Kinh tế châu Á 4 năm nữa sẽ đứng đầu thế giới?
(Dân trí) - Không hề ảo tưởng khi nói đến sự trỗi dậy của châu Á nhưng sự thực thì số liệu GDP nếu tính đến điều chỉnh tỷ giá hối đoái đã không nói hết về sự bùng nổ của châu Á.
Năm 2009, Trung Quốc vượt qua Đức để trở thành nước xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất thế giới. Trên phương diện khác, kinh tế Trung Quốc có thể đứng đầu thế giới trong 10 năm tới.
Báo cáo lợi nhuận từ nhiều ngân hàng cho thấy khu vực châu Á đã trở nên quan trọng hơn. Một số giám đốc điều hành cao cấp đã chuyển sang làm việc tại châu Á, gần nhất, giám đốc điều hành HSBC, ông Michael Geoghegan đã chuyển từ London sang Hồng Kông.
Từ năm 1995, GDP thực của châu Á (tính cả sự biến động GDP của Nhật) đã tăng với tốc độ gấp đôi so với Mỹ và nhóm nước Tây Âu. Morgan Stanley dự báo GDP của châu Á sẽ tăng trưởng trung bình 7% trong năm nay và năm tới, trong khi đó con số này tại Mỹ là 3% và 1,2% tại Tây Âu.
Thế nhưng, nếu xem xét kỹ những con số, có thể nói việc tuyên bố sức mạnh kinh tế chuyển từ Tây sang Đông là phóng đại. Đồng nội tệ hạ giá, đóng góp của GDP châu Á vào GDP toàn cầu thực tế còn đi xuống, từ mức 29% vào năm 1995 xuống mức 27% vào năm 2009.
Năm 2009, tổng GDP châu Á vượt qua Mỹ thế nhưng vẫn còn thấp hơn rất nhiều Tây Âu (khả năng tổng GDP châu Á vượt qua Tây Âu vào năm 2010 là hoàn toàn có thể). Nói cách khác, sản lượng kinh tế của những nước giàu phương Tây gấp đôi so với phương Đông.
Vậy tiềm lực tài chính của châu Á ra sao? Thị trường chứng khoán nhóm nước châu Á chiếm 34% giá trị vốn hóa trên toàn cầu, cao hơn Mỹ (33%) và châu Âu (27%). Ngân hàng Trung ương các nước châu Á nắm giữ khoảng 2/3 tổng dự trữ ngoại hối của toàn thế giới.
Số liệu từ Bộ phận tình báo kinh tế của Economist cũng cho thấy châu Á đóng góp khoảng 1/3 doanh số bán lẻ thế giới.
Châu Á hiện là thị trường lớn nhất cho nhiều loại sản phẩm, 35% số xe hơi bán ra trong năm ngoái tiêu thụ tại thị trường châu Á, con số này đối với điện thoại di động là 43%. Châu Á tiêu thụ 35% năng lượng của thế giới, tăng nhiều so với con số 26% vào năm 1995…
Sự báo năm 2010, châu Á có thể mang lại khoảng một nửa doanh thu và lợi nhuận toàn cầu cho các tập đoàn đa quốc gia tại phương Tây, cao hơn nhiều so với mức 20% đến 25% ở thời điểm hiện nay.
Những nhân viên người châu Á đang hy vọng đến một ngày họ có thể chủ động đặt lịch cho các cuộc gọi hội nghị, đối tác người châu Âu và Mỹ sẽ phải làm quen với việc thức đêm để bàn công việc với đối tác tại văn phòng Bắc Kinh. Đây sẽ là phép thử tốt nhất cho việc liệu sức mạnh kinh tế đã thật sự chuyển sang phương Đông hay chưa.
Minh Tuấn
Theo Economist