng đồng nghĩa với việc là giá xuống cũng phải mua nhưng sau đó lại hóa ra là kiểu "cố gắng tối đa" nghĩa là bán đến đâu hay đến đó.

Thế nhưng, tôi thấy rất lạ là "cố gắng tối đa" nhưng mức phí lên tới cả chục tỉ đồng". Lãnh đạo của một quỹ đầu tư thì cho biết: "Thú thực là tôi khá bất ngờ vì VF1 điều chỉnh giá phát hành khi đã có đơn vị đứng ra bảo lãnh và được công bố rất công khai về việc bảo lãnh đó".

Ông này khẳng định: "Có chuyện không rõ ràng ở đây. Nếu bảo lãnh mà lại bị ràng buộc bởi điều kiện về giá giảm được phép hủy ngang thì không còn đúng nghĩa là bảo lãnh nữa và việc công bố hợp đồng bảo lãnh của BVSC và HSC cho nhà đầu tư như vậy là không rõ ràng và không minh bạch".

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nói gì?

Trao đổi với báo chí sáng 4/5 về việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chấp thuận cho VF1 giảm giá phát hành mà không thay đổi ngày chốt quyền, một đại diện có trách nhiệm của UBCKNN cho biết: "Việc phê duyệt của chúng tôi không liên quan đến ngày chốt quyền".

Ông này cũng giải thích, UBCKNN đồng ý với phương án "thay đổi điểm giá phát hành bằng một khoảng giá" chứ không phải là phê duyệt việc giảm giá phát hành. Việc chấp thuận phương án "khoảng giá" là căn cứ vào tình hình hiện nay của thị trường. Việc còn lại như mức giá nào, thời điểm chốt quyền, tỷ lệ... là những vấn đề kỹ thuật và là chuyện của công ty và nhà đầu tư, UBCKNN không can thiệp vào những chuyện đó.

Quan chức này cũng nói: "NĐT có quyền yêu cầu VFM thực hiện các quyền lợi hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật. Khi NĐT đã yêu cầu và những yêu cầu này là hợp lý và đúng pháp luật mà VFM không thực hiện thì cơ quan quản lý nhà nước mới can thiệp".

Theo Hoàng Ly - T.Xuân
Báo Thanh niên