Kinh tế Mỹ đang bị “nội thương” trầm trọng
(Dân trí) - Nền kinh tế Mỹ đang bị “nội thương” trầm trọng mà không thứ thuốc bôi ngoài da nào dưới dạng một “gói kích cầu” có thể chữa lành. Người viết là nhà kinh tế đoạt giải Nobel năm 2006, ông Edmund S. Phelps.
Chẳng có triệu chứng nào của sự thiếu hụt sức cầu ví dụ như giảm phát và cũng chẳng có dấu hiệu nào cho thấy thiếu hụt thanh khoản trầm trọng có thể gây ra sự thiếu hụt ấy. Thay vào đó, nền kinh tế đã chịu “nội thương” trầm trọng mà không một gói kích thích nào “chữa” được.
Tâm lý bi quan bùng phát năm 2009 đang tan biến. Nguồn cung nhà ở và văn phòng khổng lồ đang làm ngành xây dựng lao đao sẽ biến mất. Ngân hàng và hộ gia đình đang tiết kiệm đủ nhanh để thu hồi được phần lớn những khoản nợ vô độ trong vòng một thập kỷ. Nhưng những vết thương khác không tự “lành miệng” được.
Nhiều người hy vọng nền kinh tế sẽ được vực dậy vì năng suất lao động tăng. Nhưng những tiến bộ như thế tính chung lại thường làm giảm số việc làm. Điều đó đã xảy ra trong cuộc Đại suy thoái, khi năng suất lao động tăng cho phép các công ty và toàn nền kinh tế có thể tăng trưởng mà không cần tuyển thêm lao động.
Lý do phần nào vì các nền kinh tế mới nổi làm ngành công nghiệp Mỹ mất đi lợi thế cạnh tranh và khiến việc làm biến mất. Mỹ không thể cạnh tranh ở những ngành đó nữa và khu vực doanh nghiệp của nước này vẫn chưa tìm thấy lợi thế nào mới.
Hiệu ứng tồi tệ nhất của việc tập trung vào thiếu hụt sức cầu là nó ru ngủ nước Mỹ khiến quốc gia này không thể “nghĩ lớn” để mà giải quyết các vấn đề dài hạn. Vậy thì nên làm gì?
Cải cách đầu tiên sẽ là thành lập First National Bank of Innovation (tạm dịch là “Ngân hàng Sáng tạo quốc gia Số 1”), một mạng lưới các ngân hàng thương mại được nhà nước bảo trợ, có chức năng đầu tư và cho vay đối với các dự án sáng tạo.
Một ý kiến khác là thắt chặt quản trị doanh nghiệp bằng cách gắn lương bổng giới lãnh đạo doanh nghiệp với hoạt động dài hạn thay vì lợi nhuận chỉ trong một năm ngắn ngủi, gắn lương bổng giới quản lý quỹ với khả năng lựa chọn cổ phiếu thay vì khả năng marketing cho quỹ của mình.
Miễn thuế thu nhập cho các doanh nghiệp mới thành lập trong một thời gian cũng có tác dụng tốt. Nước Mỹ cũng cần một chương trình tín dụng thuế cho các công ty thuê mướn nhân công giá rẻ.
Điều đó có vẻ phi lý khi mà chính quyền Obama đang nhấn mạnh tới giáo dục và các công việc được trả lương cao, nhưng Mỹ cần tạo việc làm phù hợp với mọi trình độ. Đầu năm ngoái, Singapore đã bắt đầu cấp các khoản tín dụng này (trị giá vài tỷ USD) và chấm dứt được suy thoái. Thất nghiệp của họ hiện nay chỉ khoảng 3%.
Đại tu cơ cấu kinh tế hướng tới sự năng động và công bằng là điều thiết yếu để có được tăng trưởng và thịnh vượng.
Thay vì tiếp tục tranh cãi tìm giải pháp cho một vấn đề khồng hề tồn tại như sức cầu yếu, Mỹ cần tập trung vào chấn chỉnh cơ cấu kinh tế mà nếu không được giải quyết sẽ là lực cản đáng kể đối với nền kinh tế trong tương lai.
Phương Thúy
Theo Economist