Không đồng nhất Kinh tế Nhà nước với doanh nghiệp Nhà nước
(Dân trí) - Theo Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp, tên gọi “kinh tế nhà nước” là một khái niệm rộng, chứ không đồng nhất kinh tế nhà nước với doanh nghiệp nhà nước.
Sáng nay 5/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tập trung về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau nổi lên; Dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).
Đại biểu Quốc hội trao đổi bên hành lang cuộc họp (ảnh: Việt Hưng).
Báo cáo với Quốc hội về tổng hợp ý kiến thảo luận tại Tổ và giải trình về những vấn đề có ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận tại Tổ, Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý cho biết: Đa số ý kiến tán thành với quy định về thành phần kinh tế trong Dự thảo nhưng đề nghị phân biệt rõ giữa “kinh tế nhà nước” và “doanh nghiệp nhà nước”. Ý kiến khác băn khoăn về quy định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” vì mâu thuẫn với quy định tại khoản 2 “các thành phần kinh tế bình đẳng”. Có ý kiến đề nghị bổ sung vào Dự thảo Hiến pháp quy định về các thành phần kinh tế cụ thể.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
|
Bên cạnh những nội dung đã được thể hiện trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội tại phiên họp trước, Ủy ban Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp (DTSĐHP) nhận thấy, việc khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước nhằm thể hiện bản chất chế độ kinh tế của Nhà nước ta, thể hiển rõ định hướng xã hội chủ nghĩa và vai trò của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường ở nước ta. Hơn nữa, “kinh tế nhà nước” là một khái niệm rộng, chứ không đồng nhất kinh tế nhà nước với doanh nghiệp nhà nước. Việc quy định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” không mâu thuẫn với nguyên tắc bình đẳng và cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế.
Đối với đề nghị bổ sung các thành phần kinh tế cụ thể khác trong Hiến pháp, như đã thể hiện trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội tại phiên họp trước, Ủy ban DTSĐHP nhận thấy, nếu liệt kê cụ thể các thành phần kinh tế sẽ không bảo đảm tính khái quát của Hiến pháp. Vì vậy, Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về các thành phần kinh tế như Dự thảo.
Đề cập tới vấn đề ổn định giá trị đồng tiền quốc gia, Trưởng ban biên tập Phan Trung Lý cho biết, có ý kiến đề nghị bỏ quy định Nhà nước bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền quốc gia. Tuy nhiên, Ủy ban DTSĐHP nhận thấy, việc quy định trách nhiệm bảo đảm sự ổn định của giá trị đồng tiền quốc gia của Nhà nước là phù hợp nhằm tạo cơ sở hiến định cho luật chuyên ngành quy định cụ thể các công cụ, giải pháp để Nhà nước điều hành thị trường tiền tệ. Do đó, Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về ổn định giá trị đồng tiền quốc gia như Dự thảo.
Với chính sách khuyến khích đầu tư, có ý kiến đề nghị bổ sung từ “doanh nhân” vào khoản 3 để ghi nhận vai trò và trách nhiệm của doanh nhân trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Theo đánh giá của Ủy ban DTSĐHP, trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì doanh nghiệp, doanh nhân có vai trò rất quan trọng. Do đó, tiếp thu ý kiến này của đại biểu Quốc hội, xin thể hiện lại khoản 3 Điều 51 như sau: “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân và các tổ chức, cá nhân khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa”.
Còn với sở hữu đất đai (Điều 53), đa số ý kiến tán thành quy định về sở hữu đất đai như Dự thảo. Có ý kiến đề nghị quy định đa sở hữu về đất đai hoặc có sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể về đất đai.