Làm rõ trách nhiệm về dự án nghìn tỷ “đắp chiếu”
Ngoài quy trách nhiệm cụ thể người đứng đầu dự án nghìn tỷ nằm “đắp chiếu”, đại biểu Quốc hội còn cho rằng, phải làm rõ trách nhiệm của những đơn vị liên quan, trong đó có đơn vị phê duyệt dự án và cả các ngân hàng đầu tư góp vốn.
Không loại trừ lợi ích nhóm
Trao đổi với PV Tiền Phong về dự án muối mỏ nghìn tỷ đắp chiếu đầu tư tại Lào của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, trong số 12 dự án thua lỗ lớn mà Bộ Công Thương báo cáo không hề đề cập dự án này. Luôn theo sát về thực trạng làm ăn tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ông Hòa tỏ ra rất ngạc nhiên khi thỉnh thoảng lại “lòi” ra một dự án nghìn tỷ nằm “đắp chiếu”.
Nói về chủ trương đầu tư, ông Hòa cho rằng, phải hết sức cảnh giác, đề phòng và cần sự thận trọng, chủ động trong việc đầu tư các dự án ra nước ngoài. Khi quyết định đầu tư ra nước ngoài, phải cân đong đo đếm, xem xét thận trọng và cần tính đến hiệu quả dự án đầu tư. Còn nếu không có tính hiệu quả, cứ phập phù, chấp nhận đầu tư vì một lý do nào đó, thì không loại trừ khả năng có lợi ích nhóm trong đó. Việc đầu tư như vậy sẽ gây thất thoát, lãng phí lớn tài sản nhà nước.
Trước tình trạng dự án nghìn tỷ “đắp chiếu” được chỉ ra, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, cần phải truy trách nhiệm cụ thể đối với tổ chức, cá nhân liên quan: trách nhiệm của chủ đầu tư ra sao, trách nhiệm của đơn vị phê duyệt dự án thế nào?
“Một dự án lớn như vậy, phải tính đến hiệu quả đầu tư, cho dù dự án đó được đầu tư ở đâu đi chăng nữa. Đặc biệt, những dự án nước ngoài càng phức tạp hơn: ai thanh tra, ai kiểm tra, ai giám sát, ai kiểm toán? Phải làm rõ vấn đề để có sự kiểm điểm. Không thể lấy tiền bạc nhà nước, rồi đầu tư phập phù, gây thất thoát lớn như vậy”, ông Hòa nói.
Theo Ủy viên Ủy ban Pháp luật, dự án này phải có sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng, để sớm đưa ra kết luận vì sao, lý do gì dẫn tới dự án nằm “đắp chiếu”? Liệu có tiêu cực, khuất tất gì bên trong không? Từ đó quy trách nhiệm người đứng đầu, làm rõ vấn đề, trả lời công khai với công luận.
Còn những dự án nào không hiệu quả?
Ngoài trách nhiệm chủ đầu tư và đơn vị phê duyệt dự án, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, phải truy cả trách nhiệm của những ngân hàng góp vốn vào dự án, chứ không chỉ có chủ đầu tư. Ngân hàng hùn vốn đầu tư, hay chủ đầu tư vay vốn ngân hàng ra sao phải làm rõ; xem ngân hàng đầu tư như vậy có được chấp nhận không, có đúng quy định không, hay tự móc nối với nhau để đầu tư ngoài ngành?
“Vừa rồi có một số đại gia ngân hàng bị truy tố cũng vì lý do đầu tư ngoài ngành. Đối với dự án này, không chỉ quy trách nhiệm của Vinachem mà những nhà đầu tư khác, nếu có nguồn tiền của nhà nước cũng phải làm rõ, truy trách nhiệm cụ thể”, ông Hòa bày tỏ.
Đáng lưu ý, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, việc không thực hiện nghiêm mệnh lệnh của cấp trên, bất chấp sự cảnh báo như vậy, phải xem xét, dấu hiệu cố ý làm trái. “Lẽ ra khi Bộ Tài chính đã đưa ra cảnh báo, anh phải kiểm tra, coi lại dự án đó, phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền để kịp thời giải quyết. Nhưng đã cảnh báo rồi mà cứ đầu tư, kêu gọi đối tác thì phải làm rõ trách nhiệm”, ông Phạm Văn Hòa lưu ý.
“Tôi đề nghị Bộ Công Thương thống kê lại toàn bộ các dự án trực tiếp quản lý, xem những tập đoàn nào làm ăn có hiệu quả, đơn vị nào làm ăn thua lỗ, lừng chừng rồi báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội và để Quốc hội giám sát. Phải thống kê để xem dự án nào có hiệu quả thì phát huy. Còn dự án nào không hiệu quả, nằm “đắp chiếu”, có tiêu cực thì có giải pháp ngăn ngừa kịp thời, không để thất thoát tài sản nhà nước vào tay cá nhân”, ông Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Theo Luân Dũng
Tiền Phong