1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Kiểm tra 30 doanh nghiệp FDI, giảm lỗ hơn 1.600 tỷ đồng

(Dân trí) - Qua thanh tra, kiểm tra đối với 30 doanh nghiệp FDI có giao dịch liên kết, rủi ro cao về chuyển giá, cơ quan thuế đã kết thúc thanh tra, kết quả đã giảm lỗ trên 1.600 tỷ đồng...

Nhiều doanh nghiệp FDI than lỗ nhưng vẫn lãi
Nhiều doanh nghiệp FDI than lỗ nhưng vẫn lãi
 
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Theo số liệu của Bộ Tài chính, từ đầu năm đến ngày 30/11/2014, cả nước có 69.619 doanh nghiệp thành lập mới; 68.169 doanh nghiệp ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng 27,9% so với cùng kỳ (trong đó: số doanh nghiệp giải thể, phá sản là 17.845 doanh nghiệp, chiếm 26,2% và bỏ địa điểm kinh doanh là 34.674 doanh nghiệp, chiếm 50,9%), có 20.163 doanh nghiệp tạm nghỉ sản xuất kinh doanh, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2013.
 
Như vậy, đến thời điểm 30/11/2014, trên cả nước có 487.633 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 4,1% so với so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó có 5.499 doanh nghiệp nhà nước (chiếm tỷ trọng 1,12%); 13.426 doanh nghiệp FDI (chiếm tỷ trọng 2,75%) và 468.708 doanh nghiệp ngoài quốc doanh (chiếm tỷ trọng 96,11%).
 
Trong năm, Tổng cục Thuế đã đẩy mạnh việc giám sát, đôn đốc kê khai thuế, nhờ đó công tác quản lý, giám sát kê khai thuế ngày càng chặt chẽ và tạo được những chuyển biến tích cực. Tổng số tờ khai thuế của cả nước đạt 92% trên tổng số tờ khai phải nộp, tỷ lệ tờ khai nộp đúng hạn/tờ khai đã nộp đạt 95%. Số tờ khai không nộp chiếm 8% tổng số tờ khai phải nộp và giảm 40% so với cùng kỳ năm 2013.
 
Về phía Hải quan, cơ quan này cũng đã tổ chức thực hiện kiểm soát chặt chẽ hồ sơ, giám sát chặt chẽ hàng hóa xuất khẩu, kịp thời ngăn chặn hành vi xuất khống hàng hóa nhằm mục đích chiếm đoạt tiền thuế GTGT thông qua khấu trừ, hoàn thuế. Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ hàng tạm nhập – tái xuất, hàng gia công, nhập sản xuất xuất khẩu...  Thường xuyên rà soát tài khoản tạm thu, tạm giữ để chuyển nộp ngân sách các khoản quá 90 ngày theo quy định.
 
Bộ Tài chính đã xây dựng và giao chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2014 đến từng đơn vị, chỉ đạo các đơn vị tăng cường áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định, quy trình quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế. Cơ quan thuế đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan (Kho bạc nhà nước, Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, toà án, công an) để thực hiện các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế thu hồi đối với người nợ thuế có khoản tiền thuế nợ trên 90 ngày và đã hết thời hạn gia hạn nộp thuế.
 
Nhờ đó, trong năm 2014, Tổng cục Thuế đã thu được 50% số nợ thuế tại thời điểm 31/12/2013 chuyển sang (trên 30.000 tỷ đồng), trong đó bằng biện pháp quản lý nợ là 83%; bằng biện pháp cưỡng chế nợ thuế là 17%. Tổng cục Hải quan đã thu được 1.785 tỷ đồng nợ thuế của năm 2013 chuyển sang, đạt 63,5% kế hoạch.
 
Trong 11 tháng đầu năm, cơ quan thuế đã thanh tra, kiểm tra 62.682 doanh nghiệp. Riêng về thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá, năm 2014 ước thực hiện thanh tra, kiểm tra 2.866 doanh nghiệp lỗ, doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá và doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết (bằng 179,8% so với cùng kỳ), giảm lỗ 5.830,16 tỷ đồng (bằng 181,69% so với cùng kỳ), truy thu, truy hoàn và phạt 1.700,81 tỷ đồng (bằng 211,96% so với cùng kỳ).
 
Trong đó, qua thanh tra, kiểm tra đối với 30 doanh nghiệp FDI có giao dịch liên kết, rủi ro cao về chuyển giá, cơ quan thuế đã kết thúc thanh tra, kết quả đã giảm lỗ trên 1.600 tỷ đồng, sau khi miễn giảm thuế do ưu đãi đầu tư, đã truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và xử phạt vi phạm trên 600 tỷ đồng…
 
Năm 2015, kinh tế thế giới dự báo phục hồi chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro, giá dầu thô đang giảm nhanh và mạnh. Kinh tế Việt Nam mặc dù đang phục hồi, dự báo chưa thể tăng trưởng nhanh. Bên cạnh đó, Nhà nước đang đẩy nhanh lộ trình thực hiện cải cách thuế, giảm mức điều tiết thu đối với một số sắc thuế lớn để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thu hút đầu tư, từng bước khôi phục đà tăng trưởng của nền kinh tế. 
 
Dự kiến, Bộ Tài chính vẫn đảm bảo số thu nội địa không kể dầu thô vượt tối thiểu 8-10% dự toán pháp lệnh đã được Quốc hội, Chính phủ giao cho cơ quan thuế quản lý (dự toán pháp lệnh năm 2015 là 731.600 tỷ đồng, trong đó dầu thô là 93.000 tỷ đồng; thu nội địa là 638.600 tỷ đồng); nhiệm vụ thu của cơ quan Hải quan là 260.000 tỷ đồng.
 
Bích Diệp
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”