1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Khát vọng công nghệ cao “Made by Vietnam” của những người bỏ việc tập đoàn lớn nước ngoài đầu quân cho Viettel

(Dân trí) - Điểm chung của những người từng làm cho công ty nước ngoài về làm việc cho Viettel là khát vọng phục vụ Tổ quốc. Trong tâm khảm họ luôn đau đáu với câu hỏi: “Tại sao người Việt có trí tuệ, khả năng, được đánh giá xuất sắc ở các công ty nước ngoài mà lại không thể cùng nhau tạo ra những sản phẩm công nghệ cao ‘Made by Vietnam’ mà chỉ là ‘Made in Vietnam’?”.

Khi đàn chim trở về

Chị Đỗ Thị Ngọc Tuyền và chồng, anh Nguyễn Minh Tùng từng làm việc tại Công ty AMCC chuyên sản xuất chipset của Mỹ. Được làm trong lĩnh vực yêu thích, công việc ổn định, thu nhập tốt, cuộc sống của vợ chồng chị Tuyền được xem là đáng mơ ước với nhiều người. Nhưng, một cuộc gặp “định mệnh” với một lãnh đạo tập đoàn Viettel, đã khiến cặp kỹ sư này “rẽ ngang”.

Chị Tuyền kể lại rằng khi được một người bạn đặt vấn đề về Viettel làm việc, vợ chồng anh chị chưa cảm thấy thuyết phục. Người bạn liền sắp xếp cuộc gặp với một lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn này. “Anh ấy đơn giản hỏi về công việc của vợ chồng tôi tại AMCC. Điều bất ngờ là chúng tôi đều không thể trả lời trôi chảy về công việc đang làm, thậm chí, tôi còn trả lời sai”, chị Tuyền kể.

Khát vọng công nghệ cao “Made by Vietnam” của những người bỏ việc tập đoàn lớn nước ngoài đầu quân cho Viettel - 1

Cuộc nói chuyện với “sếp” Viettel kéo dài 4 tiếng với câu chuyện về nỗi ám ảnh cần phải có những sản phẩm công nghệ cao được làm bởi người Việt Nam thay vì chỉ toàn hàng Mỹ, Nhật.

“Khi nhìn lại công việc tại AMCC, đúng là chúng tôi chỉ thiết kế các bo mạch, các sản phẩm cho nước ngoài, đội ngũ thiết kế là người Việt Nam nhưng sản phẩm đó được đặt tên là gì, dùng logo gì, sản xuất ở đâu đều do bên Mỹ quyết định. Mình chẳng còn vai trò gì. Thật buồn”, chị Tuyền nói và cho biết những điều này khiến vợ chồng chị quyết định rời AMCC, rời cuộc sống quen thuộc tại TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội. Hiện tại, chị Tuyền là Chủ nhiệm đề tài và anh Nguyễn Minh Tùng là Kỹ sư trưởng công nghệ - cùng làm việc ở Trung tâm SmartConnect, Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel.

Khát vọng công nghệ cao “Made by Vietnam” của những người bỏ việc tập đoàn lớn nước ngoài đầu quân cho Viettel - 2

Cùng thời điểm đó, anh Nguyễn Hoàng Trường cũng quyết định rời Toshiba về với Viettel. Công việc của Trường trước đó là ở bộ phận R&D tại Việt Nam. Kể về lí do đầu quân cho Viettel, Trường nói rằng anh bị thu hút bởi khát vọng tạo ra những sản phẩm “Made by Vietnam”.

“Làm cho Toshiba mình chỉ được tham gia vào một phần chứ không được tham gia vào toàn bộ. Những công nghệ lõi thì họ giữ hết, nên mình không được tiếp cận”, Trường nói và lấy ví dụ rằng anh hoàn toàn không biết về quy trình làm ra một chiếc ti vi như thế nào.

Nguyễn Khánh Hoàn cũng có quyết định “trở về” với lý do tương tự. Hoàn rời vị trí Phó phòng kỹ thuật sản xuất của Samsung để về Viettel cùng thời điểm với Trường. “Lương ở Samsung cao hơn nhưng tôi vẫn sẵn sàng về vì tôi có một lý tưởng: dùng chất xám của mình cống hiến cho đất nước”, Hoàn nói.

Anh Trường và Hoàn giờ không còn làm việc tại Viettel nữa nhưng công sức họ xây dựng tại đây đã được ghi lại. Họ là một phần lịch sử của công ty này – những người đã đóng góp khởi tạo thực tại mới trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất thiết bị công nghệ cao của Viettel. “Người Viettel không bao giờ quên”, một lãnh đạo Viettel chia sẻ khi nói về những người đã từng làm việc và cống hiến tại đây.

Sản phẩm “Made by Vietnam” và khát vọng Viettel

Trên thực tế, khi quyết định thay đổi môi trường làm việc, về Viettel để thực hiện giấc mơ “Made by Vietnam”, các kỹ sư từng làm ở các công ty nước ngoài phải đối đầu với rủi ro lớn. Với khát vọng khởi tạo một thực tại mới cho lĩnh vực nghiên cứu sản xuất thiết bị công nghệ cao ở Viettel, họ phải đương đầu với rất nhiều bài toán khó chưa từng gặp, những thay đổi lớn về môi trường làm việc và cả những ánh mắt nghi ngờ của nhiều người. Việt Nam vốn là một vùng trũng về công nghệ cao và rất ít người tin điều này có thể đảo ngược.

Thực tế, cuộc hành trình khởi tạo thực tại mới của những kỹ sư này cũng không dễ dàng. Chị Tuyền có những lần trách chồng và bản thân tại sao lựa chọn con đường khó khăn này: cuộc sống gia đình đảo lộn, phải vừa thích nghi với nơi ở mới lẫn công việc tại một công ty luôn trong trạng thái thay đổi.

Đối với những người khác, đó là những áp lực không ngừng nghỉ về thời gian hoàn thành, hoàn thiện sản phẩm, xoay sở trong những điều kiện ngặt nghèo về nguyên vật liệu, thay đổi mô hình, thay đổi sếp… ở Viettel. Thế nhưng, nhiều người trong số họ đã vượt qua và thích ứng tốt. Cuối cùng, chính khát vọng tạo ra những sản phẩm công nghệ cao “Made by Vietnam” là thứ gắn kết và giữ chân họ.

Chị Tuyền nói rằng sẽ không bao giờ quên được cảm giác khi cầm trên tay chiếc điện thoại di dộng đơn sơ, còn nguyên bo mạch, chưa có vỏ, gọi thẳng cho sếp để báo cáo kết quả. “Anh nghe thấy chưa? Em gọi được rồi này”, chị Tuyền kể và cho biết thời điểm đó, không còn vai vế, nguyên tắc, tất cả chỉ là niềm hạnh phúc đón đứa con tinh thần.

Nguyễn Khánh Hoàn cho biết vẫn còn nhớ cảm xúc khi sản xuất ra được 8 chiếc USB đời đầu. “Mình chưa biết nó chạy hay không. Khi test thì có 5 chiếc chạy được. Lúc đó toàn bộ anh em mừng lắm. Cho dù trước đó đã sản xuất thử một lần ở Foxlink, nhưng đây là sản phẩm do chính mình làm ra, làm ngay tại nhà máy của mình, mừng lắm”, Hoàn nói.

“Chúng tôi ôm nhau, và có một bức ảnh của khoảnh khắc đó. Trước đó, nhà máy cũng đã sản xuất vài bảng mạch thông tin quân sự rồi nhưng chưa phải là sản phẩm hoàn thiện. USB là một hoàn thiện và có bảng mạch rất nhỏ với rất nhiều chi tiết”, Hoàn nhớ lại.

Khi bước chân vào lĩnh vực nghiên cứu sản xuất, Viettel chọn cho mình một con đường khó: làm chủ và tự sản xuất các thiết bị công nghệ cao chứ không phải làm gia công cho người ngoài. Viettel muốn có những sản phẩm “Made by Vietnam” do những kỹ sư của mình thực hiện, chứ không phải “Made in Vietnam” với phần công nghệ lõi vẫn của nước ngoài.

Và câu chuyện tưởng như không thể của gần 10 năm trước khi Tập đoàn này bước chân vào lĩnh vực nghiên cứu sản xuất đã có những trái ngọt rõ ràng. Viettel đã làm chủ và sản xuất được gần như toàn bộ hệ thông mạng viễn thông lõi như hệ thống tính cước theo thời gian thực (OCS), hệ thống nhắn tin, trạm phát sóng BTS 4G, đang nghiên cứu thiết bị phát sóng 5G…. và trở thành nhà sản xuất thiết bị viễn thông thứ 5 trên thế giới.

Không chỉ dừng lại ở thiết bị viễn thông, Viettel còn thành công khi sản xuất các thiết bị quân sự công nghệ cao như hệ thống quản lý vùng trời, đài radar, máy thông tin quân sự… đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 9 trên thế giới có khả năng sản xuất các thiết bị này (trước đây vốn là đặc quyền của vài tổ hợp công nghiệp quân sự khổng lồ ở các cường quốc như Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Israel…).

Và trong 2 năm gần đây, việc khởi tạo thực tại mới trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất của Viettel đã có những kết quả đặc biệt về kinh doanh. Tổng doanh thu ở mảng nghiên cứu sản xuất thiết bị công nghệ cao trong 2 năm 2017-2018 đạt 17.400 tỷ đồng, lợi nhuận 5.250 tỷ đồng.

Nguyễn Phương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm