Lại trào lưu “săn” cổ phiếu sắp lên sàn

Gần đây tình hình giao dịch trên thị trường OTC lại tiếp diễn trào lưu đầu tư: Các chuyên gia lướt sóng ra sức "săn" CP chuẩn bị lên sàn tạo thành một cơn sốt, nhóm CP này giá bị đẩy tăng theo từng ngày...

"Tù mù" dễ đẩy giá

So sánh cùng một công ty khi ở thị trường OTC và thị trường niêm yết về mặt giá trị thì không có gì khác biệt, công ty hiện đang hoạt động thế nào thì khi niêm yết về cơ bản là vẫn thế.

Cũng là công ty đó khi đang ở thị trường OTC chuyển lên sàn được giao dịch tập trung về hình thức chỉ là thay đổi môi trường chuyển nhượng. Nhưng chỉ có lý do đó thôi mà trong thời gian vừa qua đã giúp cho giá CP của những công ty chuẩn bị lên sàn tăng giá vù vù.

Đầu tư theo tin đồn vẫn là "căn bệnh" mạn tính của nhiều NĐT, không cần biết công ty làm ăn thế nào, lỗ lãi ra sao, đầu tư an toàn hay không; thích hợp cho đầu tư ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn, lợi nhuận yêu cầu bao nhiêu phần trăm... Việc mua bán chủ yếu theo sự mách bảo của người quen.

CP của những công ty được giao dịch trên thị trường OTC có một đặc điểm  rất khác biệt so với công ty đã được niêm yết trên sàn, đó là không thể hoặc rất khó có thể phân tích đánh giá công ty đó làm ăn tốt hay xấu.

Các tiêu chí phân tích cơ bản như so với các công ty khác trong ngành, điểm mạnh, điểm yếu; lợi thế so sánh như nguyên liệu đầu vào, thị trường đầu ra, chi phí, công nghệ, khấu hao, lợi nhuận... không đầy đủ.

Muốn biết được thông tin về DN thông thường phải dùng quan hệ cá nhân. Trong khi đó với những DN đã niêm yết, NĐT có thể tìm hiểu công ty thông qua bản cáo bạch hay bản công bố thông tin. Ngay cả thông tin tài chính cũng dễ dàng kiểm tra.

Việc tin tức về công ty trên thị trường OTC không rõ ràng khiến nhiều NĐT đã lao vào mua, trong đó cơ sở lựa chọn CP chỉ là niềm tin vào khả năng tăng giá trong tương lai. Không ít DN đang giao dịch rất cầm chừng trên thị trường OTC khi có tin chuẩn bị có kế hoạch niêm yết thì giá cứ "bay" lên từng ngày.

CTCP Sông Đà 25 cách đây 1 tháng giá giao dịch ở mức 50.000đ/cp-52.000đ/cp, ngay khi có tin chuẩn bị lên sàn, giá ngay lập tức bị đẩy lên 90.000đ-100.000đ/cp hay CP của CTCP dịch vụ - kỹ thuật - viễn thông tăng từ 40.000đ- 45.000đ/cp đến khi lưu ký đã lên đến 75.000đ-80.000đ/cp.

Thậm chí khi CP đã lưu ký chờ ngày niêm yết mà vẫn có những giao dịch thoả thuận thành công giữa bên bán và bên mua.

Sẽ không còn chênh lệch giá?

Về cơ bản khi CP được niêm yết trên sàn thì giá trị của DN không đổi, nhưng tính thanh khoản của CP được tăng lên, tính minh bạch cũng được đảm bảo.

Khi CP đang được giao dịch trên thị trường OTC có thể công ty được ít NĐT biết đến, cũng chính sự không rõ ràng về thông tin liên quan đến DN mà giá của những CP đó cũng ở dạng không rõ là có phản ánh đúng, giá trị nội tại của công ty không.

Có thể nhiều DN tốt mà giá của nó chưa phản ánh đúng, hay ngược lại nhiều trường hợp giá CP bị đẩy lên quá cao, cao hơn giá trị nội tại của công ty. Khi công ty được niêm yết, thông tin công khai, chắc chắn giá CP sẽ có xu hướng điều chỉnh về mức hợp lý.

NĐT nên mua bán thận trọng, lựa chọn CP của những DN mà mình biết rõ và nên dừng lại ở mức giá có thể chấp nhận được, không nên mua bán theo phong trào, vì như thế không những sẽ đẩy giá của CP đó tăng "nóng" mà bản thân NĐT còn có thể gặp rủi ro cao.

Vừa qua, Bộ Tài chính vừa phê duyệt phương án tổ chức và quản lý giao dịch CK của công ty đại chúng chưa niêm yết. Theo đó, CK của các công ty đại chúng chưa niêm yết sẽ phải đăng ký, lưu ký tập trung tại Trung tâm lưu ký CK và giao dịch tại CTCK và thông tin về DN cũng được công bố một cách công khai minh bạch theo quy định.

Một yếu tố quan trọng quyết định giúp TTCK phát triển bền vững ổn định là công bằng, công khai và minh bạch. Tuy nhiên, hiện nay TTCK OTC chưa được quản lý đúng mức, dẫn đến việc NĐT giao dịch CP trên thị trường OTC gặp nhiều rủi ro.

Theo Minh Hùng
Báo Lao động