1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Khó xẩy ra biến động tỷ giá

Giá USD tăng trên 16.000 VND. Nhiều ngân hàng cũng vừa đồng loạt tăng lãi suất USD… Nhưng, sẽ rất khó xẩy ra tình trạng khan hiếm nguồn cung, dẫn đến biến động tỷ giá.

Theo tỷ giá niêm yết của các website thương mại điện tử, tỷ giá VND/USD hiện đã lên đến 16.020 VND. Tỷ giá trên thị trường tự do chiều nay (7/7) cũng đã lên 16.030 VND.

 

Tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại cũng đang tiếp cận mốc 16.000 VND chỉ với khoảng cách vẻn vẹn 4 VND.

 

Như vậy, rất có thể chỉ trong thời gian ngắn, tỷ giá của các ngân hàng thương mại sẽ chạm mức 16.000 VND lần thứ hai trong lịch sử, sau đợt “sốt” diễn ra đầu tháng 5 vừa qua.

 

Tác động từ nhiều phía

 

Trong những ngày gần đây, giá đồng USD liên tục giảm so với một số đồng tiền chủ chốt trên thế giới. Nhưng ở thị trường trong nước, giá USD vẫn liên tục tăng. Duy nhất trong tháng 6 vừa qua, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giá USD giảm 0,3% (điều chưa từng xẩy ra trong vòng 2 năm qua).

 

Thứ nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa tăng lãi suất đồng USD lần thứ 17 liên tiếp lên 5,25%/năm. Các ngân hàng trong nước cũng lần lượt tăng lãi suất USD theo (chủ yếu là tăng trước đón đầu).

 

Lãi suất tăng, tâm lý USD hấp dẫn đang thu hút nhiều người dân. Hiện mức lãi suất huy động cao nhất là 5%/năm, kỳ hạn 12 tháng; nhưng nếu cộng các mức lãi thưởng đối với những khoản tiền gửi lớn thì có thể lên gần 5,1-5,2%/năm.

 

Thứ hai là do nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu của doanh nghiệp tăng mạnh và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới. Mức tăng kim ngạch nhập khẩu đã trải khá đều trong 3 tháng gần đây: 4 tháng đầu năm tăng 8,8%, 5 tháng đầu năm tăng 13,7% và 6 tháng đầu năm tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Thứ ba, mặt bằng giá cả trên thị trường thế giới và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) (6 tháng tăng 4%) dễ gây tâm lý đồng Việt Nam mất giá.

 

Và trong những năm gần đây, CPI đã liên tục tăng cao, trong khi tỷ giá lại liên tục ổn định. “Giải phóng” dần bằng một tỷ giá cao hơn là yêu cầu để tránh một cú sốc trong tương lai khi tỷ giá bị nén chặt trong thời gian qua.

 

Nguồn cung ngoại tệ vẫn tăng mạnh

 

Dù USD lên giá, vượt qua mốc nhạy cảm 16.000 VND và có thể lên đến kỷ lục trên 17.000 VND như đầu tháng 5/2006. Nhưng, khan hiếm nguồn cung dẫn tới biến động tỷ giá là một khả năng rất khó xẩy ra.

 

Theo số liệu của Phòng Cán cân thanh toán, Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), nguồn cung ngoại tệ hiện đang ở mức khả quan. Nhu cầu ngoại tệ đã tăng và đang tăng nhưng nguồn cũng vẫn đủ đáp ứng, thậm chí dư cung và đảm bảo dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước ổn định.

 

Trong 6 tháng đầu năm, ước tính cả nền kinh tế vẫn có dư cung ngoại tệ khoảng 2,2 tỷ USD, cao hơn mức dư 2 tỷ USD của quý I/2006 và cao tới gấp 3 lần mức dư khoảng 700 triệu USD của 6 tháng đầu năm 2005.

 

Nguồn cung ngoại tệ tăng khá trước hết là nhờ tăng trưởng xuất khẩu khá vững chắc với mức tăng 26% trong 6 tháng đầu năm; trong đó, một lợi thế nổi bật góp phần tăng nguồn thu ngoại tệ là do giá dầu trên thị trường thế giới tăng mạnh, tạo thuận lợi cho giá xuất khẩu dầu thô của Việt Nam.

 

Nguồn thu ngoại tệ còn được tăng lên từ lãi tiền gửi ở nước ngoài của hệ thống ngân hàng, khi lãi suất trên thị trường quốc tế tăng đều trong thời gian qua.

 

Nguồn kiều hối, theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước là vẫn tiếp tục tăng với tốc độ ổn định cộng với các luồng vốn nước ngoài vào Việt Nam như đầu tư trực tiếp, vay nợ nước ngoài trung dài hạn và ngắn hạn…

 

Đáng chú ý là trong những tháng đầu năm nay, thị trường chứng khoán Việt Nam khá sôi động; trong đó giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài vào chứng khoán do người cư trú Việt Nam phát hành cũng góp phần làm tăng cung ngoại tệ.

 

Ngoài ra, theo nhận định của Phòng Cán cân thanh toán, cầu ngoại tệ cho các mục đích chi dịch vụ, chi thu nhập đầu tư trong thời gian qua vẫn tăng nhưng với tốc độ không nhanh bằng tốc độ tăng của cung ngoại tệ.

 

Từ nay đến cuối năm, dự báo cầu ngoại tệ sẽ tăng mạnh. Và để đạt được mức tăng trưởng kinh tế 8 % như chỉ tiêu Quốc hội đề ra, nhập khẩu vẫn phải tăng trưởng ở mức cao (dự kiến tăng 16,4% và theo đó thặng dư cán cân thương mại sẽ giảm dần, mức tăng cung ngoại tệ có thể chậm lại).

 

Nhưng về tổng quan năm 2006, nền kinh tế vẫn tiếp tục có dư cung ngoại tệ. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, ổn định được tỷ giá.

 

Theo Trịnh Minh Đức

VnEconomy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm