1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Kỳ vọng lạm phát 2014 và áp lực của chính sách tiền tệ

(Dân trí) - Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn trong năm 2014 (5,8%), nới lỏng bội chi ngân sách lên 5,3% GDP, cùng với phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ thì mục tiêu kiểm soát lạm phát (khoảng 7%) tạo ra áp lực lớn cho cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ.

Lãi suất ngân hàng điều chỉnh theo kỳ vọng lạm phát.
Lãi suất ngân hàng điều chỉnh theo kỳ vọng lạm phát.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, kết quả cuộc điều tra kỳ vọng lạm phát mới đây cũng cho thấy, các tổ chức tín dụng kỳ vọng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2013 chỉ tăng 0,62% so với tháng 11/2013, cao hơn mức tăng cùng kỳ 2 năm trước (0,27% tháng 12/2012 và 0,53% tháng 12 năm 2011).

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Theo nhận định từ Ngân hàng Nhà nước, đến nay, có thể nói mục tiêu kiềm chế lạm phát trong năm 2013 gần như đã thành hiện thực theo chỉ tiêu đề ra (tăng 8% theo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 của Quốc hội và tăng 6-6,5% theo Nghị quyết 01/NQ-CP của Chỉnh phủ).

Kể từ tháng 6/2013 trở lại đây, tốc độ tăng CPI theo tháng có xu hướng tăng cao hơn so với đầu năm và đạt mức cao nhất trong 2 tháng cuối của quý III/2013 (tháng 8/2013: 0,83% và tháng 9/2013: 1,06%), tuy nhiên tốc độ tăng lại có biểu hiện giảm trong tháng 10/2013 (0,49%) và tiếp tục giảm mạnh trong tháng 11/2013 (0,34%).

Trong báo cáo đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam 11 tháng năm 2013, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng dự báo lạm phát cả năm 2013 không quá 6,3%. Như vậy, đến thời điểm hiện nay, có thể nói Việt Nam đã đạt được thành công trong công cuộc kiểm soát lạm phát trong năm 2013.

Năm 2013 là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra của Quốc hội và Chính phủ, qua đó giúp ổn định kinh tế vĩ mô và kích thích tăng trưởng kinh tế.

Trong những năm vừa qua, trước những con sóng suy giảm của nền kinh tế thế giới, Việt Nam đã chủ động đưa ra các chính sách và biện pháp nhằm tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Nhờ đó, lạm phát đã được kiểm soát thành công, lạm phát tính theo năm đã giảm rõ rệt, từ mức 23,02% tháng 8/2011 (so với cùng kỳ) xuống mức 7,5% (tháng 8/2013) và 5,78% (tháng 11/2013).

Cũng theo kết quả khảo sát gần đây, lạm phát trong năm 2014 được các tổ chức tín dụng kỳ vọng chỉ tăng ở mức một con số, với mức tăng trung bình 6,74%, mức kỳ vọng này nằm trong ngưỡng mục tiêu đề ra của Quốc hội (khoảng 7%).

Tuy nhiên, mục tiêu này vẫn là một thách thức lớn đối việc việc kiểm soát lạm phát năm 2014. Bởi vì, theo nhận định của các tổ chức tín dụng, việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý tiếp tục là nhân tố ảnh hưởng mạnh nhất đến diễn biến lạm phát trong năm 2014.

Đặc biệt, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn trong năm 2014 (5,8%), nới lỏng bội chi ngân sách lên 5,3% GDP, cùng với phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ thì mục tiêu kiểm soát lạm phát sẽ lại tạo ra áp lực lớn cho cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ.

Theo bản dự báo tình hình kinh tế vĩ mô năm 2014, Trung tâm nghiên cứu thuộc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất thấp (tương đương mức cuối 2013) để đảm bảo đồng thời ổn định vĩ mô và hỗ trợ doanh nghiệp.

Trung tâm nghiên cứu BIDV cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục phát huy hoạt động của thị trường mở hỗ trợ thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng, kết hợp công tác thanh tra giám sát để đảm bảo tính lành mạnh trong hoạt động huy động vốn.

“Khi thanh khoản toàn ngành và lạm phát đã đi vào ổn định, chỉ số CPI giảm về mức dưới 7%, cần đưa ra lộ trình cụ thể nhằm tự do hóa lãi suất, đảm bảo lãi suất cho vay và huy động được xác định trên cơ sở cung cầu vốn của thị trường. Cùng với quá trình tự do hóa lãi suất, các công cụ lãi suất chính sách cũng cần từng bước được đổi mới, dần phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo hình thành được các mức lãi suất chỉ đạo theo tín hiệu thị trường, nâng cao tính hiệu quả của cơ chế chuyển tải chính sách tiền tệ thông qua kênh lãi suất”, nghiên cứu nhấn mạnh.

Và để các ngân hàng thương mại có cơ sở xác định lãi suất phù hợp, Ngân hàng Nhà nước cần thiết lập đường cong lãi suất chuẩn của thị trường đối với tất cả các dải kỳ hạn.

Nguyễn Hiền
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước