1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Khốn khổ vì mua đất Ba Vì "đón đầu" quy hoạch

Gần 7 năm sau cơn sốt đất khu vực Ba Vì, nhiều người rót tiền vào đất nền để 'đón đầu' quy hoạch giờ vỡ mộng khi giá rớt, muốn bán rẻ cũng không có người mua.


Cơn sốt đất Ba Vì đã đi qua để lại những nhà đầu cơ chết dở sống dở. Ảnh minh họa

Cơn sốt đất Ba Vì đã đi qua để lại những nhà đầu cơ 'chết dở sống dở'. Ảnh minh họa

Năm 2011, sau khi công bố quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, trung tâm hành chính - chính trị quốc gia vẫn đặt tại Ba Đình. Điều này khiến không ít nhà đầu tư bán tháo đất tại trục Hoà Lạc - Ba Vì. Giá đất tại khu vực này bỗng chững lại, nhiều người ôm đất ở Yên Bài, Tản Lĩnh (Ba Vì) mua đất chờ tăng giá nay lâm vào cảnh bán tháo nhưng không ai mua.

Năm 2010, gia đình chị Phương Linh (Ba Đình, Hà Nội) cũng dồn 1 tỷ đồng mua hơn 500m2 đất tại Tản Lĩnh (Ba Vì, Hà Nội). Ngay cuối năm, có người trả 1,5 tỷ đồng nhưng chị không bán vì chờ ... giá sẽ lên nữa sau khi trung tâm hành chính về đây. Tuy nhiên sau đó, giá đất ở đây lao dốc khiến gia đình chị buộc phải rao bán mảnh đất để 'cắt lỗ'.

Chị Linh cho biết, gia đình chị đã rao bán suốt từ đó đến nay không bán được. Cũng có một vài người gọi điện hỏi mua nhưng sau đó họ lại chê vì đường xá đi lại không thuận lợi.

'Mảnh đất hơn 500m2 để không từ đó đến nay. Trước đây thỉnh thoảng gia đình chạy lên thăm nom nhưng xa quá nên giờ đành thuê người dân ở đó dù tốn kém', chị Linh buồn bã nói. Cũng theo chị Linh, nhiều lần vợ chồng cãi vã cũng chỉ vì mảnh đất này.

Cũng rơi vào cảnh 'dở khóc' khi ôm đất đón quy hoạch, ông Nguyễn Bằng (Thanh Xuân, Hà Nội) bỏ ra gần 1 tỷ chung vốn với mấy người hàng xóm mua hơn 1ha đất tại khu vực Ba Vì. Ông Bằng dự định sẽ 'tách thửa' để bán bởi ông toan tính chỉ vài năm nữa trên này sẽ phát triển.

Tuy nhiên, sau đó giá đất rớt thảm hại, nhiều người hùn vốn với ông gây sức ép yêu cầu bán tháo mảnh đất nhưng cũng không thể bán nổi. Cũng vì quá lo lắng về tài chính và chuyện gia đình, ông Bằng bị tai biến và nằm bệt hơn 1 năm nay.

Đại diện UBND xã Yên Bài cho rằng, tình hình mua bán đất trên địa bàn xã ảm đạm từ sau công bố quy hoạch Thủ đô. Ngoài Hà Nội vẫn có người xuống xã tìm hiểu xác minh những lô đất định mua nhưng mua bán chuyển nhượng rất ít và những người mua đa số về làm nông trang cho gia đình nghỉ cuối tuần chứ không có hoạt động mua bán sôi động như trước kia.

Cũng theo dọc trục đường Láng Hoà Lạc, nhiều người ôm đất đang khổ sở lúc mua 'đón quy hoạch' thì sổ đỏ vẫn thuộc Hoà Bình và cho đến bây giờ chưa sang tên được sổ đỏ và bán không ai mua tại xã Đông Xuân (Quốc Oai), Tiến Xuân (Thạch Thất...

Không chỉ người dân mắc cạn vì ôm đất chờ quy hoạch, nhiều doanh nghiệp cũng thất bại khi đầu tư khu đô thị trên này.

Nằm ngay tại thôn Lập Thạch (Đông Xuân, Quốc Oai), Ban Quản lý dự án Tiến Xuân của Cty CP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) như một ngôi nhà hoang khi không có một bóng người. Toàn bộ dự án khu đô thị có quy mô 1.400 ha bao gồm cả 2 xã Đông Xuân, Tiến Xuân chỉ nằm trên giấy.

Một lãnh đạo Sudico cho rằng: “Dự án Khu đô thị Tiến Xuân có từ năm 2007 và doanh nghiệp rót hàng trăm tỷ đồng ở đó nên dừng lại không được và triển khai cũng không xong vì phải chờ điều chỉnh quy hoạch”.

Theo Ngọc Mai
Tiền Phong