Khi nông dân hùn tiền lập nhà máy

117 nông dân nuôi cá tra, ba sa ở tỉnh An Giang góp vốn thành lập công ty để lo các vấn đề từ đầu vào lẫn đầu ra của quá trình sản xuất cá tra, ba sa mở ra một triển vọng to lớn cho nghề nuôi cá bè ở ĐBSCL.

Trong đợt biến động giá cá tra, cá ba sa nguyên liệu xảy ra hồi đầu tháng 4/2005 cho đến nay, có ít nhất 30% người nuôi cá ở ĐBSCL bị phá sản. Nguyên nhân là do giá cá nguyên liệu đã liên tục giảm dưới giá thành sản xuất làm người nuôi bị thua lỗ nặng.

Hợp lực để phát triển

Trong bối cảnh đó, để chủ động trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của mình, 117 nông dân nuôi cá tra, ba sa của tỉnh An Giang đã hợp lực cùng nhau đóng góp gần 30 tỉ đồng thành lập Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản - AFA, gọi tắt là AFASCO.

Trụ sở của công ty đặt tại Quốc lộ 91, khóm An Hưng, phường Mỹ Thới, TP Long Xuyên (An Giang). Ông Trần Tuấn, Chủ tịch HĐQT của công ty, cho biết: “Mục đích thành lập công ty là để kiểm soát và ổn định đầu vào lẫn đầu ra sản phẩm của người nuôi cá; góp phần tăng mức tiêu thụ cá trên địa bàn tỉnh”.

Ngày 28/7/2003, đơn vị đã được Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh An Giang cấp giấy phép hoạt động. Ngày 1/1/2004, công ty khởi công xây dựng nhà máy chế biến cá tra, ba sa xuất khẩu với công suất ban đầu gần 100 tấn nguyên liệu/ngày.

Ngày 26/5 vừa qua, sau hơn 1 năm tiến hành xây dựng, công ty đã làm lễ khánh thành đưa nhà máy vào hoạt động. Ông Nguyễn Hoàng Kha, Giám đốc Nhà máy Chế biến thủy sản đông lạnh của công ty, cho biết: “Hiện tại chúng tôi đã nhận được nhiều đơn đặt hàng của các nhà nhập khẩu cá tra, ba sa ở một số nước châu Á”.

Như vậy, AFASCO đã chính thức tham gia vào thị trường xuất khẩu cá tra, ba sa. Sự kiện này sẽ mở ra một triển vọng mới cho nghề nuôi cá bè ở ĐBSCL.

Ngay sau khi được thành lập, AFASCO đã dùng chính sách “chiêu hiền đãi sĩ”, tập hợp những kỹ sư, công nhân chế biến có tay nghề cao và lực lượng quản lý có trình độ chuyên môn giỏi. Tất cả đều là con em của những nông dân nuôi cá.

Một cách làm ăn mới

Sự kiện AFASCO đưa nhà máy chế biến cá tra, ba sa đi vào hoạt động đã làm cho nông dân các tỉnh lân cận như Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ cũng “vui lây”. Bởi từ đây, người nuôi cá ở An Giang nói riêng và các tỉnh ĐBSCL nói chung đã có một tổ chức “đáng tin cậy” đại diện cho mình lo đầu vào lẫn đầu ra của con cá.

Cụ thể, người nuôi cá sẽ được công ty cung cấp con giống tốt, thức ăn chất lượng cao; được tư vấn kỹ thuật nuôi để cá chóng lớn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Ngoài ra, người nuôi được ngân hàng cung cấp vốn phục vụ cho sản xuất thông qua việc bảo lãnh của công ty. Về đầu ra, công ty đã tổ chức mở thị trường trong và ngoài nước để tiêu thụ hết đều lượng cá nuôi.

Ông Nguyễn Hoàng Kha cho biết: “Ngoài thị trường nước ngoài, chúng tôi còn chú trọng đến thị trường trong nước bằng các sản phẩm giá trị gia tăng”. Từ cuối năm 2003, công ty đã kết hợp với các đơn vị trong ngành tổ chức khảo sát và mở thị trường ở các tỉnh Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.

Ngay sau nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu ra đời, AFASCO tiến hành ký kết hợp đồng ba bên giữa người nuôi cá với ngân hàng và nhà máy chế biến. Như vậy, nếu ai là thành viên của công ty thì sẽ được hưởng các dịch vụ do công ty cung cấp.

Trong cơ chế thị trường, sự năng động của người nông dân sẽ tạo được giải pháp để giải quyết chính những vấn đề dành cho mình.

Theo Người Lao Động