Kim cương nhập lậu: Thật giả lẫn lộn

Kim cương là loại hàng trang sức xa xỉ với nhu cầu hàng năm trên thị trường Việt Nam ước tính khoảng 300 triệu USD. Theo một số chuyên gia, phần lớn kim cương trên thị trường đều là hàng nhập lậu thông qua đường hàng không và đường biên giới phía Nam.

Một viên kim cương có khi đáng giá cả gia tài. Nhưng với tình trạng nhập lậu kim cương như hiện nay, người tiêu dùng sẽ khó có cơ hội xác định được nguồn gốc và sự thật giả của một viên kim cương trước khi bỏ tiền ra mua nó.

 

Vì vậy, trước khi mua một viên kim cương, tốt nhất người tiêu dùng nên tìm đến những cơ sở kinh doanh có uy tín, sử dụng bút thử kim cương một cách cẩn thận trước khi trao tiền.

 

Sau hơn một năm thực hiện Quyết định số 69/2005/BTC của Bộ Tài chính về giảm thuế nhập khẩu đá quý và kim cương xuống 0%, các doanh nghiệp kinh doanh vàng, bạc, đá quý trong nước vẫn chưa thể thực hiện nhập khẩu các mặt hàng này.

 

Việc các doanh nghiệp buộc phải tìm kiếm nguồn hàng trôi nổi ngay trong nước đã vô hình trung khuyến khích hoạt động buôn lậu cũng như sự chảy máu đáng kể không thể kiểm soát một số lượng ngoại tệ không nhỏ.

 

Tại một cuộc họp mới đây giữa Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) và đại diện Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch VGTA đã đề cập đến vấn đề này.

 

Ông Long cho biết, mặc dù thuế nhập khẩu đá quý và kim cương đã được giảm từ 1% xuống 0%, nhưng vấn đề là ở chỗ khi nhập khẩu đá quý và kim cương, các doanh nghiệp phải nộp ngay 10% thuế GTGT đầu vào tại cửa khẩu theo tổng giá trị lô hàng nhập khẩu, sau đó 10% thuế GTGT đầu vào được cộng vào giá vốn hàng bán.

 

Theo quy định hiện hành, đối với mặt hàng vàng bạc, đá quý phải kê khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp, vì vậy doanh nghiệp không thể thu lại  thuế GTGT đầu vào mà họ đã nộp tại cửa khẩu.

 

Theo ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VGTA, cách thu thuế như hiện nay sẽ đội giá bán của mặt hàng này lên quá cao, không được thị trường chấp nhận, hạn chế khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, đồng thời cũng không khuyến khích được các doanh nghiệp đầu tư phát triển chế tác, kinh doanh mặt hàng này.

 

Trong khi đó, nhu cầu của thị trường thì ngày lại một cao hơn. Kết quả là các doanh nghiệp buộc phải đáp ứng nhu cầu thông qua những nguồn hàng trôi nổi trên thị trường, hàng không rõ nguồn gốc.

 

Cũng vì lý do này nên hiện tại hầu như không một doanh nghiệp trong nước nào tham gia nhập khẩu đá quý và kim cương theo con đường chính ngạch.

 

“Không một doanh nghiệp nào có khả năng nhập khẩu kim cương và bán được ra thị trường để thu hồi vốn. Kim cương trên thị trường hiện nay đều có nguồn gốc khác” - ông Bảng khẳng định. Nguồn gốc khác ở đây chính là kim cương nhập lậu. Ông Bảng cho biết, kim cương nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu thông qua đường hàng không và đường biên giới phía Nam.

 

Theo tính toán của VGTA, nhu cầu kim cương hàng năm trên thị trường Việt Nam có giá trị khoảng 300 triệu USD! Thật là một nguồn lợi không hề nhỏ, song hiện nay, các doanh nghiệp vẫn chỉ biết ngồi nhìn mà... thèm. Trong khi đó, cơ hội đã trở nên béo bở đối với các hoạt động buôn lậu.

 

Còn nhớ mới hồi cuối tháng 9 vừa qua, Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất, thành phố Hồ Chí Minh đã bắt giữ một vụ buôn lậu kim cương số lượng lớn với giá trị tương đương 240 ngàn USD. Và đó chỉ là một trong số những phi vụ buôn lậu kim cương có giá trị tương đối lớn bị phát hiện.

 

Cũng theo đánh giá của VGTA, với một giá trị thị trường như vậy, chắc chắn hoạt động buôn lậu đã gây ra một tình trạng chảy máu ngoại tệ tương đối dữ dội.

 

Đấy là chưa kể các yếu tố phát sinh kèm theo như kim cương giả theo con đường nhập lậu hoặc do tính không ổn định của nguồn cung tạo nên những cơn sốt giả trên thị trường trong nước, gây thiệt hại không nhỏ cho người tiêu dùng...

 

Việt Nam đang thực hiện lộ trình gia nhập AFTA và WTO, nên các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng bạc, đá quý trong nước đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng tăng. Bởi vậy, việc đánh thuế GTGT đối với đá quý và kim cương nhập khẩu tại cửa khẩu như hiện nay có lẽ nên xem xét lại.

 

Ngoài ra, một chính sách hợp lý để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào thị trường chính ngạch cũng sẽ là biện pháp tốt để vừa tránh thất thu thuế cho Nhà nước, lại vừa ngăn chặn được tình trạng buôn lậu kim cương hiện nay, tạo điều kiện tốt hơn để sản phẩm có kim cương của Việt Nam gia nhập thị trường chính tắc quốc tế.

 

Theo Việt Ba

Báo CAND