Khủng hoảng tài chính Mỹ: “Ai” phải chịu trách nhiệm?

(Dân trí) - Cho đến nay, người ta thường đổ lỗi cho những người làm việc trên phố Wall, tổ chức cho vay thế chấp và những nhà điều tiết thị trường kém năng lực về việc đã gây ra khủng hoảng tài chính.

Khủng hoảng tài chính Mỹ: “Ai” phải chịu trách nhiệm? - 1
Nhiều nguyên nhân dẫn đến suy thoái kinh tế Mỹ.
 
Thế nhưng trong một nghiên cứu mới nhất, chuyên gia kinh tế Ricardo Caballero chỉ ra còn đối tượng khác góp phần tạo ra đống hỗn độn trên thị trường tiền tệ của Mỹ và đến giờ vẫn chưa chịu trách nhiệm xứng đáng: nước ngoài.

Giáo sư Caballero - Trưởng khoa kinh tế tại Đại học MIT, cho rằng: “Không còn nghi ngờ gì nữa, áp lực lên hệ thống tài chính Mỹ (yếu tố góp phần tạo ra khủng hoảng tài chính) đến từ nước ngoài.

Nhà đầu tư nước ngoài tạo ra nguồn cầu đối với những tài sản mà lĩnh vực tài chính Mỹ khó có thể tạo ra. Tất cả những gì họ cần là tài sản có độ an toàn cao và việc nhiều nước khác đẩy mạnh mua loại tài sản đó khiến nước Mỹ trở nên thiếu an toàn”.

Kinh tế gia người Chilê này không phủ nhận trách nhiệm của những người điều tiết và ngành ngân hàng Mỹ. Thế nhưng ông cho rằng các bên điều tra và nhà hoạch định chính sách đang tốn quá nhiều thời gian chỉ trích phố Wall và không xem xét đầy đủ đến những yếu tố bất ổn trên toàn cầu đã là nguyên nhân quan trọng tạo ra khủng hoảng.

Ông nói: “Điều khiến tôi lo lắng chính là Quốc hội đang cố gắng tạo ra khung điều tiết mới nhưng lại không đặt câu hỏi áp lực tạo ra những sản phẩm tài chính độc hại đến từ đâu? Nói đến giải pháp, việc chỉ xem xét đến hệ thống tài chính Mỹ không phải là hướng đi tốt”.

Nhiều chuyên gia kinh tế và nhà hoạch định chính sách tin rằng những gì ông Caballero nói có phần chính xác. Chuyên gia Alex Pollock thuộc Viện doanh nghiệp Mỹ cho rằng những nhà đầu tư nước ngoài đã mua trái phiếu của hai công ty cho vay thế chấp Fannie Mae và Freddie Mac đã góp phần tạo ra bong bóng nhà đất.

Giáo sư René Stulz thuộc đại học Ohio, người đã nghiên cứu rất nhiều về khủng hoảng tài chính, có cùng quan điểm rằng chuyên gia Caballero đã chỉ ra chính xác một đối tượng góp phần gây ra khủng hoảng tài chính.

Ông nói: “Nhà đầu tư tìm đến loại hình công cụ đầu tư an toàn đã tạo ra lượng cầu lớn đối với sản phẩm mới, hệ thống tài chính của chúng ta hoạt động khác với quá khứ và trở nên dễ chịu ảnh hưởng hơn, lúc đó chính nhiều người cũng không ý thức được điều đó”.

Tất nhiên không phải tất cả các chuyên gia kinh tế đều đồng ý với nhận định trên. Họ có quan điểm như vậy bởi việc nguồn tiền vào nước Mỹ nhiều không có nghĩa là có thể tránh được tình trạng thắt chặt tín dụng.

Chuyên gia kinh tế Anil Kashyap thuộc Đại học University of Chicago phản bác: “Phần lớn nguyên nhân của khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ lựa chọn được đưa ra ở nội bộ nước Mỹ”.

Thế nhưng ông Caballero cho rằng điều đó là sai lầm. Câu chuyện của ông không bắt đầu ở những tòa nhà cao hoặc đang phát triển ở Miami hay Las Vegas mà ở những tổ chức đầu tư hay văn phòng của Ngân hàng Trung ương tại Bắc Kinh hay Riyadh.

Ông Caballero nhấn mạnh nhiều nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là những người nào có trách nhiệm quản lý cho tốt dự trữ của chính phủ, thường thích tài sản có độ an toàn cao - điều này biến kinh tế Mỹ vốn đang ổn định thành khu vực tranh giành.

Trung Quốc, với lượng dự trữ khổng lồ thu được từ Mỹ, mua ngày một nhiều trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ. Hành động này đẩy lợi tức trái phiếu xuống thấp, trái phiếu Bộ Tài chính trở nên kém hấp dẫn hơn đối với những nhà đầu tư nước ngoài khác.

Hậu quả, nhu cầu đối với nợ Mỹ lợi tức cao hơn buộc chuyên gia tài chính phố Wall đưa ra loại chứng khoán mới mang lại thu nhập cố định, đáng chú ý nhất là CDOs. Phần lớn tiền thu được đã vào thị trường thế chấp.

Làm sao để ngăn một cuộc khủng hoảng tương tự tái diễn chính là điều mà chuyên gia Caballero nghĩ rằng cả thị trường đang sai lầm. Ông tin rằng việc cải tổ hệ thống tài chính Mỹ chỉ có thể giải quyết một phần vấn đề. Theo ông, chính các bên nước ngoài cũng cần phải thay đổi hành vi của mình.

Minh Tuấn
Theo Time