Không loại trừ tiền ngân hàng cũng đổ vào “tín dụng đen” | Báo Dân trí

Không loại trừ tiền ngân hàng cũng đổ vào “tín dụng đen”

Đó là khẳng định của Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp của QH, ĐBQH Đỗ Văn Đương, khi trao đổi với PV hôm qua (24/10). Ông Đỗ Văn Đương cũng khẳng định: “Trường hợp ông Trần Xuân Giá là một ví dụ” của hiện tượng này.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Dương.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Dương.
 
Trao đổi với PV, ông Đương khẳng định: Trong phiên chất vấn tới đây, tôi sẽ đề nghị khởi tố vụ án hình sự đối với hành vi tạm nhập tái xuất xăng dầu. Tạm nhập tái xuất xăng dầu đang là vấn đề bức xúc của cử tri. Vấn đề cụ thể thế nào cần được Bộ Công Thương báo cáo rõ.

 

Theo tôi được biết, tất cả các vụ DN lợi dụng tạm nhập rất nhiều nhưng tái xuất chỉ là ví dụ. Như vậy là buôn lậu, là trốn thuế, từ 10-12%, gây thiệt hại rất lớn cho kinh tế đất nước. Nhất là tình hình hiện nay khi giá cả xăng dầu liên tục tăng mà chỉ giảm khi kỳ họp QH diễn ra. Những hành vi tội phạm như vậy cần phải được khởi tố hình sự để qua đó có thể chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về xăng dầu.

 

Hải quan vừa rồi đã phát hiện ra vi phạm. Tuy nhiên, vấn đề là vụ việc được “cất trong tủ” hay đưa ra để cơ quan chức năng xem xét, xử lý, để thu hồi lại số tài sản bị mất mát, để dẹp bỏ hoàn toàn tình trạng có tính chất buôn lậu đó.

 

Hai năm gần đây, tiền đổ vào “tín dụng đen” rất nhiều, phải chăng vì dân không còn kênh đầu tư nào khác?

 

- Khi BĐS sôi động, người dân đổ vào BĐS. Vàng lên, đổ vào vàng. Thị trường chứng khoán một thời cũng là một kênh hiệu quả. Nhưng bây giờ dân thiếu kênh đầu tư hiệu quả do đồng tiền không sinh lời từ sản xuất. Vấn đề kênh đầu tư ngày càng ít đi khi hầu hết các thị trường giờ đang ảm đạm là một nguyên nhân bùng phát tín dụng đen.

 

Chúng ta đã hình dung ra quy mô của thị trường “tín dụng đen” và sự đổ vỡ của nó chưa, thưa ông?

 

- Hiện trong báo cáo, vấn đề này còn rất mờ nhạt. Có lẽ cần có cuộc tổng rà soát ở tất cả các địa phương xem có bao nhiêu vụ đổ vỡ, làm thiệt hại bao nhiêu ngàn tỉ đồng.

 

Câu hỏi cũng cần trả lời là nguồn tiền đổ vào tín dụng đen từ đâu, từ cơ quan nhà nước, từ ngân hàng tuồn vào, hay tiền của người dân và tiền của dân cũng cần xem đó có phải là tiền vay ngân hàng hay không. Không ngoại trừ tiền từ ngân hàng cũng đổ vào tín dụng đen. Tôi nghĩ như thế.

 

Bởi vì trường hợp ông Trần Xuân Giá là một ví dụ. Nhà nước khống chế lãi suất trần là 10% tại sao anh lại nâng ra bên ngoài đến hơn 20% như thế. Đây cũng là một hình thức tín dụng đen.

 

Anh đã làm trái quy định của Nhà nước để có một khoản chênh lệch rất lớn đó để hưởng lợi và gây ra thiệt hại 719 tỉ đồng.

 

Vấn đề tội phạm ngân hàng hiện ra sao, thưa ông?

 

- Tội phạm ngân hàng có mấy hành vi. Một là lừa đảo, hai là cố ý làm trái và ba là kinh doanh trái phép. Kinh doanh trái phép tức là quy định lãi suất chỉ được thế này nhưng thực tế anh có một mức lãi suất khác. Hoặc nâng khống vốn điều lệ để gây lòng tin cho người dân gửi vào rồi sau đó mất thanh toán.

 

Thứ hai, hoạt động chính của anh là ngân hàng nhưng anh lại tham gia nhiều các hoạt động khác, dẫn tới nguồn vốn ngân hàng không được tập trung cho vay để sản xuất kinh doanh mà đổ sang chứng khoán, sang bóng đá, sang các ngành khác gây rủi ro cao. Tức là không có cơ sở vững chắc để làm đồng tiền tái sinh đúng với giá trị của nó. Vụ này các cơ quan pháp luật đang điều tra.

 

Uỷ ban Tư pháp có quyền giám sát và nếu như kiến nghị của cử tri đề nghị làm rõ thì chúng tôi có quyền yêu cầu giám sát, báo cáo. Có thể trong phiên chất vấn tới đây, tôi sẽ chất vấn thống đốc về nợ xấu và tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng.

 

Theo Đào Tuấn

Lao động