1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Kinh nghiệm “nhập gia tùy tục” trên thị trường Mỹ

Luôn ghi nhớ, hiểu biết và tuân thủ pháp luật tại Mỹ là điều kiện tiên quyết khi xâm nhập thị trường này.

 

Những thủ tục ban đầu

 

Để vào được Hoa Kỳ việc đầu tiên mà bất kỳ người dân hay doanh nhân nào cũng phải qua là xin được thị thực (VISA): Mẫu B1 dành cho những người đi công tác ngắn hạn, như dự hội thảo, đàm phán thăm dò thị trường..., Mẫu B2 cho người đi du lịch. Nếu bạn có chi nhánh, hay văn phòng ở đó thì sẽ được khai theo Mẫu L1 và thời hạn có thể kéo dài tới 3 năm.

 

Nhìn chung giá nhà nghỉ du khách và doanh nhân khi lưu trú tại Hoa Kỳ hiện đang tăng lên, nhưng cũng giao động ở mức 50-150USD/đêm, còn khách sạn thì cỡ 200-400USD/đêm. Người Mỹ đi làm hơi muộn, cỡ 9h sáng nhưng lại kéo dài tới 6h chiều.

 

Để thành lập văn phòng ở Hoa Kỳ thì không quá tốn, bạn có thể thuê công ty luật làm trọn gói hay tự đăng ký tại Sở doanh nghiệp vừa và nhỏ, hay Sở ngoại vụ Bang. Tuy nhiên để duy trì hoạt động của chi nhánh, văn phòng thường phải chi phí các khoản sau:

 

- Khoảng 2.500 USD/tháng cho một văn phòng (2 phòng, công trình phụ, vị trí tương đối trung tâm).

 

- Khoảng 22 USD/tháng cho mỗi thuê bao Internet, line điện thoại...

 

- Giá điện và xăng dầu tương đương mức giá ở Việt Nam.

 

- Giá xe hơi (nhất là xe cũ) rất rẻ, cỡ 3.000 - 4.000 USD cho một chiếc xe Toyota đời 90.

 

Việc lấy giấy phép lái xe cũng rất dễ dàng (chỉ cỡ 20 USD cho cả khóa học lái lẫn lý thuyết). Nhưng bù vào đó, bạn phải chi phí bảo hiểm và cỡ 200 - 400USD/tháng, còn tiền gửi xe rẻ cũng cỡ 250USD/tháng.

 

- Thuê lao động sở tại thì mức lương trung bình thấp cũng tới 10.000 USD/năm.

 

Hàng rào xuất - nhập khẩu

 

Các quy định của Mỹ về xuất - nhập khẩu rất chặt chẽ và cụ thể đối với từng chủng loại hàng hóa.

 

- Đối với việc nhập khẩu đồ nghệ thuật, đồ sưu tầm, đồ cổ, như: tranh vẽ, tượng tạc có tuổi đời trên 100 năm thì phải chứng minh là bản gốc, làm bằng tay,... và duy nhất. Còn nếu như các sản phẩm này thuộc diện quý hiếm thì việc nhập khẩu, buôn bán phải tuân theo quy định FWS, Công ước về bảo vệ quyền sở hữu văn hóa.

 

- Đối với đồ gia dụng, như bàn ghế, chăn, đệm, giường tủ - những mặt hàng mà các nhà sản xuất Việt Nam đang xuất mạnh vào Hoa Kỳ thì lại phải tuân thủ theo tiêu chuẩn sản phẩm tiêu dùng của Ủy ban An toàn Tiêu dùng (CPSC), tiêu chuẩn chống cháy FFA, tiêu chuẩn nguồn gốc TFPIA hay tiêu chuẩn UL (Underwriter's Labotory) nếu là hàng thắp sáng gia dụng.

 

- Lĩnh vực điện tử, và linh kiện điện tử có phạm vi rất rộng từ các loại máy móc chuyên dụng, động cơ điện tới các dụng cụ cầm tay, dụng cụ gia đình. Các nhà xuất khẩu vào Mỹ cần đặc biệt lưu ý, tuân thủ các quy định FDA về thông báo máy móc nếu phát xạ, FCC nếu liên quan tới tần số radio, những quy định của Bộ công nghiệp DOE, Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC), CPSC, các quy định về bản quyền, marketing.

 

- Lĩnh vực dệt may: điều đầu tiên cần biết đó là những quy chế quản lý do Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC), quy định về visa theo Hiệp định Đa sợi, Quy định về hải quan, xuất xứ, Luật về phân biệt sợi dệt (TFPIA), Quy tắc nhãn hiệu (Care Labeling Rule), các quy định CPSC theo đạo luật vải dễ cháy (FFA)...

 

Ngoài ra hàng dệt may còn bị đưa vào danh mục nhập đặc biệt, nhập có điều kiện, hàng nhạy cảm. Nếu các danh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này không chú ý tới các quy định đó có thể bị tịch thu.

 

- Việc bảo vệ nhãn mác, thương hiệu, bản quyền ở Mỹ cũng rất chặt chẽ: những hàng hóa mang nhãn mác giả - nhãn mác giống, song hầu như khó phân biệt với nhãn hàng hóa đã đăng ký, sẽ bị tịch thu và tiêu hủy.

 

Các thông số về hàng hóa, xuất xứ hàng hóa đều phải được ghi rõ ràng bằng chất liệu không phai, mờ, ở những nơi dễ thấy, với tên bằng tiếng Anh của nước xuất xứ để trước hết Hải quan dễ kiểm tra và sau nữa là người tiêu dùng dễ nhận biết, phân biệt sản phẩm.

 

 

Theo Nam Phong

Diễn Đàn Doanh Nghiệp