1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Khi người ta chen chân làm công chức

Hàng năm, có hơn 100.000 người trở thành công chức. Đâu là lý do để người ta chen chân nhau vào các hệ thống công vụ, dù đồng lương cơ bản không thể nuôi nổi bản thân?

Khi thứ trưởng bộ Tài nguyên và môi trường Đặng Hùng Võ chuẩn bị về nghỉ hưu cách đây vài năm, ông nhận được một câu hỏi chung từ nhiều người: “Ông sẽ thành lập doanh nghiệp riêng của mình chứ?”
 
Những người đó có lý do để tin ông Võ sẽ trở thành một chủ doanh nghiệp: ông từng có tài kinh doanh khi ở nước ngoài, và quan trọng hơn, ông có đủ mối quan hệ và ảnh hưởng trong lĩnh vực quan trọng nhất của nền kinh tế là đất đai.
 
Tuy nhiên, ông đã luôn trả lời họ: không bao giờ. Ông giải thích: “Tôi thấy những người làm chủ doanh nghiệp là những người dũng cảm thực sự. Họ chơi một cuộc chơi rất bất công, thiếu minh bạch và trọng tài kém đạo đức. Vì thế, tôi không làm”.
 
“Các doanh nghiệp không còn coi hối hộ là một trong những rào cản kinh doanh nữa. Có nghĩa là nạn tham nhũng trong kinh doanh đã trở nên bình thường và người ta chấp nhận”.
 
Viện phó viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành
Câu chuyện của ông Võ, dù chỉ có tính cá nhân, giúp hình dung một hiện tượng rộng lớn hơn: môi trường kinh doanh ở Việt Nam còn nhiều bất trắc. Ít nhất, câu trả lời của ông Võ, người từng giữ vai trò Thứ trưởng thường trực của một bộ và có hiểu biết sâu sắc về hệ thống công quyền, cho thấy điều đó.
 
Việc doanh nghiệp nhận được công văn xin tiền của công an phường, hay nộp tiền lót tay cho cán bộ thuế, hay “bồi dưỡng” để nhận được khoản vay của ngân hàng quốc doanh, hay chi hoa hồng để nhận được hợp đồng của Chính phủ,… vẫn đang xảy ra hàng ngày. Rõ ràng, tham nhũng đã trở nên hết sức bình thường trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam.
 
Có câu trả lời định lượng cho hiện tượng này. Khoảng một phần ba trong tổng số gần 2.500 doanh nghiệp vừa và nhỏ báo cáo là đã chi hối lộ, theo một nghiên cứu do viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), viện Khoa học lao động và xã hội và đại học Copenhagen công bố cuối tuần trước.
 
Nghiên cứu này phát hiện, chỉ trong năm 2009 có 27% doanh nghiệp chi hối lộ cho các cơ quan thuế, 20% chi hối lộ để có các dịch vụ công và 10% chi nhằm có được điều kiện thuận lợi trong đấu thầu để có hợp đồng của Chính phủ. Các doanh nghiệp này dùng 0,68% và 0,4% tổng doanh thu để chi hối lộ khoảng trong năm 2007 và 2009. Tỷ lệ này gần với con số 0,5% trong một báo cáo của ngân hàng Thế giới công bố năm 2005.
 
Viện phó CIEM Võ Trí Thành bình luận: “Tỷ lệ này là nhỏ nhưng vấn đề là các doanh nghiệp không còn coi hối lộ là một trong những rào cản kinh doanh nữa. Có nghĩa là nạn tham nhũng trong kinh doanh đã trở nên bình thường và người ta chấp nhận nó”.
 
Đó có lẽ là một trong những lý do chính để người ta chen chân nhau vào các hệ thống công vụ, dù lương cơ bản nhận được không thể nuôi nổi bản thân. Hàng năm, có hơn 100.000 người trở thành công chức, theo Bộ Nội vụ.
 
Nguyên phó ban nghiên cứu của Thủ tướng, ông Đặng Đức Đạm nói: “Đó là một nghịch lý. Tiền lương chết đói mà hầu hết công chức đều sống đàng hoàng, đến tuổi mà rất nhiều người không muốn về hưu. Lý do là thu nhập ngoài lương rất lớn”.
 
Câu chuyện này không khó thấy. Ngày càng nhiều công chức nhà nước mua nhà triệu đô, mua xe riêng hàng tỉ đồng, gửi con ra học nước ngoài, mua cho con nhà ở Hà Nội hay TPHCM… Họ không thể biện minh điều đó bằng tiền lương công chức.
 
Ông Vũ Quốc Tuấn, một trong những thư ký của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói rằng, cách đây hơn mười năm ông không thể hình dung hiện tượng cuộc sống vật chất của một bộ phận công chức hơn hẳn phần đông dân chúng lại trở nên phổ biến như ngày nay. Ông nói: “Sống như thế nghĩa là họ có những khoản thu nhập đặc lợi nhiều khi gấp nhiều lần so với lương chính thức”.
 
Vậy các công chức ngành nào có khả năng tham nhũng nhất? Là đại diện cho hiệp hội các làng nghề Việt Nam, ông Tuấn có cách nhìn riêng của mình. Theo ông, họ là các công chức có quyền cấp đất cho doanh nghiệp, phê duyệt dự án đầu tư, có ảnh hưởng với ngân hàng cho doanh nghiệp vay vốn, thuế vụ, xử phạt hành chính trong kinh doanh và có quyền bổ nhiệm, đề bạt…
 
Ông Tuấn nói: “Khi công chức có quyền trong tay thì dẫn đến các dạng tham nhũng. Tình trạng này, nhiều nơi có, nhiều người biết, nhưng do nhiều lý do tế nhị, tôi không thể chỉ đích danh được”.
 
Hàng ngày, ông Võ tham gia giảng dạy, làm tư vấn chính sách và viết báo. Tức là đến nay ông vẫn giữ vững quan điểm không mở doanh nghiệp khi nghỉ hưu cách đây vài năm. Cùng thời gian đó, đã có hàng trăm ngàn doanh nghiệp tư nhân ra đời, nâng tổng số lên 550.000 cuối năm 2010. Ông vẫn không thôi ca ngợi những chủ doanh nghiệp này là những người hùng mà ông không đủ dũng cảm noi theo.
 
Theo Tư Giang
SGTT