Lãi suất huy động USD đua tăng
(Dân trí) - Nhằm có đủ nguồn ngoại tệ phục vụ doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa khi nền kinh tế phục hồi và để giữ chân người gửi tiền, hàng loạt ngân hàng đẩy mạnh cuộc đua tăng lãi suất huy động USD.
Vài tuần gần đây, lãi suất huy động USD trên thị trường tiền tệ được các ngân hàng điều chỉnh tăng với biên độ khá rộng. Không chỉ có Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng Eximbank tăng thêm khoảng 0,3%/năm cho tất cả các kỳ hạn; Ngân hàng TMCP Ngoại thương đã tăng lãi suất huy động tiền gửi USD từ 0,05 - 0,2%/năm ở các kỳ hạn dưới 12 tháng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn còn tăng lãi suất huy động USD thêm 0,5%/năm cho các kỳ hạn trên 12 tháng…
Động thái điều chỉnh tăng lãi suất huy động USD của khá nhiều ngân hàng hiện nay được giới chuyên gia tài chính dự đoán về khả năng đón đầu nguồn cung cho thị trường, khi nền kinh tế có nhiều dấu hiệu phục hồi. Mặt bằng lãi suất huy động USD thời gian này có dấu hiệu phá vỡ sự đồng nhất về việc giảm dần của các ngân hàng vào hồi đầu tháng 6. Lúc đó, các ngân hàng TMCP đã thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động và cho vay USD tối đa tương ứng là 1,5%/năm và 3%/năm.
Các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động, cho vay ngoại tệ cho phù hợp với cung cầu vốn và đảm bảo tương quan trong mối quan hệ với VND trên thị trường; đồng thời góp phần hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ và chuyển dịch từ nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ sang nhu cầu vay vốn bằng VND.
Tuy nhiên, lãi suất ngoại tệ thấp lại khiến nhiều người dân rút ngoại tệ từ ngân hàng để đầu tư vào những lĩnh vực khác hoặc bán ngoại tệ lấy nội tệ gửi tiết kiệm; trong khi hiện tượng găm giữ ngoại tệ của doanh nghiệp cũng đã giảm khá nhiều. Đây chính là một trong những lý do để các ngân hàng tranh thủ mặt bằng lãi suất thấp huy động USD.
Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, cùng với việc điều chỉnh lãi suất huy động bằng ngoại tệ, lãi suất cho vay đã USD tăng nhẹ, chủ yếu ở nhóm ngân hàng TMCP. Hiện tại, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng USD của nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước là 3%/năm, trung và dài hạn từ 3 - 5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn bằng USD của nhóm ngân hàng TMCP phổ biến ở mức từ 4,5 - 7%/năm, trung và dài hạn 5,5 - 8%/năm.
Thị trường ngoại hối cũng có những chuyển động theo chiều hướng tích cực; một số ngân hàng thương mại đẩy mạnh huy động ngoại tệ để triển khai tín dụng ngoại tệ. Trong tháng 8, có ngày hệ thống ngân hàng thương mại mua ròng 71 triệu USD của doanh nghiệp.
Cũng theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, tín dụng đầu tư cho nền kinh tế tháng 7 ước tăng 2,15% so với cuối tháng trước. Trong đó, tín dụng bằng VND ước tăng 2,35% và tín dụng bằng ngoại tệ ước tăng 1,2%, thay vì giảm như 2 quý đầu năm. Còn tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tháng 7/2009 cũng ước tăng 2,75% so với cuối tháng trước và tăng 20,92% so với cuối năm trước. Trong đó, số dư tiền gửi VND tăng 3,17% và số dư tiền gửi ngoại tệ tăng 1,13% so với cuối tháng trước.
Riêng tại TPHCM, tổng vốn bằng ngoại tệ của các ngân hàng tính đến hết tháng 7 tăng 8,3% so với đầu năm, trong đó tiền gửi của các tổ chức kinh tế chiếm khoảng 40 - 45%; còn cho vay bằng ngoại tệ giảm khoảng 1,6%...
An Hạ