Khó kiểm soát đà tăng giá thực phẩm
Đúng như dự báo từ mấy tháng qua, sự thiếu hụt nguồn cung do người dân giảm đàn gia súc, gia cầm từ các tháng trước khiến hàng loạt mặt hàng thực phẩm tăng giá cuối năm.
Vài tuần gần đây, thịt gà, trứng, thịt heo tăng ít nhất 20 – 25% và dự báo sẽ còn biến động trong thời gian tới.
Doanh nghiệp tham gia bình ổn: đuối sức
Giá trứng gia cầm là mặt hàng tăng nóng nhất. Trong hai tuần đầu tháng 12, trứng gà bán lẻ trên thị trường phía Nam tăng lên mức 2.600 – 2.800 đồng/quả, tăng 20 – 25%. Trứng vịt tăng 400 – 600 đồng lên 3.200 – 3.400 đồng/quả. Ngoài nguyên nhân hụt nguồn cung do nông dân bị lỗ, không tiếp tục nuôi, bà Ba Huân, giám đốc công ty Ba Huân, cho biết: vài tuần nay còn có hiện tượng trứng gia cầm vận chuyển ra phía Bắc số lượng lớn.
Bà Huân giải thích: “Các tỉnh phía Bắc kiểm soát gắt gao hàng lậu, nguồn cung gia cầm lậu giảm trong khi nông dân nuôi không kịp nên hụt hàng, phải lấy trứng gia cầm từ phía Nam ra”.
Giá trứng tăng liên tục khiến những doanh nghiệp bình ổn như Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt trở tay không kịp. Hậu quả là hai doanh nghiệp này buộc phải đề nghị tăng giá ít nhất 13% so với tháng trước và được sở Tài chính chấp thuận.
Cũng trong diện bình ổn giá với trứng gia cầm, giá thịt gà tăng khá mạnh. Dù giá mới được sở Tài chính TP.HCM chấp thuận điều chỉnh tăng 18,5%, giá bán mỗi ký gà tam hoàng trong diện bình ổn vẫn rẻ hơn từ 15 – 18% so với thị trường bên ngoài.
Ông Nguyễn Hồng Sơn (công ty Bình Mình) cho biết: do nguồn cung hiện nay không nhiều nên khó “bình ổn” giá gà. Mỗi ngày cung cấp 20.000 con gà ra thị trường, Bình Minh là một trong ba đầu mối lớn nhất ở phía Nam. Theo ông Sơn, giá gà lông 50.000 đồng/kg như hiện nay bắt đầu mang lại lợi nhuận cho người nuôi sau gần một năm thua lỗ.
Phụ thuộc nguồn hàng từ các đầu mối, hai doanh nghiệp tham gia bình ổn San Hà, Phạm Tôn cho biết, giá gà tăng liên tục khiến họ bị “đuối sức” do không thể kiểm soát giá đầu vào, trong khi giá đầu ra phải bán theo mức được duyệt. Bà Phạm Ngọc Hà, giám đốc công ty San Hà, nói: “Ngọc Hà mua gà lông của C.P với giá 50.000 đồng/kg, cộng các chi phí khác, thì giá thành cao hơn giá bình ổn 3.000 – 4.000 đồng/kg”.
Ông Jirawit, phó tổng giám đốc công ty chăn nuôi C.P, nhận định: tuần tới giá gà tam hoàng có thể tăng do nhu cầu Noel, tết dương lịch. Ông Jirawit nói: “Bình thường nhu cầu thịt gà tam hoàng chiếm 1/3 thị trường so với gà công nghiệp, nhưng dịp lễ có thể là 50/50, nên dự báo tết Nguyên đán tới thị trường phải cần lượng gà tam hoàng rất lớn, trong khi nguồn cung hiện nay có hạn”.
“Giá thành nuôi gà tam hoàng cao hơn gà công nghiệp 30%, thời gian dài hơn 1 – 2 tuần nên những hộ đã bỏ chuồng trước đây nay muốn khôi phục lại cũng không kịp”, ông Hồng Sơn nói thêm.
Điều chỉnh giá hàng bình ổn nếu bất hợp lý
“Mức giá gia cầm đang bán trong các siêu thị Co.opmart cũng là giá đầu vào. Vì thực hiện mục tiêu bình ổn nên chúng tôi bán gia cầm không lãi, thậm chí còn bị lỗ khi thực hiện chiết khấu 2 – 5% cho các thành viên…”, bà Bùi Thị Hạnh Thu, phó tổng giám đốc Saigon Co.op, nói.
Trong nửa đầu tháng 12/2012, lượng thịt gia cầm bán qua hệ thống Co.opmart tăng bình quân 30% so với tháng 11. Cá biệt, có ngày lượng gia cầm bán trong siêu thị Co.opmart tăng đến 50%; nhưng sau khi điều chỉnh giá bán, khách không còn đổ dồn vào siêu thị.
Bà Lê Ngọc Đào, phó giám đốc sở Công thương TP.HCM, cho biết với mức giá hiện tại ngành chăn nuôi vẫn chưa có lãi ở mức hợp lý. Bà Đào nói thêm rằng việc điều chỉnh tăng giá bình ổn không chỉ căn cứ theo giá thị trường bên ngoài mà còn dựa trên cơ cấu giá thành, các chi phí đầu vào như giá thức ăn chăn nuôi, con giống, chi phí vận chuyển, điện, nước… Bà Đào nhấn mạnh: “Nếu giá bán vẫn chưa bù lỗ cho ngành chăn nuôi, sở sẽ tiếp tục xem xét đề nghị điều chỉnh”.
Theo ghi nhận của sở Công thương, hiện tượng người bán lẻ ở chợ vào siêu thị mua gom hàng để mang ra ngoài bán hưởng chênh lệch vẫn có. Bà Đào khẳng định nếu có hiện tượng mua gom ồ ạt thì sở sẽ có biện pháp can thiệp kịp thời.
Theo Hoàng Bảy – Bích Nga
SGTT