Kịch bản nào cho nợ xấu ở Việt Nam?

(Dân trí) - Trong trường hợp nợ xấu chiếm tới 20% tổng dư nợ thì chi phí tái cấp vốn để khắc phục cũng chỉ lên tới 14,9% GDP trong khi, "cái giá" mà Thái Lan từng phải trả là 34% GDP.

Theo ghi nhận được nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Standard Charterd đưa ra tại bản cập nhật kinh tế vĩ mô vừa công bố, Việt Nam đã có những cải thiện trong vấn đề lạm phát, cán cân thương mại và dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, nợ xấu vẫn đang là một mảng tối mà Chính phủ cần tập trung giải quyết.

Vấn đề nằm ở chỗ, mức độ nợ xấu ở Việt Nam lại thiếu rõ ràng. Trong năm 2012, nếu báo cáo của các ngân hàng trong nước cho thấy tỉ lệ nợ xấu chỉ dưới 5% thì con số ước tính của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại vào khoảng 8,8%.

Chưa có con số thống nhất và chính xác về thực trạng nợ xấu hiện tại ở Việt Nam
 Chưa có con số thống nhất và chính xác về thực trạng nợ xấu hiện tại ở Việt Nam.

Việt Nam có thể kiểm soát được nợ xấu nếu thực tế không vượt quá 20% tổng dư nợ

Mức độ nợ xấu khó ước đoán một phần do các chuẩn mực kế toán khác nhau, trong đó nếu áp dụng Chuẩn mực Kế toán Việt Nam thì tỉ lệ nợ xấu sẽ ở mức thấp hơn.

Hơn nữa, tình trạng thiếu minh bạch trong ngành ngân hàng và việc nắm giữ cổ phiếu chéo cũng dẫn đến sự thiếu rõ ràng này.

Standard Charterd chỉ ra rằng, hầu như mỗi tổ chức kinh tế lớn lại có cổ phần trong tối thiểu một ngân hàng, trong khi những ngân hàng lớn lại có cũng có cổ phần tại các ngân hàng nhỏ - “Điều này khiến việc nhận diện và giải quyết nợ xấu trở nên khó khăn hơn”.

Đưa ra 3 kịch bản cho các mức độ nợ xấu khác nhau, lần lượt là 5%, 10%, 15% và 20%, nhóm nghiên cứu giả định tỷ lệ thu hồi nợ xấu là 20%, trích lập dự phòng mất nợ 40.000 tỷ đồng, hệ số an toàn vốn (CAR) cho tất cả các ngân hàng là 9%, bằng mức CAR theo quy định.

Theo các kịch bản này, chi phí tái cấp vốn  tính đến 2012 của Việt Nam sẽ dao động từ 2,8%  đến 14,9% GDP. Nếu tính trên doanh thu Chính phủ thì chi phí tái cấp vốn sẽ từ 11% đến 59,5%, còn nếu tính theo tổng tài sản ngành ngân hàng (tính đến tháng 11/2012) sẽ chiếm từ 1,7% đến 9%.

Ngoài ra, dựa trên kinh nghiệm của các nước khác trong khủng hoảng tài chính Châu Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, ước tính của Standard Chartered chỉ ra rằng, tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam có thể kiểm soát được miễn không vượt quá 20%.

Thực tế, chi phí tái cấp vốn của Thái Lan là 34% GDP (cao nhất trong số các nước được đưa vào so sánh) – cao hơn gấp đôi mức ước tính cho Việt Nam là 14,9% nếu mức nợ xấu lên tới 20% trên tổng dư nợ. Chí phí này ở Indonesia và Malaysia là trên 20% GDP và 18% GDP.

Thậm chí, so với doanh thu Chính phủ, chi phí tái cấp vốn của Thái Lan và Indonesia còn lên tới 191,2% và 125,5%; so với dự trữ ngoại hối, các tỷ lệ này là 148,7% và 104,6%. Mặc dù vậy, các quốc gia này cũng đã vượt qua được khủng hoảng.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, một yếu tố thuận lợi cho Việt Nam là lĩnh vực ngân hàng nhìn chung thiếu kết nối với hệ thống tài chính toàn cầu, chỉ có những sản phẩm khá đơn giản. Do vậy, sẽ làm cho “bức tranh toàn cảnh đơn giản hơn dù vẫn thiếu minh bạch”.

Khó giải quyết nợ xấu trong ngắn hạn

Theo Standard Chartered, để xử lý được vấn đề nợ xấu thì việc đầu tiên là Việt Nam phải ghi nhận nợ xấu và việc này cần phải thực hiện cẩn thận. Bởi, không có giải pháp nào có thể có hiệu quả nếu các khoản nợ xấu không được nhận thức và phân bổ một cách đúng đắn.

Đánh giá về động thái từ NHNN khi ban hành một thông từ hồi tháng 1/2013 về phân loại nợ và trích lập dự phòng nợ xấu, nhóm nghiên cứu cho rằng, đây là một bước đi tích cực trong việc giúp các ngân hàng tuân thủ các tiêu chí khắt khe về phân loại nợ xấu.

Bước thứ hai là phải trích lập dự phòng đầy đủ - vốn không phải là truyền thống tại các ngân hàng Việt Nam.

Tiếp đến là tái cấp vốn. Bước đi này sẽ giúp các ngân hàng có nguồn vốn cần thiết để tái tạo tình hình kinh doanh.

Và cuối cùng là kiểm soát rủi ro. Theo đó, ngành ngân hàng cần phải nâng cấp cơ chế quản lý và kiểm soát rủi ro. Các ngân hàng trong nước cần học hỏi từ các ngân hàng nước ngoài làm thế nào để tiến hành phân tích tín dụng dựa trên lưu chuyển tiền tệ và giám sát khả năng trả nợ của người vay một cách hiệu quả.

Ngoài ra, cũng cần phải có một khung pháp lý mạnh mẽ với đầy đủ luật pháp về phá sản và tịch thu.

Tuy vậy, Standard Chartered cũng bày tỏ rằng, “chúng tôi không mong chờ một phương án ngắn hạn để giải quyết nợ xấu ở Việt Nam” và theo đó quy trình sẽ phải được thực hiện theo từng bước.

Bích Diệp