Kỳ vọng giảm lãi suất đang lớn dần

(Dân trí) - Lãi suất huy động vào đợt giảm mới dấy lên kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm tiếp. Tuy nhiên, theo đánh giá, động thái giảm mặt bằng lãi suất huy động lúc này thiên về việc cải thiện lợi nhuận từ hoạt động tín dụng của các nhà băng những tháng cuối năm.

Thời gian gần đây, thị trường đón nhận thông tin một số ngân hàng lớn như: Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank, ACB … công bố giảm lãi suất huy động tiền gửi từ dân cư. Đặc biệt, đây là lần giảm lãi suất thứ 2 trong năm, kể từ đầu tháng 3 trở lại đây.

Với các điều chỉnh giảm này, mức lãi suất thấp nhất được BIDV niêm yết chỉ còn 4,5% cho kỳ hạn 1 tháng, tương đương mức giảm tới 1,3% so với đầu năm 2014.

Kỳ vọng giảm lãi suất thời gian tới.
Kỳ vọng giảm lãi suất thời gian tới.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
* “Quốc hội phải có thực quyền về tiền và người”
* Hành trình kiếm tiền của người giàu nhất Trung Quốc
* Nhiều vụ đầu tư vào Myanmar đảo lộn vì điều tra dân số
*
Bắt khẩn cấp đối tượng thu gom hàng ngàn sổ đỏ

Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), động thái giảm lãi suất của các ngân hàng xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố quan trọng từ kỳ vọng lạm phát cả năm. Cụ thể, trong tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng nhẹ 0,22% so với tháng 7 và là tháng có mức tăng thấp nhất trong 9 năm gần đây. Còn so cùng kỳ, lạm phát chỉ tăng 4,3%.

Kỳ vọng lạm phát cả năm ở mức thấp là cơ sở để các ngân hàng kỳ vọng vào việc giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, trên cơ sở đó điều chỉnh lãi suất đầu vào và giảm dần lãi suất cho vay để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Cơ sở tiếp theo cho hoạt động hạ lãi suất của các ngân hàng là tình hình tăng trưởng huy động cao gần gấp 2 lần so với tăng trưởng tín dụng.

Do đó, theo dự đoán của BVSC, mặt bằng lãi suất có khả năng giảm trong quý IV. Nhiều khả năng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giảm lãi suất với mức giảm từ 0,25 - 0,5% nhằm kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay, giúp các doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn hơn.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 21/8, huy động vốn tăng 8,12%. Trong đó, huy động bằng VND tăng 8,77%, huy động bằng ngoại tệ tăng 4,2% so với cuối năm 2013. Thanh khoản của các tổ chức tín dụng tiếp tục được đảm bảo và dư thừa, lãi suất thị trường liên ngân hàng ổn định ở mức thấp.

Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng VND đến nay đã giảm 0,5 - 1,5% so với cuối năm 2013. Bởi vậy, rất có thể, trong thời gian tới, tiếp theo một số ngân hàng vừa giảm lãi suất huy động, sẽ còn vài ngân hàng đang ở trong trạng thái thừa vốn sẽ giảm tiếp lãi suất huy động.

Đối với khả năng giảm lãi suất trong tương lai gần, tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia chỉ ra rằng, trong tháng 8, lạm phát cơ bản là 3,34%, thấp hơn lạm phát tổng thể 4,31% và cũng thấp hơn lạm phát cơ bản của cùng kỳ năm ngoái là 4,43%. Theo đó cơ quan này đề xuất, căn cứ vào diễn biến của lạm phát, có thể điều chỉnh mặt bằng lãi suất sao cho vừa tạo điều kiện để doanh nghiệp cắt giảm chi phí vốn, vừa không làm suy giảm năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, cùng với việc sử dụng các quỹ hỗ trợ bảo lãnh doanh nghiệp vừa và nhỏ để đẩy mạnh việc thực hiện mục tiêu tín dụng của cả năm 2014.

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, động thái giảm mặt bằng lãi suất huy động lúc này thiên về việc cải thiện lợi nhuận từ hoạt động tín dụng của các nhà băng trong những tháng cuối năm hơn là giảm lãi suất cho vay. “Có vẻ như các nhà băng đang tìm cách tối đa hóa lợi nhuận trong điều kiện tín dụng khó tăng trưởng mạnh. Họ đang sử dụng độ chênh kỳ hạn để tối đa hóa lợi nhuận. Độ chênh giữa tài sản có và tài sản nợ càng cao thì ngân hàng càng lãi lớn”, một chuyên gia cho biết.

Vị chuyên gia này dẫn chứng, nếu ngân hàng huy động được 50.000 tỷ đồng với lãi suất 6%/năm, kỳ hạn 3 tháng và đem số tiền đó cho vay với lãi suất 9%/năm với kỳ hạn 12 tháng thì mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay không chỉ 3%, nếu như các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động.

Còn nếu ngân hàng giảm lãi suất huy động xuống 5% cho kỳ hạn 3 tháng, thì mức chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động sẽ là 4% cho khoảng vay 50.000 tỷ đồng đó. Đây chính là "chiêu" tối đa hóa lợi nhuận của các ngân hàng.

Vậy, lãi suất cho vay có điều kiện để giảm tiếp thời gian tới hay không, khi mặt bằng lãi suất hiện đã giảm 0,5% - 1,5%/năm so với cuối năm 2013? Trong bối cảnh thanh khoản dư thừa và với xu hướng cắt giảm lãi suất huy động của các nhà băng hiện nay, theo tính toán của bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: “Trong chừng mực nào đó, các tổ chức tín dụng sẽ tự cân đối vốn đầu vào và khả năng tài chính để giảm lãi suất cho vay. Có thể giảm từ 1-1,5%năm kể từ nay đến cuối năm”.

Nguyễn Hiền
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”