1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nợ xấu của ngân hàng:

Khó có thể đánh giá mức độ nợ qua giấy tờ

Chỉ còn chưa đầy 20 ngày nữa là đến thời hạn Ngân hàng Nhà nước phải báo cáo Thủ tướng đề án xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại. Cho đến thời điểm này, vẫn còn quá nhiều ý kiến khác nhau và thật khó có thể hình dung về thực trạng nợ xấu chỉ qua những con số.

"Làm sạch"... không có nghĩa là sạch nợ

 

Ông Vũ Viết Ngoạn, Tổng Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương VN (VCB) cho biết: Tính đến thời điểm 31/12/2000, VCB có số nợ tồn đọng lên tới 5.600 tỉ đồng, trong đó có 4.560 tỉ đồng nợ "trong đề án".

 

Tính đến cuối năm 2005, "nợ trong đề án" đã được VCB xử lý 4.406 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 97%. Đối với nợ tồn đọng ngoài đề án, VCB cũng đã xử lý được 700/1.000 tỉ đồng. Ông Ngoạn cho rằng, về cơ bản, các khoản nợ cũ đã được xử lý xong.

 

Tương tự như vậy, ở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn VN (NN&PTNT), nợ xấu tính đến 31/12/2005 là 3.672,4 tỉ đồng, chiếm 2,3% tổng dư nợ. Đây là khoản nợ vẫn có khả năng thu hồi và chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với quy định.

 

Ông Lê Văn Sở, Tổng Giám đốc ngân hàng này cho biết, số nợ xấu từ năm 2000 trở về trước là trên 8.000 tỉ đồng đã được xử lý toàn bộ, trong đó có tới 3.100 tỉ đồng nợ tồn đọng của chương trình cho vay mía đường.

 

Có thể thấy, để lành mạnh hoá tình hình tài chính, thời gian qua các ngân hàng đã phải áp dụng mọi biện pháp để "làm sạch" bảng cân đối tài chính. Trên giấy tờ, thực trạng nợ nần của các ngân hàng đã được cải thiện đáng kể.

 

Nhưng nhìn vào các nguồn trả nợ, có thể thấy khoản nợ thu hồi được là rất thấp (ví dụ như ngân hàng NN&PTNT chỉ có 164/8.000 tỉ đồng), còn lại ngân hàng và Nhà nước phải "chung lưng đấu cật". Các khoản nợ xấu đã được hạch toán ra ngoại bảng và quá trình thu hồi nợ vẫn còn tiếp tục.

 

Những ý kiến trái ngược

 

Trong quá trình tìm hiểu về nợ xấu của các NHTM, chúng tôi bắt gặp nhiều ý kiến, nhận định khác nhau. VCB cho biết, nợ xấu hiện tại của ngân hàng này tính theo Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN là 2,47% nhưng nếu tính theo chuẩn quốc tế, con số này lên tới 6%.

 

Ở ngân hàng NN&PTNT, nợ xấu tính theo Quyết định 493 là 2,3%, nhưng nếu tính theo chuẩn quốc tế cũng lên đến 6-7%. Ngân hàng Công thương VN (ICB) thì cho rằng, nợ xấu của họ cũng chỉ ở mức 3-4%. Đấy là những con số chính thức, được công bố.

 

Có điều lạ là trong khi hầu như ngân hàng nào cũng cho rằng tỉ lệ nợ xấu trong ngân hàng mình rất thấp, thì hầu hết các ngân hàng cạnh tranh đều không đồng tình. Lãnh đạo của một NHTM quốc doanh lớn đã đưa ra con số khá giật mình về ngân hàng "đối thủ": Nợ quá hạn lên đến 43%.

 

Khi được phỏng vấn, một lãnh đạo khác của ngân hàng "đối thủ" đã thốt lên: "Bậy. Ngân hàng kia mới chính là ngân hàng còn nhiều nợ xấu. Có điều, nợ xấu đã được hạch toán ngoại bảng nên trông bảng cân đối thấy... đẹp!". Chắc chắn, nợ xấu của các ngân hàng hầu như vẫn không thu được bao nhiêu.

 

Tuy nhiên, theo đánh giá của NHNN, tỉ lệ nợ xấu của phần lớn các ngân hàng VN đều ở mức không đáng lo ngại.

 

Các ngân hàng cổ phần lại có một tỉ lệ nợ xấu khá thấp (phần lớn dưới 1%). Thậm chí có ngân hàng vừa thoát khỏi sự kiểm soát đặc biệt của NHNN (Eximbank), tỉ lệ nợ xấu cũng chỉ dưới 3%. VPBank cũng vừa thoát khỏi kiểm soát đặc biệt của NHNN, từ một ngân hàng đứng bên bờ vực phá sản cũng đã "vụt" trở nên khá an toàn với nợ xấu chỉ dưới 0,8%.

 

Thời gian gần đây, tiến trình xử lý nợ xấu của các ngân hàng cổ phần được đánh giá cao hơn khi có làn sóng đầu tư nước ngoài đang đổ vào.

 

Lý giải một phần nguyên nhân khiến các ngân hàng này có tỉ lệ nợ xấu khá thấp, ông Lê Văn Sở cho rằng, vì khi nằm trong tình trạng kiểm soát đặc biệt, các ngân hàng đó không được huy động, không được cho vay mà chỉ lo đòi nợ. Nợ mới không phát sinh, nợ cũ giải quyết dần, vì thế, tỉ lệ nợ xấu của các ngân hàng này khá "đẹp".

 

Còn ông Vũ Viết Ngoạn thừa nhận rằng, dù thế nào cũng thật khó đánh giá đúng mức độ nợ của các ngân hàng hiện nay.

 

Theo Hạnh Phương

Báo Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm