Lãi suất khó giảm, tín dụng khó tăng

Mặc dù mục tiêu đề ra là giảm lãi suất huy động xuống 10%/năm, lãi suất cho vay xuống 12%/năm và tăng trưởng tín dụng đạt 25% năm 2010, song trên thực tế những mục tiêu này khó đạt bởi mấy lý do sau:

Lãi suất khó giảm, tín dụng khó tăng  - 1
Khi tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu tăng thì ngân hàng phải giảm huy động, đồng nghĩa với mức tăng trưởng tín dụng khó có thể tăng lên.
 
Thứ nhất, theo quy định tại Thông tư số 13/2010/TT-NHNN ngày 20/5/2010 của Ngân hàng Nhà nước (có hiệu lực thi hành từ 1/10/2010) thì tổ chức tín dụng (TCTD) chỉ được sử dụng nguồn vốn huy động để cấp tín dụng với điều kiện trước và sau khi cấp tín dụng đều đảm bảo tỷ lệ khả năng chi trả và các tỷ lệ đảm bảo an toàn khác quy định tại thông tư này và không vượt quá tỷ lệ 80% (đối với ngân hàng, hoặc 85% (đối với các TCTD phi ngân hàng). Nghĩa là ngân hàng huy động được 100 tỉ đồng thì chỉ được cho vay tối đa 80 tỉ đồng, số còn lại để phục vụ cho công tác thanh khoản.

Trong các tỷ lệ đảm bảo an toàn khác, có tỷ lệ “an toàn vốn tối thiểu” gọi tắt là CAR (Capital Adequacy Ratio) được nâng từ mức CAR >8% hiện hành lên mức > 9% theo Thông tư 13.

Như vậy, theo quy định này, các ngân hàng phải giảm nguồn vốn huy động hay giảm tổng tài sản có đã được điều chỉnh theo mức độ rủi ro (mẫu số).

Trong tài sản có rủi ro hiện nay của ngân hàng chủ yếu vẫn là tín dụng. Nghĩa là trước đây ngân hàng có 100 tỉ đồng vốn tự có thì được huy động tối đa 1.250 tỉ đồng (gấp 12,5 lần vốn tự có) để cho vay và thực hiện các hoạt động kinh doanh khác (100 tỉ/1.250 tỉ = 8%).

Nay theo quy định mới, với 100 tỉ đồng vốn tự có, các ngân hàng chỉ được huy động 1.110 tỉ đồng để cho vay, kinh doanh (100/1.110 = 9%) giảm 140 tỉ đồng tài sản có sinh lời.

Như vậy, ngoài rào cản kỹ thuật thứ nhất là các ngân hàng chỉ được phép sử dụng 80% vốn huy động để cấp tín dụng, thì ở rào cản thứ hai ngân hàng phải giảm vốn huy động để cho vay.

Điều này cho thấy, khi chi phí bỏ ra quá lớn cho khoản dự phòng thanh khoản 20 tỉ đồng (100 tỉ - 80 tỉ) không có khả năng sinh lời như phân tích trên, thì lãi suất cho vay khó có thể giảm.

Khi lãi suất cho vay khó giảm thì đương nhiên lãi suất huy động cũng khó bớt đi. Hơn nữa, khi tỷ lệ CAR tăng từ 8% lên 9% thì ngân hàng phải giảm huy động, giảm tài sản có sinh lời, điều đó cũng đồng nghĩa với mức tăng trưởng tín dụng khó có thể tăng lên do ngân hàng thiếu nguồn.

Thứ hai, cũng theo quy định tại Thông tư 13, phần đang gây tranh luận nhiều nhất là nguồn vốn huy động để cho vay không bao gồm phần tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức kinh tế, Kho bạc Nhà nước, bảo hiểm xã hội..., trong khi theo tính toán của các ngân hàng thương mại, tỷ lệ huy động tiền gửi không kỳ hạn dưới dạng này chiếm vào khoảng 15% tổng nguồn vốn huy động của các ngân hàng.

Nếu cộng 20% phần không được cho vay và 15% nói trên, tương đương 15 tỉ đồng thì tổng số tiền phục vụ cho thanh khoản (không sinh lời) tăng lên là 35 tỉ đồng, tương đương 35% tổng nguồn vốn huy động. Phần để cho vay chỉ còn 65 tỉ đồng. Nếu tính đúng, tính đủ các chi phí hoạt động, trích dự trữ bắt buộc, dự phòng rủi ro, thuế... thì phần cho vay ròng còn lại chỉ vào khoảng 60 tỉ đồng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc chi phí hoạt động của hàng tăng lên và buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất cho vay, dẫn đến tăng lãi suất huy động và cuối cùng là giảm cung ứng tín dụng.

Rõ ràng, để đạt mục tiêu an toàn hoạt động thì ngân hàng phải cắt giảm cung ứng tín dụng và giảm nguồn vốn huy động theo quy định CAR... dẫn đến tăng trưởng tín dụng giảm xuống. Ngược lại, để đạt mục tiêu giảm lãi suất thì các tỷ lệ trên phải được nới rộng ra, trong khi theo Thông tư số 13 thì các tỷ lệ trên bị thu hẹp lại, dẫn đến các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất để bù đắp cho những chi phí thực hiện các nghĩa vụ.

Như vậy, để đạt được cùng một lúc các mục tiêu trên, trước mắt Ngân hàng Nhà nước nên cân nhắc, gia hạn thêm thời gian thực hiện Thông tư số 13 đến hết năm 2010 nhằm ưu tiên cho tăng trưởng tín dụng và hạ lãi suất trong năm 2010 theo như kế hoạch đã đề ra.

Cần sự đánh đổi tối ưu
 
Việc Thông tư 13 sắp có hiệu lực vào đầu tháng 10, một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng không muốn nêu tên nhận định: chính sách nào cũng có một hệ thống các quan điểm lập luận riêng của nó. Tuy nhiên, khi xem xét một chính sách cần cân nhắc những điều sẽ đạt được và những điều phải đánh đổi khi thực hiện chính sách đó.
Điều đạt được từ Thông tư 13 đó là sự an toàn ở mức cao đối với cả hệ thống ngân hàng. Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là thời điểm này có thực sự cần thiết để nâng cao sự an toàn của các ngân hàng để chấp nhận bỏ qua những cơ hội tăng trưởng?
 
Trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn chưa hồi phục, nguồn lực từ bên ngoài vào Việt Nam đang suy giảm, đây là thời gian rất cần phát huy nguồn nội lực của đất nước để có thể đạt được mức tăng trưởng mong muốn.
 
Tuy nhiên, Thông tư 13 sắp có hiệu lực lại hạn chế nguồn vốn cho vay đối với nền kinh tế, như vậy sẽ kiềm hãm việc phát huy nội lực. Liệu sự đánh đổi này có đáng để thực hiện vào thời điểm hiện nay?
 
Việc Ngân hàng Nhà nước đưa ra các quy định về tỷ lệ an toàn vốn như trong Thông tư 13 thể hiện sự lo ngại về tính an toàn của nội tại hệ thống ngân hàng Việt Nam. Thực tế là trong thời gian qua có một số ngân hàng đã không tuân thủ các nguyên tắc về an toàn, chạy theo lợi nhuận. Tuy nhiên, nếu chỉ lấy một vài ngân hàng để khái quát lên cho cả ngành ngân hàng thì không đúng. Có nên vì một vài ngân hàng mà đánh đổi sự phát triển của cả ngành ngân hàng.
 
Chính sách nào cũng phải có một sự đánh đổi giữa cái được và cái mất, nhưng người làm chính sách cần thận trọng xem xét để có một sự đánh đổi tối ưu, vị chuyên gia này nói.
 
Thủy Triều ghi
 
Theo TS. Tôn Thanh Tâm
TBKTSG