"Lãi suất dài hạn trên 10%/năm thì doanh nghiệp không có cửa để đầu tư"

Việt Đức

(Dân trí) - Lãi suất cao vẫn là vấn đề nóng được các doanh nghiệp tại TPHCM đề cập nhiều nhất khi nói đến các vấn đề khó khăn dịp đầu năm.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) Nguyễn Ngọc Hòa, giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn đã được nhắc đến nhiều thời gian qua nhưng cần có những giải pháp cụ thể để kéo giảm lãi suất với mục tiêu rõ ràng. 

"Nếu lãi suất dài hạn trên 10%/năm thì doanh nghiệp không có cửa để đầu tư. Cần vạch một lộ trình cụ thể từ đây đến 6 tháng giảm lãi suất thì mới kích hoạt được cái đầu tư", ông Hòa phát biểu tại buổi tọa đàm với chủ đề về các giải pháp đột phá hỗ trợ doanh nghiệp do báo Người Lao Động tổ chức chiều 6/2.

Theo ông Hòa, hiện nay các doanh nghiệp hay sử dụng tài sản thế chấp là bất động sản. Cùng với việc thị trường bất động sản thời gian qua xuống dốc, giá trị định giá tài sản bị giảm, tỷ lệ giải ngân trên giá trị của bất động sản cũng thấp hơn. Theo ông Hòa, 2 việc này đồng thời khiến lượng vốn doanh nghiệp được ngân hàng giải ngân rất thấp, nếu còn bị yêu cầu bổ sung thêm tài sản đảm bảo thì khó càng thêm khó. Chủ tịch HUBA mong muốn các doanh nghiệp có sự đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn như hiện nay.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lê Thành, một doanh nghiệp chuyên phát triển nhà ở xã hội tại TPHCM cũng cho biết hiện nay doanh nghiệp vẫn phải vay vốn với lãi suất lên tới 14%/năm. Cùng với các rào cản về pháp lý, thủ tục, lãi suất cao khiến doanh nghiệp rất khó triển khai dự án.

Chuyên gia kinh tế - TS Trần Đình Thiên cũng nhận định năm vừa qua, kinh tế Việt Nam đạt chỉ số tăng trưởng tốt nhưng thực tế khu vực FDI vẫn "sống khỏe" còn khu vực nội địa rất khó khăn. Ông đặt câu hỏi với mặt bằng lãi suất cho vay có nơi lên tới 15-16%/năm như hiện nay, doanh nghiệp làm sao sống được. Trong khi đó, những điều kiện khách quan và chủ quan khiến các ngân hàng chưa thể hạ lãi suất ngay được.

Phó tổng giám đốc OCB Trương Đình Long cho biết ngân hàng thấu hiểu khó khăn các doanh nghiệp phản ánh trong việc tiếp cận vốn. Dù vậy, bản thân ngân hàng cũng là doanh nghiệp có tính đặc thù, cũng chịu khó khăn chung trong nền kinh tế. Ngân hàng này cũng phải định hướng, chủ động tìm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ hoạt động tốt để có thể cung ứng dòng vốn tín dụng ra thị trường.

Trả lời ý kiến của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM - cho biết cơ quan này luôn đặt mục tiêu tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và động lực tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tín dụng lĩnh vực rủi ro.

Lãi suất dài hạn trên 10%/năm thì doanh nghiệp không có cửa để đầu tư - 1

Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM Nguyễn Đức Lệnh trả lời ý kiến của các doanh nghiệp về vấn đề tiếp cận tín dụng chiều 6/2 (Ảnh: NLĐ).

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM đang tích cực triển khai các hoạt động như gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm của Chính phủ, chương trình cho vay ưu đãi 5 nhóm ngành ưu tiên với lãi suất ngắn hạn tối đa 5,5%/năm, tiếp tục kết nối doanh nghiệp và ngân hàng thương mại thông qua sự hợp tác với các hiệp hội.

Liên quan đến việc khó tiếp cận gói lãi suất 2% của doanh nghiệp, ông Lệnh cho hay việc giải ngân còn phụ thuộc vào khả năng đánh giá của từng ngân hàng thương mại đối với khả năng phục hồi của doanh nghiệp. Ngoài ra, nguồn vốn hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nên cũng có sự e ngại từ phía doanh nghiệp. Có trường hợp ngân hàng chủ động mời doanh nghiệp tham gia nhưng bị từ chối vì doanh nghiệp có tâm lý e ngại việc bị các cơ quan hậu kiểm về sau.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm