Lãi suất có thể tăng trở lại vì rủi ro lạm phát

(Dân trí) - Hiện tại mức trần lãi suất huy động vẫn giữ nguyên 7,5% sau đợt cắt giảm hồi tháng 3 song một số ngân hàng đã thực hiện hạ xuống còn 5-7%. So với kỳ vọng lạm phát cả năm dưới 6,8%, người gửi tiền vẫn hưởng lãi suất thực dương.

Lãi suất có thể tăng trở lại vì rủi ro lạm phát
Thời điểm hiện tại người gửi tiền vẫn đang hưởng lãi suất thực dương, song nếu lạm phát bùng trở lại vào những tháng tới, lãi suất huy động có thể phải nâng lên.

Tại báo cáo vĩ mô tháng 4 do nhóm nghiên cứu thuộc CTCP Chứng khoán Vietcombank (VCBS) mới công bố, tổ chức này đánh giá, rủi ro lạm phát vẫn tiềm ẩn trong trung và dài hạn nếu việc nới lỏng chính sách tiền tệ diễn ra vội vàng. Và do đó, có thể đẩy lãi suất tăng trở lại.

Sau đợt hạ lãi suất thực hiện trong tháng 3, ngày 10/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục công bố một loạt lãi suất chủ chốt khác sẽ được cắt giảm thêm 1 điểm % (tương ứng 100 điểm cơ bản). Cơ sở được cho là nhờ lạm phát chậm lại.

Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 8% xuống 7%, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 6% xuống 5%. Và mặc dù NHNN không công bố cụ thể về lãi suất thị trường mở trong thông báo ngày hôm nay, song, HSBC dự báo lãi suất OMO cũng sẽ giảm từ 6,5% xuống 6% vào thứ Hai tới (13/5).

Trần lãi suất huy động vẫn giữ ở mức 7,5%. Như vậy, với triển vọng lạm phát cả năm dưới 6,8% như Chính phủ đã đặt ra, thì người gửi tiền vẫn đang hưởng lãi suất thực dương. 

Tuy nhiên, với việc một loạt các ngân hàng (chủ yếu ở khu vực quốc doanh) thời gian qua giảm mạnh lãi suất xuống 7%, thậm chí là 5%, người gửi tiết kiệm sẽ không khỏi lo ngại.

Rủi ro lạm phát trở lại

Vấn đề năm ở chỗ, rủi ro lạm phát bùng lên vào các quý còn lại là hoàn toàn có thể xảy ra. Năm ngoái đã xảy ra tiền lệ, thời điểm lạm phát cao nhất lại rơi vào tháng 9 (2,2%) chứ không phải là tháng Tết do sự đội lên của chi phí giáo dục, y tế.

Theo nhận định của bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Vụ trưởng Vụ Thống kê Tổng hợp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2013, lạm phát sẽ có thể tăng 7-8% do một số mặt hàng vẫn còn phải tiếp tục điều chỉnh giá, đặc biệt là dịch vụ y tế. Hiện tại còn khoảng 30 tỉnh thành chưa điều chỉnh giá y tế và sẽ điều chỉnh trong thời gian sắp tới.

Nhìn lại chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4, trong 11 nhóm hàng hóa thuộc rổ tính giá có 8 nhóm hàng tăng giá, trong đó, chỉ số giá tại nhóm thuốc và dịch vụ y tế là nguyên nhân chính khiến CPI từ trạng thái âm hồi tháng 3 về trạng thái dương.

Nếu so với tháng 3, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 3,62%, trong đó, chỉ số giá dịch vụ y tế tăng mạnh 4,51%. Luỹ kế từ đầu năm, nhóm này đã tăng 12,01% về giá, và nếu so cùng kỳ, mức tăng là 60,63% (dịch vụ y tế tăng 86,31%).

Sự điều chỉnh giá chóng mặt ở mặt hàng này là một sự đe doạ đối với CPI trong 2013. Chưa kể, rủi ro từ giá điện, xăng dầu, giáo dục và lương thực, thực phẩm.

Lãi suất có thể tăng trở lại vì rủi ro lạm phát
Lãi suất cho vay sản xuất vẫn đang ở mức cao 10-12% cho kỳ hạn ngắn, 13-17% cho kỳ hạn dài (Nguồn: VCBS).

Để hạ lãi suất cho vay, cốt lõi ở xử lý nợ xấu

Nhận xét về hoạt động cắt giảm lãi suất ở Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, tác động đối với tăng trưởng tín dụng có thể chưa nhận biết được cho đến khi các vấn đề của ngành ngân hàng được giải quyết một cách cương quyết hơn.

Quan điểm này cũng tương đồng với những nhận định mà Dân trí đã đăng tải gần đây của chuyên gia Vincent Conti (Ngân hàng ANZ) cũng như của chuyên gia HSBC.

Theo đó, ông Vincent nhìn nhận, những lần cắt giảm lãi suất trước đây có thể đẩy nhu cầu tín dụng lên cao nhưng không giúp giải quyết vấn đề nguồn vốn cho vay thiếu hụt. “Vấn đề này cần giải quyết bằng việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu, yếu tố chính kìm hãm sự tăng trưởng tín dụng”

Trong khi đó, HSBC cho rằng, “động thái này đánh dấu tham vọng của NHNN trong hỗ trợ cầu, nhưng chúng tôi không nghĩ sẽ kích thích mạnh đối với tăng trưởng tín dụng”.

Với việc nền kinh tế đang ở trong giai đoạn cắt giảm nợ vay và thị trường tài chính đang đóng băng, chỉ có những cải cách mạnh mẽ mới có thể thực sự thay đổi tình hình nền kinh tế trong ngắn hạn.

Việc thành lập Công ty Quản lý Tài sản quốc gia (VAMC) cũng như các kế hoạch cụ thể chắc chắn để cải cách lĩnh vực ngân hàng, khu vực nhà nước cũng như đầu tư công là hết sức cần thiết để củng cố cam kết của Chính phủ đối với ưu tiên phát triển bền vững. 

Cùng với đó, theo HSBC, nợ xấu sẽ không thể được giải quyết trừ khi có một khung pháp lý tốt hơn về nợ xấu hoặc phải bơm vốn tư nhân hay nước ngoài và nguồn vốn sẽ không đến từ khu vực công.

Bích Diệp