Kiểm tra gạo nghi giả: Không có dấu hiệu bất thường
(Dân trí) - Ngày 5/4, Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón quốc gia (NCPAFT) đã công bố kết quả xét nghiệm mẫu gạo nghi giả mà bạn đọc Dân trí phản ánh.
Theo kết quả phân tích mẫu của Trung tâm này, tỷ lệ amiloza (chất dẻo của gạo) là 26%, tỷ lệ protein là 6,5%. Theo Trung tâm, tỷ lệ amiloza và protein như trên thậm chí còn cao hơn một chút so với một số loại gạo khác như Khang Dân hay Q5.
Khi nghiền thành bột, mẫu gạo này cũng có đặc điểm không có gì bất thường so với các loại gạo khác.
Cùng ngày, Cục ATVSTP - Bộ Y tế cũng đã có thông báo kết quả xác minh về loại gạo bị nghi là giả này.
Theo đó, Cục đã phối hợp với Chi cục ATVSTP Hà Nội và các cơ quan chức năng Hà Nội “khoanh vùng”, lấy mẫu gạo ở cơ sở bị nghi ngờ, gửi tới Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia để phân tích.
Kết quả cho thấy các chỉ tiêu protein, tinh bột, vitamin B1 phù hợp với thành phần gạo Việt Nam, không phát hiện chất tẩy trắng, chất đánh bóng trong các mẫu phân tích.
Ngành nông nghiệp nói gì? Báo Điện tử Chính phủ (Chinhphu.vn) dẫn lời ông Nguyễn Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết: Theo kết quả kiểm định mẫu gạo (mà bạn đọc báo Dân trí phản ánh - NV), cụ thể hàm lượng amiloza khoảng 26% (gạo Khang Dân cũng có chỉ số như vậy), protein 6,5 % ( chỉ số này gạo Khang Dân là 6,7%). Khi nghiền xay ở dạng bột, mẫu được cho là “gạo giả” cũng không có sự khác biệt đáng kể, không có mùi lạ. Cũng theo ông Quảng, khi nấu cơm bằng gạo này chậm chín hơn so với gạo thường, có thể do hàm lượng amilozo cao hơn. Có thể khẳng định đây vẫn là gạo thật. Báo Quân đội nhân dân dẫn lời Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng: Chưa phát hiện ra gạo giả, còn mẫu được xét nghiệm là loại gạo kém chất lượng. |
Quang Vinh - Hồng Kỹ