Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm, toàn cầu lo ngại

Nhật Linh

(Dân trí) - Sau một năm dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi cơn khủng hoảng vì đại dịch, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang bắt đầu chững lại.

Hôm nay (15/7), Trung Quốc công bố tăng trưởng kinh tế quý II của nước này ở mức 7,9%, thấp hơn so với con số ước tính. Mặc dù tốc độ đó vẫn cao hơn nhiều quốc gia nhưng so với mức 18,3% trong quý I thì đã chậm hơn rõ rệt.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm, toàn cầu lo ngại - 1

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang bắt đầu chững lại (Ảnh: The New York Times).

Theo The New York Times, có nhiều yếu tố mạnh - yếu lẫn lộn. Cụ thể, trong khi chi phí nguyên liệu thô tăng cao đang ảnh hưởng đến lợi nhuận của các nhà máy và nhà bán lẻ thì xuất khẩu vẫn tăng mạnh, dù sức mua đang mạnh lên nhưng các doanh nhỏ vẫn còn chật vật. Lạm phát bắt đầu quay trở lại và sự không chắc chắn vì đại dịch đang đè nặng lên tất cả.

"Không rõ liệu sự phục hồi mạnh mẽ như vậy ở Trung Quốc và trên toàn thế giới có thể duy trì đến năm 2022 hay không", Zhu Ning - Phó chủ nhiệm Viện Tài chính Cao cấp Thượng Hải - nói.

The New York Times cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc đang được thế giới theo dõi chặt chẽ. Nếu kinh tế nước này tiếp tục chậm lại có thể kéo theo phần còn lại của kinh tế toàn cầu đi xuống. Bởi nhiều quốc gia hiện phụ thuộc vào các nhà máy và người tiêu dùng Trung Quốc.

Các nhà kinh tế cảnh báo, nền kinh tế thực tế của Trung Quốc có thể không mạnh như những con số được công bố. Giá cả tăng cũng cho thấy hoạt động của nền kinh tế nước này vừa qua có thể không bền vững.

Gần đây, Chính phủ Trung Quốc cũng đã đưa ra một loạt tín hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế có thể gặp khó khăn. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuần qua đã tổ chức 3 cuộc họp cấp cao về "sức khỏe" của nền kinh tế và đặt ra một loạt giải pháp để duy trì tăng trưởng.

Giải pháp quan trọng nhất là sự thay đổi chính sách của ngân hàng trung ương. Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã chuyển hướng sang giúp các doanh nghiệp nhỏ vay vốn; các ngân hàng thương mại cũng giảm tỷ lệ dự trữ tiền mặt. Về lý thuyết, điều đó có thể giúp các ngân hàng cho vay nhiều hơn nhằm kích thích đầu tư kinh doanh và tiêu dùng.

Tuy vậy, theo China Beige Book - một cuộc khảo sát hàng quý về các doanh nghiệp trên khắp Trung Quốc, trong những tuần gần đây, nhiều người đi vay, đặc biệt là các nhà bán lẻ đã trở nên thận trọng hơn trong việc vay vốn bởi họ lo ngại có thể không trả được các khoản vay bổ sung.

Theo The New York Times, tăng trưởng quý II luôn được dự báo thấp hơn so với mức tăng trưởng mạnh 3 tháng đầu năm mà Trung Quốc đã công bố. Bởi tốc độ tăng trưởng quý đầu năm bị sai lệch một phần vì nó được so với 3 tháng đầu năm 2020 - dịp cao điểm bùng phát dịch Covid-19 tại Trung Quốc.