Kinh doanh gây sốc bằng biển hiệu “khác người”

Bạn của Từ Tuấn, kỹ sư Công ty tư vấn và thiết kế cầu đường, một phen hoảng vía khi gọi điện thì nghe anh nói: “Đang ở... Ối giời ơi”. Chột dạ, tưởng bạn mình bị tai nạn xe hay cướp điện thoại, người bạn vội vàng hỏi thăm mới biết đó là tên nhà hàng. Bạn Tuấn cười ngất ngư khi nhìn thấy cái biển hiệu.

Nhà hàng “Ối giời ơi” trên phố Trần Huy Liệu được thành lập với nhiều cổ đông. Người nắm giữ cổ phần lớn nhất là ông Choi, một người Hàn Quốc. Ông đã từng là Tổng giám đốc hãng LG tại Việt Nam. Đã hơn mười năm sinh sống tại Việt Nam nên Choi rất thông thạo tiếng Việt.

 

Ông chủ này cho rằng cái chữ “Ối giời ơi” có đến 80% nghĩa hay và chỉ 20% là xấu. Một nhân viên nhà hàng, tên Xuân, nói văn vẻ rằng 20% còn lại đó chính là sự không hoàn hảo của một con người.

 

“Đó là một lời nhắc nhở rằng các bạn phải cố gắng lên để biến 20% xấu đó trở nên tốt đẹp hơn. Ngoài ra phần 80% còn lại cũng có nghĩa rằng, trong kinh doanh mà chúng ta đạt được ngần ấy chỉ tiêu là một sự thành công”, một nhân viên phục vụ khác nói.

 

Sau hơn hai tháng thành lập, “Ối giời ơi” khá thành công trong việc thu hút khách hàng. Ngoài khách Việt ra thì người Hàn Quốc tới đây cũng khá nhiều. Họ thường đưa cả gia đình tới ăn trưa, ăn tối hoặc uống nước trò chuyện.

 

Kinh doanh gây sốc bằng biển hiệu “khác người”  - 1

Sex Fashion, chuyên đồ cho nữ giới - Ảnh: Vnexpress

 

Trên đường Yên Phụ, Hà Nội có một cửa hàng thời trang bé nhỏ mang tên “Sex Fashion”. Những người không biết ngoại ngữ thì cũng chẳng để ý tên biển hiệu và cho rằng đó chỉ là chữ tiếng nước ngoài thông thường nhan nhản đầy trên phố. Còn người nào đi qua nếu biết tiếng Anh thì lấy làm lạ với cái tên khá “khác người”, không khỏi tò mò vào xem.

 

Theo giải thích của nhân viên bán hàng thì chữ “sex” không hề bậy. “Mở từ điển Anh - Việt mà tra, chữ sex có rất nhiều nghĩa. Ở đây, nó chỉ có nghĩa là giới tính vì cửa hàng chuyên kinh doanh thời trang phụ nữ, mà không có quần áo của đàn ông. Do vậy, đừng cứ nghĩ đến từ sex thì cho là bậy bạ”, nhân viên này phân trần.

 

Chuyện đặt tên doanh nghiệp, cửa hàng phải nói tới tình huống đặc biệt của gia đình anh Chiến ở tập thể Nghĩa Tân, Hà Nội. Khi quyết định mở một quán rượu, vợ chồng anh Chiến bàn nhau tới nửa năm mới xong. “Phải đặt được tên hiệu trước đã, tìm thuê cửa hàng sau”, vợ anh tâm sự.

 

Theo quan điểm của Chiến thì cái tên ngoài việc hay, kêu, đặc biệt còn có tác động tới thành bại trong kinh doanh. Đi xem bói không xong, tham khảo bạn bè cũng không thấy ổn.

 

Các cái tên được lọt vào ứng cử viên như “Quyết chiến, quyết thắng” anh cho rằng nghe như đánh giặc ngoại xâm. “Thành Đạt”, như sinh viên học đại học. “Ăn đủ”, nghe có vẻ cờ bạc. “Thiên Hoàng”, giống y Nhật Bản. Và cái tên cuối cùng được chọn là “50% nhé” cho quán rượu.

 

Anh Chiến cho biết, “50% nhé” làm cho người ta hiểu ngay là “nhậu”. “Với 50%, còn có nghĩa không thể thất bại. Thành công 50% cũng khá tốt. Ngoài ra, tên hiệu này cũng nhắc nhở dân nhậu rằng đừng uống quá chén, chỉ với 50% tửu lượng mà thôi sẽ tốt cho sức khoẻ, lợi cho bạn, cho tôi”, Chiến tiết lộ ý tưởng.

 

“Ăn” ở cái tên đặc biệt

 

Theo các chuyên gia về thương hiệu, việc đặt cái tên cho doanh nghiệp, cửa hàng đặc biệt quan trọng và quyết định 30% cho thành công trong kinh doanh. Luật sư Nguyễn Ngọc Hưng, Hội luật sư Hà Nội cho rằng, đôi khi có các ông chủ lại mang cảm hứng khởi nghiệp từ ý thích một cái tên hay hay, lạ lạ nào đó. Và khi sắp trở thành ông chủ một công ty hay cửa hàng kinh doanh nhỏ, ai cũng rất chú trọng tới việc đặt tên cho “đứa con” của mình.

 

Kinh doanh gây sốc bằng biển hiệu “khác người”  - 2


Thời trang “Muỗi” - Ảnh: Vnexpress   

 

Để chọn thương hiệu hay cho một doanh nghiệp kinh doanh fastfood tại TPHCM, Giám đốc Công ty Khánh Thành Branding Nguyễn Trung Khánh đã phải mất cả tháng trời trăn trở mới “ơ ri ka” ra “Ta - bánh mì”. Đọc cái tên nghe giống như một người đang vỗ ngực tự hào về thương hiệu của mình vậy, đó là giải thích của “cha đẻ” Ta - bánh mì. 

 

“Một thương hiệu phải rất ấn tượng, đặc biệt, dễ đọc, dễ nhớ, vui vui và nhiều ý nghĩa sẽ ghi được dấu ấn đối với khách hàng”, ông Khánh nhận xét. Hiện “Ta - bánh mì” trở thành một nhãn hiệu fastfood quen thuộc với giới văn phòng TPHCM - định vị khách hàng ngay từ ban đầu của chủ thương hiệu. 

 

Ông Lê Anh Sơn, Giám đốc kinh doanh Công ty Colgate Việt Nam cho rằng, ông chủ nào cũng muốn người đi ngang qua sẽ phải nhớ đến quán hoặc cửa hàng đó vì cái tên đặc biệt. “Với cái tên đi vào lòng người như thế thì khách hàng sẽ khó quên”, ông nhận định.

 

Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, không cứ những cái tên “ngộ nghĩnh” sẽ mang lại thành công cho kinh doanh, mà thành hay bại còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố. “Có thể “Ối giời ơi” không có cái tên đặc biệt như vậy thì họ cũng vẫn thành công vì những lý do khác như thức ăn ngon, không gian thoải mái... và ngược lại”, ông Sơn nhận xét.

 

Còn ông Trần Du Lịch, Viện trưởng kinh tế TPHCM thì khẳng định, rất nhiều doanh nghiệp đã thành công, trước hết từ cái tên thương hiệu đơn giản nhưng dễ gần, ví như “Phở 24” hay như Quán Đo Đo...

 

Theo P.Anh - H.Hà

VnExpress