1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Không để "sốt giá" đường

Ngày 3/1/2006, giá bán sỉ đường ở chợ Trần Chánh Chiếu TPHCM đã giảm nhẹ, từ 200-300 đồng/kg sau khi đường RE Thái Lan nhập khẩu lậu đổ về chợ và có tin các doanh nghiệp sẽ nhập đường RE về bán.

Theo một số chủ sạp ở chợ Trần Chánh Chiếu, giá bán sỉ đường RE ngày 3/1/2006 ở mức 11.500-11.800 đồng/kg, giảm chút ít so với 2 ngày cuối năm 2005 do đường trắng Thái Lan về chợ tăng mạnh, gấp đôi những ngày đầu tháng 12. Giá đường giảm nhẹ nhưng vẫn còn ở mức cao kỷ lục trong vòng 10 năm qua.

Ngày 3/1/2006, giá bán lẻ đường RE ở TPHCM và các tỉnh ĐBSCL cũng dịu đi, còn 12-13.000 đồng/kg nhưng vẫn cao gấp đôi so cùng kỳ năm ngoái.Giá đường thế giới tuần cuối của năm 2005 vẫn tiếp tục tăng nhanh lên mức kỷ lục mới do các nguồn tin dự báo sản lượng đường của Brazil, nước xuất khẩu đường lớn nhất thế giới và của Thái Lan giảm mạnh làm cho lượng cung đường trên thế giới vụ 2005 - 2006 sẽ bị thiếu hụt hơn 3 triệu tấn so với nhu cầu tiêu thụ.

Tại Bangkok, giá đường trắng RE tăng 10% trong 2 tuần cuối tháng 12/2005, đạt mức 410 USD/tấn vào ngày 30/12/2005. Tuy nhiên, nếu nhập khẩu đường RE chính ngạch vào Việt Nam vẫn có lãi.

Với giá đường mua ở Bangkok là 410 USD/tấn thì giá thành nhập khẩu vào Việt Nam đã tính cả thuế nhập khẩu và các chi phí sẽ lên tới 9.500 đồng/kg. So với giá các nhà máy đang giao cho các đại lý, các công ty nếu nhập khẩu đường RE Thái Lan sẽ lãi 1.500 đồng/kg.

Theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang và Trạm kiểm soát liên hợp sát biên giới Cămpuchia, trong 2 tuần cuối tháng 12, lượng đường RE Thái nhập khẩu qua cửa khẩu của Long An và Tây Ninh có thể lên tới 20-30 tấn/ngày. Giá đường tăng kỷ lục đã tạo ra cuộc cạnh tranh không lành mạnh.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng thống nhất các nhà máy chỉ được bán đường với giá 9.000 đồng/kg và phải bán hết hàng trong kho, không được găm giữ để tăng giá. Hiện một số nhà máy đã "phá rào", giao đường RE cho các đại lý với giá 11.000-11.200 đồng/kg.

Theo Hoàng Lộc
VnEconomy