Kích cầu “không giống ai” để tránh bẫy thanh khoản

Kích cầu, được và mất đến đâu? Những rủi ro nào có thể vượt tầm kiểm soát của Chính phủ? Có nên điều chỉnh ưu tiên chính sách? là những vấn đề được nhiều chuyên gia kinh tế nêu lên trong thời gian gần đây.

Kích cầu “không giống ai” để tránh bẫy thanh khoản - 1
Ông Lê Xuân Nghĩa.
 
Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát Tài chính Quốc gia, mới đây đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với báo giới về vấn đề này.

Kích cầu, được và mất

Thưa ông, có ý kiến cho rằng gói kích cầu của Việt Nam “không giống ai cả”…

Với gói kích cầu của Việt Nam, chúng ta nên lưu ý là chỉ hỗ trợ lãi suất cho vay nhưng không hạ lãi suất tiền gửi. Đấy là vì để tránh bẫy thanh khoản.

Các chuyên gia phân tích là nếu Mỹ, Nhật Bản hạ lãi suất xuống "zero" thì dân chúng vẫn gửi tiền vào ngân hàng như thường, không có gì thay đổi.

Bởi vì tài khoản của người ta trong ngân hàng là tài khoản dùng để thanh toán, để trả mua sắm hàng ngày, tiền điện, tiền nước. Chuyện lãi suất là lặt vặt, họ không quan tâm.

Nhưng ở Việt Nam, chúng tôi tính rồi, nếu hạ lãi suất cho vay xuống 5-6% thì buộc phải hạ lãi suất tiền gửi xuống 3%. Thế thì chẳng còn ai gửi tiền. Bẫy thanh khoản của Việt Nam là ở cái 3% ấy! Nếu người ta không gửi tiền vào ngân hàng thì cả hệ thống ngân hàng sụp đổ rất nhanh chóng.

Thứ hai, việc hỗ trợ lãi suất cho vay cũng có giá trị kích thích về mặt tâm lý. Tức là một anh doanh nghiệp đi vay được ưu đãi 4% lãi suất thì các anh khác không vay cũng tức, cảm giác mình bị thua thiệt.

Thế là kích thích họ nghĩ đến chuyện cần phải vay ngân hàng. Mà đã vay là phải nghĩ cách làm ăn, chứ không lấy tiền đâu ra trả. Như vậy là duy trì được sản xuất, phục hồi ản xuất cho các doanh nghiệp.

Về phía các ngân hàng, họ cũng thấy rằng chỉ có cho vay thì họ mới được hưởng 4% đó, chứ không thì không được hưởng. Đồng thời, ngân hàng thương mại cũng nhìn thấy một điều rằng nếu cho vay, doanh nghiệp được phục hồi thì con nợ của họ còn sống, và vẫn có khả năng thu hồi được nợ…

Như vậy là có hai động lực từ phía người vay và phía người cho vay dẫn đến chuyện đẩy tín dụng ra. Mà kích cầu, mục tiêu chủ chốt là phải đẩy được tín dụng ra, làm cho tín dụng tăng trưởng, phá được băng của tín dụng.

Tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam đã giảm liên tục trong 3 tháng liền cuối năm 2008, đến khi có gói kích cầu thì mới bùng trở lại được.

Trong khi đó, ở Mỹ, chính phủ rót tiền vào ngân hàng với hy vọng các ngân hàng sẽ mở rộng cho vay. Nhưng các ngân hàng không cho vay mà gửi tiền vào ngân hàng trung ương, vì sợ cho vay thì mất, gửi vào ngân hàng trung ương cho chắc ăn. Cho nên tín dụng vẫn đóng băng như thường.

Biện pháp của Chính phủ mình thì có vẻ không giống ai, nhưng hiệu ứng kích cầu là rất mạnh, nó đẩy được tín dụng ra, tránh được cái bẫy thanh khoản.

Cũng có ý kiến cho rằng việc triển khai gói kích cầu như thời gian qua là khá dàn trải…

Thực ra là khó mà tránh được dàn trải. Dàn trải là nói thế thôi, so với các nước ta còn tập trung hơn nhiều! Chúng ta chỉ bù lãi suất cho một số lĩnh vực. Các nước họ còn dàn trải hơn ta nhiều, nới lỏng tiền tệ tất.

Họ hạ hẳn toàn bộ mặt bằng lãi suất xuống, thì bất động sản được hưởng lãi suất thấp, tiêu dùng rồi thậm chí vay mua chứng khoán cũng được hưởng lãi suất thấp. Vì họ hạ mặt bằng lãi suất xuống zero, hoặc 1-2% cơ mà.

Các chính sách vĩ mô thời gian gần đây đều đưa đến hiệu ứng phụ. Với gói kích cầu thì thế nào, theo ông?

Đương nhiên là một chính sách như vậy bao giờ cũng có hiệu ứng phụ. Chính sách mạnh thì hiệu ứng phụ cũng mạnh.

Ví dụ, doanh nghiệp đổ xô vào vay VND, chứ không vay ngoại tệ. Mà vay VND để mua ngoại tệ. Cho nên cầu ngoại tệ thì tăng lên, cung ngoại tệ thì giảm xuống, thế mới làm cho tình hình ngoại tệ căng thẳng.

Ngân hàng thương mại thừa ngoại tệ, “túi” tiền gửi thì thừa, “túi” để bán thì không có. Đó cũng là một hiệu ứng phụ mà ngân hàng trung ương phải tìm cách khắc phục. Bằng cách là anh có thể sử dụng nghiệp vụ SWAP để biến ngoại tệ tiền gửi thành ngoại tệ có thể bán được.

Hiệu ứng phụ thứ hai là nó làm cho cầu VND tăng lên, cũng có nghĩa là lãi suất tiền gửi tăng lên, đặc biệt là đối với các ngân hàng nhỏ, tài khoản thanh toán có ít.

Hiệu ứng thứ ba là nó có thể làm cho hệ thống lãi suất méo mó. Nhưng cái đó thì không quan trọng lắm, bởi vì trong thời gian ngắn, 6-7 tháng thì méo mó không thành vấn đề.

Tôi cũng không đồng tình với một số chuyên gia, họ cho rằng chính sách kích cầu của Việt Nam là không cần thiết, hoặc chuyện bù lãi suất 4% là không giống ai…

Tại sao Chính phủ phải nhảy ra để kích cầu? Tại vì dân chúng không còn lòng tin để chi tiêu, doanh nghiệp không còn lòng tin để đầu tư. Nếu không dám chi tiêu, không dám đầu tư thì đưa tiền để Chính phủ chi tiêu, để đầu tư. Thế thì mới kích thích được chứ. Để cho cầu tăng trưởng trở lại, lúc đó mới tạo lòng tin cho chi tiêu, cho đầu tư. Khi ấy thì Chính phủ có thể rút lui.

Không thể tránh hoàn toàn được lạm phát

Lạm phát hiện có phải nguy cơ lớn nhất đối với kinh tế vĩ mô và nó có khả năng vượt kiểm soát không?

Tôi cho rằng nguy cơ đáng kể nhất đối với kinh tế vĩ mô là lạm phát. Rất có thể, trong thời gian tới đây, chúng ta vừa gặp cả lạm phát cầu kéo do nới lỏng tiền tệ, lại vừa lạm phát chi phí đẩy do kinh tế thế giới phục hồi, khiến giá dầu và giá các loại nguyên vật liệu tăng lên.

Tuy nhiên, theo dự đoán của tôi, lạm phát chi phí đẩy còn yếu. Tại vì nói thế thôi chứ kinh tế thế giới phục hồi cũng còn lâu và rất là chậm chạp.

Lạm phát cầu kéo thì rất là rõ. Nhưng lạm phát cầu kéo không thôi thì nó dễ khống chế. Bởi vì cầu kéo làm giá cả tăng lên thì sản lượng cũng tăng theo. Và đến vòng sau thì sản lượng tăng cũng làm giá cả dịu đi một chút.

Rồi cầu thì do cung ứng tiền mà ra. Cho nên ngân hàng trung ương chỉ cần cắt giảm cung ứng tiền, tức là thắt chặt tiền tệ lại một chút để hạn chế cầu kéo.

Còn chi phí đẩy thì giá cả tăng lên nhưng mà sản lượng lại giảm. Ví dụ như ngày xưa, xăng 5.000 đồng/lít thì người ta chạy một ngày 5 chuyến xe bus vào Vinh chẳng hạn. Còn bây giờ, xăng lên tới 15.000 đồng/lít thì người ta chỉ chạy có 3 chuyến. Tức là sản lượng giảm đi, vì vậy làm cho giá cả tăng lên. Hơn nữa, còn có yếu tố quốc tế, cho nên Việt Nam khó khống chế được.

Vậy nên, đề kích cầu phục hồi tăng trưởng vững chắc thì ngay bây giờ phải có tính toán, dự báo những chuyện xu hướng lạm phát có thể xảy ra và có những biện pháp phòng ngừa nó ngay từ bây giờ.

Chính phủ đã giao chương trình nghiên cứu chống lạm phát cho một số ngành, trong đó Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia là một kênh. Chúng tôi cũng đang tập hợp thông tin, xây dựng những mô hình phân tích để dự báo về kinh tế vĩ mô nói chung và lạm phát nói riêng để sớm đưa ra giải pháp.

Chúng ta không thể tránh hoàn toàn được lạm phát, nhưng phải kiểm soát nó trong mức tốt nhất có thể. Tôi nghĩ chỉ nên dưới 10% là tốt nhất.

Kích cầu phải đủ đô!

Nhiều tổ chức gần đây khuyến nghị Việt Nam cần xem xét lại quy mô gói kích cầu cho phù hợp với khả năng kinh tế của mình. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Đó là điều mà nhiều chuyên gia quốc tế người ta lo lắng, đặc biệt là ông Tổng giám đốc IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế) tại Việt Nam. Ông ấy rất nhiều lần chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính, chất vấn các chuyên gia trong nước về chuyện này.

Thực ra, người ta hàm ý rằng Việt Nam không vay từ bên ngoài thì làm sao có đủ nguồn lực để kích cầu. Có nghĩa là một gợi ý rằng IMF có thể cho vay, nếu Việt Nam muốn.

Mình thì có mấy nguồn chủ chốt. Nguồn thứ nhất là phát hành trái phiếu Chính phủ. Một nguồn khác là tạm ứng trước các khoản chi của ngân sách cho năm 2010 đưa vào năm 2009. Thứ ba là nguồn chi không hết của năm 2008, thay vì trước đây cắt, thì nay cho vào chi tiêu trong năm 2009.

Và nguồn cuối cùng là có một khoản vay từ nước ngoài, tôi không nhớ chính xác, trị giá vào khoảng 3 tỷ USD, chủ yếu là vay từ Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), và một phần từ nguồn “Sáng kiến Chiang Mai” (nguồn hỗ trợ tăng trưởng, kích thích kinh tế của châu Á).

Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, một lãnh đạo Bộ Tài chính có nói Việt Nam sẽ không vay nước ngoài để chi tiêu. Sao bây giờ lại tính đến chuyện này?

Lúc đầu, Chính phủ định không vay từ bên ngoài, dù vay từ bên ngoài lúc này dễ chứ không khó, sau đó thì thấy rằng đã làm thì phải “đủ đô”, có một tác dụng kích cầu thực sự. Nếu làm nửa vời, kích cầu nội địa lên không đủ đô, trong khi cầu thế giới đang yếu thì có thể tạo ra sốc.

Cho nên cuối cùng cũng có vay từ nguồn bên ngoài. Mà vay nước ngoài thì dễ, vay 40 năm, ân hạn 10 năm, dạng ODA. Có vẻ như nguồn lực tài chính của các định chế tài chính đang dồi dào, và họ rất thích cho những quốc gia như Việt Nam vay.

Người ta nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng là tương đối mạnh. Người ta nhìn thấy rõ là trong suy thoái, Việt Nam có những cơ hội…

Vừa rồi WB công bố dự kiến cho Việt Nam vay 4 tỷ USD trong hai năm 2009-2010. Đây có phải nguồn tài chính huy động cho gói kích cầu?

Đúng! Tất nhiên những chương trình như vậy phải chuẩn bị từ trước. Nhưng rất hay là tiến độ giải ngân lại đúng vào dịp này.

Trong khi Việt Nam đi vay nước ngoài để tài trợ cho gói kích cầu, có ý kiến cho rằng vì sao không dùng dự trữ ngoại hối?

Tôi nghĩ là Chính phủ cũng có dùng một phần để tài trợ cho ngân sách trong quá trình kích cầu. Nhưng cụ thể nó như thế nào thì nó là bí mật quốc gia.

Dùng dự trữ để can thiệp vào thị trường hối đoái thì không vấn đề gì. Chính phủ và ngân hàng trung ương cam kết rằng sẽ thực hiện một chính sách tỷ giá hối đoái ổn định và áp dụng tất cả các biện pháp, trong đó có cả biện pháp sử dụng dự trữ ngoại tệ để ổn định thị trường ngoại hối.

Trong gói kích cầu, một phần lớn tài chính đến từ phát hành trái phiếu. Vừa rồi, một số đợt đã bán không hết trái phiếu Chính phủ, theo ông là vì sao? Sắp tới nếu bán tiếp thì phải tính toán thế nào?

Có một cái lý do nhiều người dễ nhận thấy đó là lãi suất. Lãi suất vừa qua có vẻ chưa phù hợp với mong muốn của thị trường.

Nhưng còn một lý do khác, đó là lý do kỹ thuật. Đó là Bộ Tài chính thấy rằng chỉ có thể giải ngân được chừng đó, thì chỉ huy động ngần đó thôi. Chứ huy động nhiều quá thì để trong kho rồi cứ phải trả lãi thì chết.

Mà muốn huy động được tương thích với khả năng giải ngân của Bộ Tài chính thì phải có một mức lãi suất nào đó để chỉ cần huy động chừng đó. Chứ chưa chắc đã phải Bộ Tài chính không thể bán hết và phát hành thất bại như báo chí đưa.

Kinh nghiệm đã cho thấy, chúng ta huy động 4.000 tỷ đồng cho giáo dục mà 3 năm mới giải ngân được 30-40%. Mà phải trả lãi cho 4.000 tỷ trong suốt 3 năm trời liền.

Vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách kích cầu!

Với những rủi ro có thể xảy đến, theo ông, đã đến lúc cần điều chỉnh chính sách chưa?

Tôi nghĩ là Chính phủ chắc sẽ chưa có điều chỉnh gói kích cầu mà vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách kích cầu thôi.

Thứ nhất, Chính phủ phải đảm bảo uy tín của mình trước những tuyên bố với cộng đồng doanh nghiệp, với Quốc hội, với dân chúng.

Thứ hai, Chính phủ cũng phải đề phòng xu hướng có thể có những cú sốc nhỏ, giống như động đất, cũng phải có dư chấn.

Ví dụ như nếu kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp, trong khi một số nguồn lực tài chính còn bất ổn. Ngay trong quá trình phục hồi vẫn có thể có khủng hoảng. Vì vậy cho nên Chính phủ vẫn phải đề phòng.

Theo Anh Quân
VnEconomy