Đề xuất thành lập Ủy ban Quản lý, giám sát DNNN:
“Không bao giờ giải quyết được tận cùng xung đột lợi ích tại DNNN”
(Dân trí) - Đề xuất thành lập một Ủy ban để quản lý, giám sát DNNN mặc dù nhận được nhiều đánh giá tích cực, tuy vậy khó có tính khả thi. Ý tưởng này chỉ có thể thực hiện sau khi thực hiện cổ phần hóa, sáp nhập để thu gọn số lượng.
20 năm chờ đợi
Đề án “Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN)” được trình ra tại phiên họp Chính phủ tháng 8 vừa rồi, sau khi được các thành viên Chính phủ bàn bạc thảo luận, đề án cũng đã nhận được nhiều ý kiến góp ý trái chiều từ các chuyên gia kinh tế.
Cụ thể, đề án có 2 phương án về mô hình quản lý DNNN. Tại phương án thứ nhất, Chính phủ thành lập Ủy ban Quản lý, giám sát DNNN làm đầu mối thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước quan trọng, bao gồm cả Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Còn nếu chọn phương án thứ hai thì bộ quản lý ngành thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các DNNN sản xuất, cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích trực thuộc.
Được biết, Bộ Kế hoạch Đầu tư nghiêng về phương án thứ nhất do sẽ giúp khắc phục được những hạn chế của việc chưa tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trên thực tế, chủ trương xóa bỏ cơ chế “bộ chủ quản” đối với DNNN không phải đến bây giờ mới được đề xuất mà đã được chờ đợi hàng chục năm. Ông Bùi Văn Dũng, Trưởng ban Cải cách doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) từng cho biết, “Chúng ta đã có gần 20 năm đề ra chủ trương xóa bỏ chế độ ‘bộ chủ quản’ của cơ quan hành chính đối với DNNN”.Và trong những lần đề xuất trước đó của CIEM, việc lập một ủy ban để quản lý, giám sát toàn diện DNNN cũng đã được đưa ra.
Thậm chí từ trước đó, từ Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986, Tổng Bí thư Trường Chinh đã đề nghị “Đổi mới hệ thống chính trị, kiện toàn bộ máy trước hết phải tách chức năng quản lý hành chính nhà nước các cấp ra khỏi chức năng quản lý sản xuất kinh doanh”.
Cơ chế “bộ chủ quản” áp dụng từ thời kỳ trước năm 1995, các bộ, UBND là cơ quan hành chính chủ quản nhưng đồng thời thực hiện tất cả các chức năng quyền sở hữu đối với các DNNN. Mô hình này dẫn đến cơ chế xin - cho, tạo nên sự nhập nhằng trong hành xử của các cơ quan quản lý với DNNN, khiến sân chơi giữa các DNNN và các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác trở nên không bình đẳng.
Chưa nhận được đồng thuận
Với phương án thứ nhất được đưa ra tại đề án, hầu hết bên góp ý kiến đều cho rằng, ý tưởng cần được ghi nhận và cho thấy bước tiến trong quá trình cải cách DNNN ở Việt Nam.
Tuy nhiên, như ông Bùi Văn Dũng từng nói, cải cách thể chế quản lý của chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn đầu tư tại các doanh nghiệp là lĩnh vực cải cách “nhạy cảm”, khó khăn nhất của quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường.
Việc cho phép các DNNN tự chủ đã tạo ra những hệ quả nghiêm trọng do sai phạm của người đứng đầu doanh nghiệp, một lần nữa lại phải trả DNNN về Bộ chủ quản.
Trao đổi với PV Dân trí, TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý Kinh tế trung ương cho biết, đến nay, đề án này vẫn đang còn nhiều tranh cãi và chưa chốt được phương án.
“Vẫn còn nhiều tranh cãi lắm. Tuy nhiên, tôi phải nhấn mạnh rằng, với DNNN không bao giờ giải quyết được đến tận cùng vấn đề xung đột lợi ích và nguyên lý “Principal agent” (người đại diện vốn chủ sở hữu). Nên chỉ có thể hạn chế bớt những vấn đề như rủi ro đạo đức, xung đột lợi ích, những vấn đề của người đại diện… mà thôi” – TS Thành nói.
Theo ông, muốn giảm thiểu được thì phải thiết lập được rõ ràng về quyền năng, về cơ chế minh bạch, về giám sát – đó là những nguyên lý cơ bản.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh góp ý, nếu thành lập Ủy ban này thì việc bổ nhiệm người đứng đầu thì phải công khai, minh bạch, có tiêu chí rõ ràng, có thời hạn đảm nhiệm, có hợp đồng, “chứ không phải bổ nhiệm hết ông này sang ông kia, rồi thất thoát vốn, vi phạm thì cũng lại không đi đâu về đâu cả”.
Mặc dù đánh giá việc tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu, về nguyên tắc là đúng nhưng Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng lưu ý, cần cẩn trọng, không nên quá vội vàng. Bài học nhãn tiền là mô hình quản lý tập trung vốn nhà nước tại doanh nghiệp của Tổng công ty quản lý kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) không đạt được hiệu quả và sau đó lại phải tách ra trả về cho các bộ, ngành, địa phương.
Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề trước hết là sắp xếp lại cho khối DNNN trở nên gọn gàng hơn thông qua đẩy mạnh sáp nhập, cổ phần hóa.
Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, từ 12.000 DNNN, đến nay số lượng đã được rút gọn lại còn 1.200 doanh nghiệp và dự kiến sẽ chỉ còn 600 rồi 300 DNNN. “Bản thân đó đã là quá trình thoát chủ quản rất nhẹ nhàng. DNNN còn ít thì lúc đó ta tính tập trung đầu mối quản lý cũng được”.
TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, “Theo tôi, điều cần làm hiện nay là phải thực hiện cổ phần hóa và giảm số lượng DNNN, phải tăng cường cải cách SCIC để quản lý vốn một cách có hiệu quả. Trên cơ sở đó, tập trung quản lý nhà nước, tách quản lý nhà nước và chủ thể sở hữu vốn nhà nước”.
Tuy vậy, cổ phần hóa cũng là một nội dung trong cải cách DNNN, dù thu hẹp vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp nhưng vẫn có vấn đề đại diện, vẫn không thể triệt tiêu “Principal agent” – theo TS Võ Trí Thành.
Tại phiên họp Chính phủ vừa rồi, chính Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng nhìn nhận, phương án thành lập một cơ quan làm đầu mối thực hiện chức năng đại diện đối với toàn bộ khu vực DNNN là không khả thi do quá tải nghiêm trọng trong quản lý. Và phương án này chỉ có thể thực hiện khi số lượng DNNN giảm đến mức tối thiểu.
Như vậy, mong muốn tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu, loại bỏ cơ chế “bộ chủ quản” đối với DNNN nhiều khả năng vẫn phải chờ một thời gian dài mới đi vào thực tiễn.
Bích Diệp