“Không được để tình trạng Bộ trưởng không biết và không xử lý”
(Dân trí) - Chỉ đạo tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Thủ tướng nêu rõ, các Bộ trưởng, “tư lệnh ngành” là người chịu trách nhiệm toàn diện, cao nhất, cuối cùng về tất cả các lĩnh vực phụ trách. Không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không được để tình trạng Bộ trưởng không biết và không xử lý những vấn đề mới phát sinh, bức xúc mà báo chí nêu.
Trong 2 ngày từ 1-2/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2016. Đây là phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
Thông tin về cuộc họp này, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trước khi vào phiên họp, Thủ tướng đã quán triệt một số định hướng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của Chính phủ.
Trước tiên, Chính phủ thống nhất phương thức lãnh đạo, chỉ đạo theo quan điểm quyết tâm xây dựng “Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp”, chuyển từ quản lý sang phục vụ người dân và doanh nghiệp.
“Một Chính phủ kiến tạo là dựa trên nền tảng thể chế, thượng tôn pháp luật, từ đó Chính phủ tập trung xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, lấy nền tảng là người dân và doanh nghiệp để phát triển kinh tế-xã hội”, ông Dũng cắt nghĩa.
Như vậy, tinh thần của Thủ tướng và Chính phủ là phấn đấu xây dựng Chính phủ trong sạch, vững mạnh, không để xảy ra tham ô, tiêu cực, không để gây mất niềm tin trong nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân, hành động quyết liệt, nói đi đôi với làm, và yêu cầu thành lập ngay tổ công tác theo dõi thực hiện kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng.
Đến tháng 10/2016, các bộ, ngành phải hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng bộ, ngành. Cùng với đó, các Bộ trưởng, trưởng ngành khẩn trương ban hành quy chế làm việc của bộ, ngành mình, trong đó, cần phải chỉ rõ quy trình, thời gian xử lý công việc, văn bản, trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân.
Theo đó, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử, trước hết là phổ cập hệ thống xử lý văn bản tại các bộ, ngành.
“Không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; phải minh bạch quy chế xử lý văn bản trên môi trường mạng”, Thủ tướng yêu cầu. Đồng thời, Thủ tướng chỉ rõ các Bộ trưởng, “tư lệnh ngành” là người chịu trách nhiệm toàn diện, cao nhất, cuối cùng về tất cả các lĩnh vực phụ trách.
“Bộ trưởng phải sâu sát, thường xuyên nắm thông tin, chủ động thông tin, nhất là qua báo chí. Có thông tin là chủ động xử lý, không được để tình trạng Bộ trưởng không biết và không xử lý những vấn đề mới phát sinh, bức xúc mà báo chí nêu”, ông Mai Tiến Dũng truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng.
Bên cạnh đó, nhấn mạnh vai trò của công tác cán bộ, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trực tiếp về lĩnh vực này; phải phân công đúng người đúng việc, một việc phân công một người, một đơn vị. Từ đó, rà soát chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp lại, tinh gọn tổ chức bộ máy theo đúng tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.
“Chính phủ, từng thành viên Chính phủ phải đi đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả ngân sách nhà nước, tài sản công, nhất là xe công, trụ sở, hội họp, đi công tác”, Thủ tướng yêu cầu.
Bích Diệp