Khám phá thị trường ĐTDĐ Thâm Quyến
Cái nhìn đầu tiên khi đặt chân đến "thành phố công nghệ" Thâm Quyến là ấn tượng về một bầu trời mây xám nhờ nhờ bởi khói từ hàng chục ngàn nhà máy sản xuất công nghiệp và công nghệ cao. Thâm Quyến là một trong bốn đại đô thị và là “cái nôi” điện thoại di động (ĐTDĐ) của Trung Quốc.
Thành phố công nghệ và chợ sỉ Minh Thông
Nhiều người Việt đi Trung Quốc nhiều lần đúc kết: Ăn chơi, thăm thú, hoặc mua bán những hàng may mặc, da giày... thì nên đến Quảng Châu. Còn đã là dân hi-tech, thì Thâm Quyến chính là nơi có nhiều thứ để khám phá.
Thâm Quyến là nơi sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin số một Trung Quốc hiện nay. Anh Dư Học Quân - GĐ công ty điện tử tin học Digiboy cho biết, có đến 80% sản phẩm và linh kiện máy tính, 50% sản phẩm ĐTDĐ và linh kiện được sản xuất tại Thâm Quyến và xuất ra thế giới.
Hoa Cương Bắc là khu thương mại sầm uất nhất ở Thâm Quyến. Nơi đây tập trung nhiều chợ, siêu thị, trung tâm thương mại chuyên bán các sản phẩm máy tính, ĐTDĐ, máy MP3, MP4 v.v...
Chợ Minh Thông nằm trong khu Hoa Cương Bắc nhưng có nét đặc trưng riêng. 10 giờ sáng chúng tôi bước chân vào, toà nhà 4 tầng với trên dưới 500 sạp hàng vẫn còn im lìm, chỉ rải rác vài sạp ở tầng 1, tầng 2 đã mở hàng nhưng khách lèo tèo. Thế nhưng chỉ một giờ sau, cả tòa nhà 4 tầng như bừng tỉnh. Nhộn nhạo và ồn ã.
"Ngày nào cũng vậy, các chủ sạp mở hàng đúng vào giờ ăn trưa, buôn bán đến 7-8 giờ tối mới nghỉ", anh Dư cho biết. Mỗi tầng có trên dưới 100 sạp hàng, tất cả đều bán cùng một ngành hàng là ĐTDĐ và linh phụ kiện. Minh Thông là chợ bán giá sỉ, cho nên hàng hoá tại đây luôn rẻ hơn bất cứ nơi nào.
Cùng một mẫu ĐTDĐ, các sạp bên ngoài chợ hét giá từ 1.100-1.200 nhân dân tệ, trong khi bên trong chợ Minh Thông giá bán chưa đến 800 nhân dân tệ. Chỉ cách vài chục bước mà giá cả đã bị đội lên đến 30%-40%.
Bạn hàng từ những tỉnh thành khác của Trung Quốc đến chợ Minh Thông, thương nhân một số nước Châu Á cũng đến ngôi chợ này, tất cả đều chỉ để mua ĐTDĐ và linh phụ kiện. Các sạp hàng ở đây không hẳn đã trưng bày thật nhiều mẫu mã, nhưng luôn có những mẫu mã mới nhất.
Chủ sạp số 29B Ngô Kinh Thắng giải thích: "Sạp ở đây diện tích rất nhỏ. Mỗi ngày tại Thâm Quyến lại cho ra lò từ 3-5 mẫu ĐTDĐ mới, lấy đâu ra chỗ để chúng tôi trưng bày". Chính vì thế, rất khó tìm mua những mẫu ĐTDĐ cũ tại chợ Minh Thông. Giá cả cũng biến động rất nhanh. Mỗi mẫu điện thoại ra lò sau một tuần, mười ngày giá đã khác, rẻ đi.
Những sản phẩm nhái các thương hiệu Nokia, Samsung, Motorola được bày bán rất nhiều tại Thâm Quyến. Anh Dư Học Quân nói, cứ ba đại gia trên ra lò mẫu nào thì chỉ sau một thời gian ngắn sau các nhà sản xuất tại Thâm Quyến có ngay mẫu mô phỏng chào thị trường.
Thâm nhập vào thế giới di động ở Hoa Cương Bắc sẽ thấy được ngay mức độ quan tâm đến thị trường VN của các nhà sản xuất ĐTDĐ Trung Quốc. Dường như sạp hàng nào cũng có từ 1-2 mẫu ĐTDĐ có cài đặt phần mềm tiếng Việt. Thế nhưng những dòng ĐTDĐ này vào VN bằng đường chính ngạch chưa nhiều, mà phần lớn là nhập lậu qua biên giới phía bắc.
Những "tiểu gia" trong làng ĐTDĐ
| |
Ông Hồ Kiếm Hùng: “Sản phẩm của |
Chỉ là một "tiểu gia" trong làng sản xuất ĐTDĐ tại Thâm Quyến nhưng ông Hồ cho rằng, kế hoạch năm 2006 CK Telecom sản xuất khoảng 4 triệu chiếc ĐTDĐ, đạt doanh số 150 triệu USD. CK Telecom sử dụng hơn 1.000 lao động, có nhà máy đặt tại Khu công nghệ Hà Viên với vốn đầu tư xây dựng 50 triệu USD. "Kế hoạch năm 2007 CK Telecom sẽ sản xuất 10 triệu chiếc ĐTDĐ. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc xúc tiến vào thị trường VN...".
Các công ty sản xuất ĐTDĐ cỡ vừa và nhỏ tại Trung Quốc cứ 2-3 tháng lại cho ra lò vài mẫu ĐTDĐ mới cập nhật những công nghệ và tính năng mới nhất. Lại thêm lợi thế giá rẻ, nên họ không chỉ sống được tại thị trường nội địa mà còn xuất khẩu.
Ông Lý Bảo Thạnh - Trợ lý GĐ công ty Jong Sung - nói: "ĐTDĐ Trung Quốc càng ngày giành lại được càng nhiều thị phần trên sân nhà. Đến nay tỉ lệ đó chiếm từ 30%-40% thị phần". Mỗi năm, tổng số ĐTDĐ bán ra trên thị trường Trung Quốc khoảng 100 triệu chiếc. Đó là chiếc bánh lớn mà các nhà sản xuất trong nước có thể tham gia cạnh tranh giành phần.
Ông Lư Nhan Bình - GĐ công ty Jong Sung - tự hào: "Năm, bảy năm trước tôi không dám nói. Còn hiện nay, mẫu mã của ĐTDĐ Trung Quốc không những không thua kém, mà thậm chí còn phong phú hơn của các đại gia Châu Âu và Mỹ".
Công ty Jong Sung đóng tại Thâm Quyến có khoảng 300 lao động, nhưng bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) đã chiếm đến 60 người. "Nhìn vào đội ngũ R&D đủ thấy chúng tôi coi trọng việc sáng tạo mẫu mã và tính năng như thế nào rồi. Vì thế mà chỉ trong năm 2006, chúng tôi đã cho ra lò gần 20 mẫu điện thoại mới", ông Lư nói.
12 năm trước, ông Lư lận lưng vẻn vẹn 2.500 USD làm vốn để bước vào lĩnh vực điện thoại di động. Đến nay, ông đã có một công ty Jong Sung với doanh số năm đầu tiên hoạt động đã đạt hơn 6 triệu USD.
"Ngành ĐTDĐ tại Trung Quốc đang rất sôi động, dễ hái ra tiền, đã giúp cho bao người giàu lên nhanh chóng...", ông Lư kể. Jong Sung đang muốn đặt nền móng cho tương lai tại thị trường VN. Lần thứ hai sang VN, ông Lư đã khảo sát tìm mặt bằng tại Hà Nội và TPHCM để lập trung tâm bảo hành của Jong Sung cho khu vực Đông Nam Á.
Những "tiểu gia" trong làng ĐTDĐ tại Trung Quốc như Jong Sung đang ngày càng hướng ra bên ngoài nhiều hơn trước xu thế cạnh tranh trong nước ngày càng gay gắt. Trong khi đó thị trường VN vẫn còn đến 80% dân số chưa sử dụng ĐTDĐ, hấp dẫn đối với các "tiểu gia" sản xuất ĐTDĐ Trung Quốc.
Theo Thẩm Hồng Thụy
Báo Lao động