1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Khuyến mãi, chuyện dài nói mãi

Hàng giảm giá nên chất lượng cũng... giảm, riêng hàng tặng kèm thì cái dùng được cái không. Những loại hàng này rất dễ bị hỏng, nhưng lại không được bảo hành. Vì vậy những món hàng “tặng kèm” càng có giá tiền lớn càng nguy cơ mang lại thiệt hại nặng.

Chọn giá cả mà quên chất lượng

 

Đợt bán hàng giảm giá ở TPHCM vừa qua mặc dù đã kết thúc, nhưng dư âm vẫn còn. Dư âm rõ nhất là sau khi đợt bán hàng kết thúc vào giữa tháng 12, tuần này các cửa hàng, siêu thị điện máy vắng khách, ế ẩm.

 

Lý giải nguyên nhân này, các chủ trung tâm mua bán điện máy cho biết: do khách hàng đã mua một lượng hàng tương đối lớn, đã tạm đủ dùng. Thứ hai là đợt bán hàng vừa rồi giá giảm quá mạnh nên khó kéo lại giá ban đầu. Bên cạnh đó, người tiêu dùng còn chờ đợi một đợt giảm giá mạnh nữa trong khoảng thời gian từ nay đến Tết.

 

Tuy nhiên vẫn có người không trông mong vào hàng giảm giá. Tại một siêu thị trên đường Cách Mạng Tháng Tám sáng nay, một khách hàng tên Khánh cho biết, những lần mua hàng giảm giá khi sử dụng thấy chất lượng không ưng ý nên không tiếp tục mua. Ông chờ qua đợt khuyến mãi mới mua sắm.

 

Ông Nguyễn Tân, nhà ở quận 8, TPHCM mua chiếc máy lạnh gắn tường hiệu Ritech, được giảm 900 ngàn còn 3,8 triệu. Tuy nhiên ông nói rằng siêu thị lại bán các phụ tùng kèm theo như công tắc, dây, ống dẫn nước, và tiền công, cả thảy hết 600 ngàn. Những thứ này khi mua máy không giảm giá sẽ được kèm theo miễn phí. Như vậy thực chất ông chỉ được giảm 300 ngàn đồng.

 

Đó là chưa kể, nếu không khuyến mãi thì siêu thị chở hàng đến nhà cho khách, còn trong đợt này khách hàng phải tự chở lấy. Với những sản phẩm nhỏ có thể tự chở bằng xe máy, nhưng những sản phẩm như tủ lạnh, máy giặt… phải thuê xe chở, tốn vài chục đến trăm ngàn.

 

Nhưng điều đó không quan trọng, mà quan trọng là ông Tân nói rằng, ông không hài lòng với chất lượng của chiếc máy. Ông nói rằng, nếu với nguyên giá tiền không giảm, ông đã mua được chiếc máy khác tốt hơn.

 

“Cái sai lầm của người mua là chọn giá cả chứ không chọn chất lượng” - ông Tân nói.

 

Không dùng được!

 

Có thể nói, nhận xét của ông Tân đã khái quát khá đầy đủ về tình hình mua bán, tâm lý khách hàng khi mua hàng giảm giá. Chất lượng gồm có hai lĩnh vực, là chất lượng hàng hóa và chất lượng dịch vụ. Chất lượng dịch vụ, như trong đợt khuyến mãi giảm giá vừa qua, có thể nói hầu như không có.

 

“Các siêu thị khi ế ẩm thì cầu cạnh khách hàng, nhưng khi bán đắt hàng thì rất chảnh. Họ không những không thèm chở hàng đến nhà cho người mua như mọi ngày, mà còn dọa “chỉ còn vài cái thôi, không mua là hết đấy” - ông Tân nói.

 

Chính vì bị giá cả đánh lừa khiến quên mất chuyện chất lượng, nên có những sản phẩm mua về dở khóc dở mếu. Bà Lương ở quận Bình Thạnh cho biết, bà mua tủ lạnh được tặng kèm bàn ủi. Nhưng khi đem sử dụng, thì cái bàn ủi chỉ… âm ấm, không là phẳng quần áo được. Nhìn lại thì cái hiệu sản xuất lạ hoắc lạ huơ.

 

Tương tự như vậy, quạt không chạy, máy ảnh không rõ mấy “chấm”, chụp hình cứ nhờ nhờ không rõ mặt. Bà Lương cho biết, một hàng xóm của bà mua máy giặt được tặng kèm quạt bàn. Nhưng cái quạt cứ chạy rì rì, đuổi ruồi không bay.

 

Bà Lương gọi điện thoại hỏi, siêu thị trả lời rằng chỉ bảo hành sản phẩm bán chứ không bảo hành vật tặng kèm. Thế là coi như đem bán cho hàng đồng nát.

 

Kinh nghiệm của ông Phan Văn Dư quận Thủ Đức là không nên mua hàng tặng kèm những vật có giá tiền khá lớn. Các siêu thị, trung tâm đã đưa món hàng thứ hai ra bán kèm theo. Như vậy không phải mua 1 được 2, mà là dự định mua một nhưng phải mua hai. Mà món hàng thứ hai bán kèm kia hầu hết đều không rõ xuất xứ, không có bảo hành, hoặc hàng lỗi mốt, hàng tồn kho xuống nước, mất giá thanh lý.

 

Những loại hàng này rất dễ bị hỏng, nhưng lại không được bảo hành. Vì vậy những món hàng “tặng kèm” càng có giá tiền càng lớn càng nguy cơ mang lại thiệt hại nặng.

 

“Cho” cũng phải cho đàng hoàng

 

Nói là “cho”, nhưng thực tế chương trình khuyến mãi là quyền lợi của khách hàng mà nhà sản xuất, nhà phân phối phải đáp ứng. Thế nhưng hầu như các chương trình khuyến mãi nếu không là chất lượng hàng hóa thì cũng là thái độ chăm sóc, phục vụ có vấn đề, hoặc là thông tin không trung thực. Chính các nhà phân phối thú nhận điều này.

 

Trên trang quảng cáo của một tờ báo mới đây, siêu thị Nguyễn Kim công nhận: “Trước nay các trung tâm, siêu thị vẫn có những chương trình khuyến mãi, nhưng vẫn không hiệu quả. Sở dĩ như thế vì thông tin các chương trình không trung thực...”.

 

Bạn đọc hẳn vẫn còn nhớ đợt khuyến mãi của LG dành cho chính hệ thống phân phối của mình hồi giữa năm nay. Chương trình bầm giập đến nỗi phải 3 lần tổ chức mới bốc thăm được. Điều đó xuất phát từ cách làm không minh bạch của những người tổ chức khiến chương trình rút thăm mất khách quan.

 

Hay như chương trình khuyến mãi “Mio đưa em đến giảng đường” của hãng xe máy Yamaha quy định người mua xe được rút thăm trúng thưởng, nhưng Yamaha lại gọi giải thưởng đó là… học bổng! Học bổng, nhưng những người không đi học, không đến trường cũng được tham gia. Yamaha chỉ cần mở rộng điều lệ “những người không đi học, có thể ủy quyền cho con cháu mình là học sinh sinh viên nhận thay”.

 

Lờ mờ theo kiểu treo đầu dê bán thịt chó là rõ nhất trong các đợt khuyến mãi. Trong tuần đại hạ giá vừa qua, tại một siêu thị, nhân viên giới thiệu chiếc chiếc máy ảnh là “có chức năng chống rung”. Chiếc máy này giá 3,9 triệu, khuyến mãi còn hơn 2,3 triệu. Nhân viên siêu thị chứng minh chức năng chống rung bằng cách cầm máy rung bần bật và bấm máy. Nhưng khách hàng phát hiện nhân viên… phát đèn flast. Vị khách đề nghị tắt đèn, lần này anh nhân viên không rung bần bật nữa, nhưng lại chụp vào hàng chữ trên tường. Vị khách đề nghị chụp dòng người đang chuyển động trên cầu thang cuốn, bất ngờ anh ta đổ quạu: “Có hai triệu ba mà chống rung cái gì”?

 

Cũng chính siêu thị này thông báo nồi áp suất Blacker được giảm giá còn 150.000 đồng. Thế nhưng khách xếp hàng và chờ đến khi vào được đến nơi, lại được báo giá 195.000 đồng. Khách hàng hỏi vì sao, nhân viên trả lời tỉnh rụi “hết loại kia rồi”. Khách hàng không hề được thông báo trước điều này. Và “loại kia” với “loại này” có khác nhau không, chỉ có nhà bán hàng mới biết.

 

Hầu như các cơ quan chức năng cũng không mấy khi có quan điểm xử lý những vấn đề như thế này. Chẳng hạn như trong đợt khuyến mãi của LG, Bộ Thương mại và Sở thương mại TPHCM xác nhận LG tiền trảm hậu tấu, khuyến mãi nhưng không báo cáo, không xin phép. Nhưng rồi cũng chỉ như vậy, và tiếp tục cấp phép. Đến giờ, Văn phòng bảo vệ người tiêu dùng hầu như cũng chỉ mới chú ý những việc có đơn thư kiện tụng, còn những vấn đề không có đơn thư hầu như cũng chưa tham gia.

 

Theo Đặng Vỹ

VietNamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm