Kinh tế Việt Nam sau hai tháng gia nhập WTO
Trước khi gia nhập WTO, kinh tế Việt Nam đã được dự đoán về nhiều lĩnh vực. Thời gian gia nhập chưa được bao nhiêu, đến nay mới được hai tháng. Vậy thực tế sau hai tháng gia nhập WTO, kinh tế Việt Nam đã diễn biến như thế nào, có những kết quả gì và những dấu hiệu gì?
Tác động rõ nhất là trên lĩnh vực xuất, nhập khẩu. Xuất khẩu đã tăng khá cao, lên đến 23,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng tới 32,3%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nếu không kể dầu thô bị giảm (17,6%) thì tăng tới 41,4%!
Hầu hết mặt hàng, nhóm hàng đều tăng so với cùng kỳ, trong đó có 15 mặt hàng chủ yếu tăng cao hơn tốc độ cung. Ngoài những mặt hàng có kim ngạch lớn đã xuất hiện nhiều mặt hàng có kim ngạch nhỏ tăng khá cao.
Những thị trường truyền thống tiếp tục tăng mạnh và một số thị trường khác cũng tăng khá. Những kết quả trên một phần được lý giải bởi nguyên nhân do khi nước ta trở thành thành viên WTO, các rào cản về hạn ngạch bị dỡ bỏ, rào cản về thuế suất thuế nhập khẩu vào các nước được cắt giảm... các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã ngay lập tức tận dụng cơ hội này.
Tuy nhiên cần hết sức chú ý "tránh bỏ trứng vào một giỏ" (như xuất khẩu dệt may vào Mỹ tăng tới 38%, hàng thủy sản vào thị trường EU tăng 46,5%, thị trường Mỹ tăng 22%...); tránh tranh bán để kéo giá xuống thấp; kiểm tra gắt gao vệ sinh an toàn thực phẩm (hàng thủy sản vào Nhật Bản giảm 2%)... để tránh những rào cản kỹ thuật được mọc lên sau WTO.
Một nét đáng lưu ý khác là tốc độ tăng của nhập khẩu cao gấp đôi so với của xuất khẩu (45,8%), trong đó của khu vực kinh tế trong nước còn tăng cao hơn. Bên cạnh những mặt hàng nguyên nhiên vật liệu và thiết bị máy móc nhập khẩu tăng cao để phục vụ sản xuất và đổi mới kỹ thuật công nghệ ở trong nước tăng khá cao, thì một số mặt hàng tiêu dùng, như tân dược, giấy, vải, xe máy... cũng tăng khá cao.
Đặc biệt, nếu cùng kỳ năm trước xuất siêu (trên 100 triệu USD) thì kỳ này nhập siêu đã lên đến gần 1,1 tỉ USD. Điều đó cũng được lý giải một phần bằng việc nước ta gia nhập WTO cũng phải thực hiện cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu theo cam kết, hàng nhập khẩu vào Việt Nam tăng lên và nhập siêu cũng tăng lên!
Đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kỷ lục trong năm trước cả về vốn đăng ký, cả về vốn thực hiện. Bước vào đầu năm nay, tuy lượng vốn đăng ký mới và bổ sung không tăng cao như trước (tính từ đầu năm đến 20.2 có 621,8 triệu USD đăng ký mới và 120,4 triệu USD đăng ký bổ sung), nhưng quy mô vốn cao lớn hơn, tỷ lệ đầu tư vào nhóm ngành dịch vụ lớn hơn, rải ra các tỉnh lân cận ngoài khu đô thị nhiều hơn.
Đặc biệt lượng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (đầu tư tài chính vào thị trường chứng khoán) tăng mạnh, theo ước tính lên trên 4 tỉ USD, chiếm khoảng 30% tổng giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng rất cao (lên đến 24,1%), trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng cao nhất trong các khu vực và cao hơn tốc độ chung, nhưng vẫn còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ (2,8%).
Tổng mức bán lẻ tăng cao chủ yếu do lượng tiêu dùng tăng, tỷ lệ tiêu dùng thông qua mua bán trên thị trường tăng, còn giá tiêu dùng tăng thấp hơn cùng kỳ. Đặc biệt, giá USD là tháng thứ hai tiếp tục giảm, mặc dù từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước nâng biên độ giao dịch từ (0,25% lên (0,5%. Càng mở cửa hội nhập thì giá tiêu dùng, giá USD sẽ không tăng cao, thậm chí còn giảm, mặc dù lượng tiêu dùng tăng lên.
Khách quốc tế đến Việt Nam 2 tháng đạt gần 750.000 lượt người, tăng 11,3%, cao hơn tốc độ tăng của năm trước. Số khách đến vì công việc tăng cao gấp rưỡi và khách đến du lịch cũng tăng cao hơn tốc độ chung.
Một trong những băn khoăn khi mở cửa hội nhập sâu rộng hơn là thu thuế xuất nhập khẩu sẽ bị giảm, gánh nặng sẽ dồn sang thu nội địa. Thực tế, tỷ lệ thực hiện so với dự toán năm của thu nội địa đạt cao hơn tỷ lệ của tổng thu (10,9% so với 10,4%) là một cố gắng, đồng thời tỷ lệ thực hiện dự toán năm của thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng không thấp hơn bao nhiêu (đạt 10,2%).
Một băn khoăn lâu dài hơn là sản xuất, nhưng giá trị sản xuất công nghiệp vẫn tăng khá cao (17,5%), chủ yếu do tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tăng cao. Hệ thống ngân hàng cũng chưa bị ảnh hưởng lớn, có thể chậm hơn.
Mới qua 2 tháng gia nhập, chưa thể nói được gì nhiều về tác động của WTO đối với Việt Nam. Nhưng đã có thể thấy rõ đối với xuất nhập khẩu và nhập siêu, đối với đầu tư gián tiếp và thị trường chứng khoán, đối với tỷ giá...
Theo Ngọc Minh
Báo Thanh niên