1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Nghệ An:

Khu kinh tế mới Minh Châu đang tái hoang hóa

(Dân trí) - Sau gần 9 năm khởi công xây dựng, Khu kinh tế Minh Châu (xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An) đến nay vẫn án binh bất động chẳng khác nào một cánh đồng hoang…

Khu kinh tế mới Minh Châu đang tái hoang hóa - 1
Không biết đến khi nào công trình thuỷ lợi mới này hoàn thành.
 
Từ trung tâm huyện Quế Phong, phi xe máy trên con đường rừng khúc khuỷu, vượt qua 15km cùng con dốc Chuối kinh hoàng, chúng tôi có mặt tại khu kinh tế mới Minh Châu (xã Tri Lễ, huyện Quế Phong).
 
Gọi là khu kinh tế mới nhưng Minh Châu chẳng khác một ngôi làng hoang. Khởi công từ năm 2001 với số vốn đầu tư lên tới 10 tỷ đồng, chính quyền đã đưa hơn 180 hộ người H’Mông, Khơ Mú từ các bản vùng cao Huồi Xá 1, Huồi Xá 2, Huồi Mới 1, 2, Nậm Tột, Piềng Luống, Pả Khổm xuống núi với hi vọng tìm được cuộc sống no ấm, ổn định.
 
Theo đó, mỗi hộ gia đình được cấp 500m2 đất ở, hơn 1.500m2 đất vườn ở và 2,7 triệu đồng làm nhà, hỗ trợ cây, con để ổn định sản xuất. Mỗi khẩu được cấp 150m2 ruộng lúa nước, 200m2 đất màu.
 
Chính quyền cũng xây dựng 40 bể nước sạch, hướng dẫn bà con cách canh tác lúa nước, hỗ trợ gạo, muối, dầu thắp sáng, xây dựng điểm trường, cứu đói khi mùa giáp hạt đến… để bà con yên tâm định cư ở quê mới.
 
Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn sau họ đã thất vọng rồi kéo nhau trở lại bản cũ để tiếp tục cuộc sống du canh du cư phá rừng làm rẫy. Qua quan sát, khu kinh tế mới này chỉ thấy còn lại những căn của đóng then cài, mối mọt…
 
Ông Lô Xuân Thu, Chủ tịch UBND xã Tri Lễ, dẫn chúng tôi đi thực địa thở dài: “Người dân về bản hết rồi anh chị. Chỉ còn mấy đứa trẻ ở lại để trông nhà và đi học thôi. Minh Châu giờ buồn lắm!”. Lý do khiến người dân phải rời bỏ “quê mới” cũng khiến những người có trách nhiệm phải nhìn lại: Không có nước để sản xuất!
 
Minh Châu vốn là một vùng đất bằng phẳng bám mặt đường liên xã nối quốc lộ 48. Đây cũng là lý do để Quế Phong chọn nơi đây để xây dựng vùng kinh tế mới. Tuy nhiên, từ khu kinh tế mới Minh Châu để đến được với nguồn nước gần nhất cũng phải mất gần 8km.
 
Thực ra khi triển khai dự án, Bộ NN&PTNT đã đầu tư hơn 14 tỷ đồng để xây dựng đập nước Kẽm Ải (bản Đôn, xã Tri Lễ) với gần 10km mương bê tông dẫn nước tưới tiêu trong đó có gần 40 ha lúa nước và hàng chục ha đất màu của Khu kinh tế Minh Châu.
 
Nhưng khi xây dựng xong thì… nước chỉ về đủ để làm ướt một mảnh ruộng bằng cái sân nhỏ. Không có nước thì hiển nhiên không thể cày cấy vì thế hàng chục ha đất sản xuất mới khai hoang nhanh chóng bị hoang hoá trở lại.
 
Một lý do nữa “góp phần” để người dân bỏ khu kinh tế mới này đó là người H’Mông vốn sống dựa vào rừng nhưng khi bỏ núi cao về với Minh Châu thì không có rừng để khai thác các lâm sản thiết yếu phục vụ đời sống như gỗ làm nhà, củi đốt, không có nơi để chăn thả trâu bò…
 
“Rừng ở khu vực xung quanh đã cấp cho người dân ở các bản người Thái theo chương trình 136. Huyện đã gợi ý cho bà con H’Mông cánh rừng ở gần xã Châu Thôn nhưng bà con bảo xa quá, không nhận” - ông Nguyễn Hữu Đức - Trưởng ban di dân phát triển kinh tế huyện Quế Phong lý giải.
 
Dân bỏ khu kinh tế mới trở về chốn cũ, hàng chục tỷ đồng đầu của Nhà nước đầu tư đang bị bỏ hoang. Giải quyết được vấn đề nước sản xuất mới có thể kéo người dân trở lại Minh Châu. Một dự án nước mới lại được triển khai tại xã Tri Lễ từ tháng 9/2009.
 
Rút kinh nghiệm từ thất bại của công trình đập Kẽm Ải, lần này hệ thống dẫn nước sẽ được xây dựng bằng đường ống sắt dài 7,5 km từ Kẽm Ải xuyên núi về Minh Châu với số vốn lên tới 16 tỷ đồng.
 
Theo kế hoạch thì đến nửa cuối năm 2010 công trình này mới hoàn thành. Người ta tin tưởng rằng khi công trình thuỷ lợi mới này được hoàn thành thì Minh Châu sẽ thực hiện được vai trò vốn có của một dự án trọng điểm của huyện. Trong lúc chờ công trình thuỷ lợi mới này thì hàng trăm công trình dân sinh ở Minh Châu đang xuống cấp, tái hoang hóa trầm trọng vì phơi nắng phơi mưa...
 
Nguyễn Duy - Hoàng Lam