1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Khu công nghiệp Sơn Mỹ I kỳ vọng thu hút đầu tư

Trường Thịnh

(Dân trí) - Việc khởi công Khu công nghiệp Sơn Mỹ I ở xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân được kỳ vọng tác động tích cực đến chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong vùng dự án, mở ra cơ hội thu hút đầu tư phát triển công nghiệp phía Nam của tỉnh Bình Thuận.

Quy mô lớn nhất Bình Thuận

Vừa qua, dự án Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 đã được khởi công xây dựng tại huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Bình Thuận có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng gió để phát triển công nghiệp xanh, sạch. Vì vậy tỉnh và Khu công nghiệp Sơn Mỹ sẽ ưu tiên thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Các Bộ ngành địa phương sẽ tạo điều kiện cho việc thi công dự án đảm bảo an toàn môi trường, chất lượng và đúng tiến độ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư.

Được thành lập từ 2005, Hàm Tân là huyện thuần nông, đất nông nghiệp chiếm phần lớn diện tích đất tự nhiên. Thời điểm đó, Hàm Tân xác định lấy nông nghiệp làm chủ đạo, thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tập trung.

Gần 20 năm sau, từ một vùng đất thuần nông nằm ở phía Nam của tỉnh Bình Thuận, Hàm Tân đã vươn lên một cách mạnh mẽ, trở thành địa phương có nền kinh tế phát triển. Dấu ấn nổi bật trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Hàm Tân trong những năm qua là chiến lược quy hoạch phát triển công nghiệp phù hợp, dựa trên nền tảng xây dựng và phát huy vai trò của các khu công nghiệp tập trung.

Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập tỉnh Bình Thuận, Công ty TNHH đầu tư Xây dựng và Kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Sơn Mỹ (IPICO) đã khởi công Khu công nghiệp Sơn Mỹ I ở xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân. Khu công nghiệp Sơn Mỹ I được đồng ý chủ trương đầu tư tại công văn số 1956 ngày 20/12/2017 và được Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Thuận cấp giấy chứng nhận Đăng ký đầu tư ngày 5/1/2018.

Khu công nghiệp Sơn Mỹ I có tổng mức đầu tư 2.300 tỷ đồng, quy mô khoảng 1070 ha, nằm sát Quốc lộ 55, thuộc xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân. Đây là khu vực kinh tế trọng điểm phía nam của Bình Thuận, tiếp giáp với tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Khu công nghiệp Sơn Mỹ I được quy hoạch với các chức năng như đất xí nghiệp, nhà máy; khu trung tâm dịch vụ; khu đầu mối hạ tầng kỹ thuật; đất cây xanh và mặt nước. Trong đó, nổi bật là hai Nhà máy điện khí Sơn Mỹ I, Sơn Mỹ II được xây dựng trên diện tích ước tính 200 ha với tổng công suất 4.500 MW; Kho cảng khí LNG khoảng 100 ha, hơn 430 ha đất dành cho các nhà máy, xí nghiệp.

Khu công nghiệp Sơn Mỹ I kỳ vọng thu hút đầu tư - 1

Phối cảnh Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1. (Ảnh: IPICO)

Khu công nghiệp Sơn Mỹ I còn có hơn 30% diện tích đất dành cho các công trình hạ tầng kỹ thuật, khu vực cây xanh, mặt nước cũng như văn phòng điều hành, các công trình tiện ích, dịch vụ phục vụ hoạt động khu công nghiệp và đời sống của người lao động.

Ông Lê Quang Hiếu, Phó Chủ tịch IPICO cho biết thêm, Khu công nghiệp Sơn Mỹ I nằm trong nhóm những khu công nghiệp có quy mô lớn, không những trong địa bàn tỉnh Bình Thuận mà còn trên cả nước. Với định hướng phát triển theo mô hình khu công nghiệp thông minh, sinh thái tuần hoàn và thân thiện với môi trường, với cốt lõi là trung tâm năng lượng bền vững, khu công nghiệp Sơn Mỹ I sẽ ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, để giảm phát thải carbon và khí gây hiệu ứng nhà kính.

Ngoài ra, Khu công nghiệp Sơn Mỹ I cũng có vị trí thuận lợi để phát triển hệ thống cảng biển tổng hợp nhằm phục vụ nhu cầu xuất, nhập hàng hóa và nông sản trong vùng. Khi hoàn thành, Khu công nghiệp Sơn Mỹ I kết hợp với cảng biển Sơn Mỹ sẽ có vai trò chiến lược mang tầm quốc tế và sẽ trở thành ngành kinh tế chủ lực mới không những của Bình Thuận mà còn của cả Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam Trung Bộ. Dự kiến, Khu công nghiệp Sơn Mỹ I sẽ hoàn thành việc xây dựng toàn bộ hạ tầng vào năm 2025.

Thúc đẩy kinh tế

Việc hình thành Khu công nghiệp Sơn Mỹ I trên vùng đất nông nghiệp bạc màu, giá trị sản xuất nông nghiệp thấp sẽ tác động tích cực đến chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong vùng dự án. Cũng từ đó mở ra cơ hội thu hút đầu tư phát triển công nghiệp phía Nam của tỉnh Bình Thuận, chung sức cùng toàn ngành khẳng định là 1 trong 3 trụ cột kinh tế và là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bình Thuận.

Khu công nghiệp Sơn Mỹ I kỳ vọng thu hút đầu tư - 2

Lễ khởi công Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1. (Ảnh: Anh Nguyên)

Anh Lê Thành Được (xóm 3, thôn 2, xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân) từng có gần chục năm làm công nhân ở Bình Dương. Sau đợt dịch Covid-19, anh đưa gia đình về quê và lựa chọn nơi làm việc gần nhà. Việc khởi công Khu công nghiệp Sơn Mỹ I được anh đón nhận với tâm lý hồ hởi vì sắp tới sẽ có nhiều doanh nghiệp về đây mở xưởng sản xuất, đặt nhà máy. Khi đó, cơ hội lựa chọn việc làm cho anh sẽ rất lớn.

"Làm ở gần nhà, dù mức thu nhập chỉ 5-7 triệu/tháng nhưng đổi lại, người lao động bớt được chi phí đi lại, nhà trọ, ăn uống ngoài gia đình, có nhiều thời gian hơn để chăm sóc con cái. Sức ép với các doanh nghiệp về xây dựng cơ sở vật chất như chỗ ở nội trú, cơ sở hạ tầng phúc lợi xã hội quanh các khu công nghiệp cũng giảm đi, người lao động có điều kiện gắn bó lâu dài hơn với doanh nghiệp. Tôi mong ngóng từng ngày để Khu công nghiệp Sơn Mỹ I đi vào hoạt động", anh Được nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong nhấn mạnh, Khu công nghiệp Sơn Mỹ I là một trong chín khu công nghiệp được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch trên địa bàn tỉnh. Việc triển khai đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp để đưa vào thu hút các dự án thứ cấp đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghiệp sẽ góp phần phát triển ngành công nghiệp tỉnh nhà, khai thác tiềm năng lợi thế của tỉnh; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp xây dựng trong GRDP, tạo động lực phát triển khu vực phía Nam của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cam kết sẽ chỉ đạo Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, các cơ quan có liên quan, phối hợp với các Bộ, ngành trung ương thực hiện các thủ tục đầu tư chặt chẽ theo đúng quy định pháp luật; đầu tư dự án đảm bảo tiến độ và chất lượng. Đồng thời xúc tiến thu hút đầu tư các dự án thứ cấp vào khu công nghiệp ngay sau khi hoành chỉnh hạ tầng khu công nghiệp, sớm đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội, giải quyết việc làm và tăng thu ngân sách cho Bình Thuận.