1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Lãi lớn chưa từng có tại các ngân hàng TMCP

Đón năm mới 2007, hơn phân nửa trong tổng số 40 ngân hàng thương mại cổ phần đang hoạt động trên cả nước đã chắc chắn nâng ly sâm banh cụng ăn mừng...

Theo nhận định của các chuyên gia, 2006 là năm “hoa sai, quả ngọt” chưa từng có, đem lại cho khối ngân hàng cổ phần lợi nhuận và thành công rực rỡ nhất từ trước đến nay.

2006 - Năm thăng hoa

Những ngày cuối năm 2006, khối ngân hàng thương mại quốc doanh gồm các “anh cả”: Ngoại thương (Vietcombank); Công thương (Incombank); Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Agribank)... vẫn im ắng thông tin tình hình làm ăn kinh doanh.

Ngược lại, khối các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) đang lan rộng bầu không khí đầy phấn khởi.

Ngày cuối cận Tết Dương lịch, trụ sở chính của ngân hàng TMCP các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (VPBank) tọa lạc tại vị trí đẹp cận kề Hồ Gươm (Hà Nội) nhộn nhịp người ra kẻ vào. Trên gương mặt các cổ đông ra vào làm thủ tục phần lớn đều hỉ hả.

Bác Nguyễn Hoà, một cổ đông trung thành của ngân hàng này không giấu được nụ cười mãn nguyện: “Tôi vừa được biết VPBank dự kiến mức chia lợi nhuận cho cổ đông năm nay  là 24,2% và chi trả hoàn toàn bằng tiền mặt. Với hơn 500 triệu đồng mệnh giá đang sở hữu, thế là tôi đã có một số tiền kha khá để lo cho cả nhà ăn Tết này”.

Năm 2006 tổng tài sản VPbank ước đạt khoảng 10.000 tỷ đồng; tổng tiền huy động dân cư - 5.500 tỷ đồng; tổng dư nợ - 5.000 tỷ đồng. Theo tính toán, lãi trước thuế của ngân hàng (đã trích trừ quỹ dự phòng rủi ro) năm 2006 ước tính đạt 175 tỷ đồng (gấp 1,5 lần so với năm 2005).

Về cổ tức, riêng quỹ thưởng của cán bộ công nhân viên ngân hàng tính cho cả năm sẽ vào khoảng 10 tỷ đồng. Như vậy, 2006 là năm “phát tài, phát lộc” của VPBank? - Theo ông Lê Đắc Sơn, Tổng Giám đốc VPBank, thành công này đang nằm trong sự thăng hoa của khối NHTMCP nói chung.

Thông tin mới nhất, năm 2006, Ngân hàng Á châu (ACB) tiếp tục dẫn đầu khối NHCP về hiệu quả hoạt động, với tổng lợi nhuận trước thuế đến nay đạt 568 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu lợi nhuận cả năm; Sacombank đạt 447 tỷ đồng, đạt 146% so với lợi nhuận năm ngoái; Eximbank đạt trên 340 tỷ đồng, hoàn thành 120% kế hoạch năm.

Các NHTM cổ phần bậc trung cũng đạt chỉ tiêu lợi nhuận không kém như Ngân hàng Phương Đông (OCB) đạt 140 tỷ đồng, gấp 2 lần năm trước. NHTMCP Sài Gòn (SCB) lãi 151,4 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần năm 2005. Bên cạnh chỉ tiêu về lợi nhuận, nhiều ngân hàng tăng tốc về quy mô tài sản.

Hiện ACB là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất, đạt đến 42.500 tỷ đồng, gấp 2 lần so với hồi đầu năm; tiếp theo là NHCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) trên 24.000 tỷ đồng, tăng 58% và NHCP xuất nhập khẩu (Eximbank) gần 17.000 tỷ đồng, tăng 49%.

Nằm trong chuỗi thành công tiếp theo phải kể khối NHCP mới chuyển từ nông thôn lên đô thị như: AnBìnhbank (ABB); NHTMCP Hà Nội - Sài Gòn (SHB); NHTMCP Toàn Cầu (G-bank); Việt Á...

Tuy dấu ấn về lợi nhuận chưa “sắc” do đang trong giai đoạn chuyển tiếp (ABBank năm 2006 lợi nhuận trước thuế khoảng 45 tỷ đồng), nhưng sự “thăng hoa” của các ngân hàng này được đánh dấu bằng các cú bắt tay lên tiếp với những đối tác cổ đông chiến lược cùng việc tiếp thị hình ảnh, tên tuổi và phong cách làm việc ngày một chuyên nghiệp.

Cùng với sức nóng thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu của khối NHCP nói chung và các “em út” mới lên đời này nói riêng đang tăng vùn vụt trên thị trường giao dịch cổ phiếu không chính thức OTC.

Năm 2007 - Cạnh tranh khốc liệt

Theo tính toán của các chuyên gia, bức tranh toàn cảnh của khối ngân hàng năm 2007 sẽ là cuộc chiến cạnh tranh thị phần ngày càng quyết liệt giữa khối cổ phần với khối quốc doanh cũng như trong chính nội tại khối cổ phần với nhau.

Mặc dù hiện tại,  khối các NHTM quốc doanh đang rất cố gắng nỗ lực trong việc chuẩn bị những bước “đệm” cho tiến trình cổ phần hoá, nhưng sức ỳ cùng những điểm khó tháo gỡ của cơ chế khiến các ngân hàng này ngày càng trở thành những cây cổ thụ cớm bóng.

Tăng trưởng thị phần kém (nếu không muốn nói là ngày càng bị co hẹp - PV); hoạt động chủ yếu vẫn là tín dụng thay vì dịch vụ; tỷ lệ nợ xấu của một số NHTMQD vẫn ở mức cao...

Đó là lý do khiến cho kết quả kinh doanh của khối NHTM này được dự báo năm 2006 và những năm sau sẽ không hấp dẫn lắm. Sức cạnh tranh tại các NHTM quốc doanh sẽ vẫn kém khối NHCP, vì sao?

Một chuyên gia về phát triển ngân hàng chia sẻ với Tiền phong: “Động cơ làm việc  tại 2 khu vực này hoàn toàn khác nhau; một bên là cho mình vì mình; còn bên kia là quản lý cho Nhà nước hưởng lương theo kiểu Nhà nước.

Ông Vũ Trọng Ngoạn- Tổng Giám đốc VCB cũng đã từng than phiền về việc chảy máu nguồn nhân lực tài năng của ngân hàng cũng chỉ vì chế độ đãi ngộ không tương xứng.

“Ở NHCP, đồng vốn là do cổ đông bỏ ra, người quản lý phải có trách nhiệm quản lý chặt chẽ làm nó sinh lời; còn ở NHTMQD hiện nay nhiều ngân hàng được hưởng nguồn vốn rẻ của nhà nước như ODA; vốn chính phủ chưa giải ngân là đã chỉ cần hưởng chênh lệch lãi suất đã có lãi, sức ép vô hình trung đã rất khác biệt”- Chuyên gia này so sánh.

Sự phát triển và lợi nhuận năm 2007 của các NHTMCP có còn hấp dẫn. Cuộc cạnh tranh về thị phần, về nhân lực, về huy động tiền gửi liệu có làm dẫn đến những biến động lớn về tăng trưởng và tỷ suất lợi nhuận?

Lãnh đạo các Ngân hàng ACB, Sacombank,  VPBank, Techcombank, An Bình bank đều cho rằng đồ thị tăng trưởng năm 2007 của khối cổ phần có thể là đi lên ngang bằng.

Tuy nhiên, lợi nhuận năm 2007 sẽ thấp hơn do mặt bằng lãi suất có thể tăng “nóng” từ cuộc cạnh tranh huy động tiền gửi trong dân cùng những chi phí ngày một tốn kém hơn trong cuộc chiến cạnh tranh nguồn nhân lực và đầu tư công nghệ.

Theo Khánh Huyền
Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm