1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Khách hàng được lợi gì khi ngân hàng áp dụng tiêu chuẩn Basel II?

Trong Nghị quyết về kế hoạch tái cơ cấu, Quốc hội đã yêu cầu từng bước áp dụng tiêu chuẩn Basel II tại các tổ chức tín dụng. Đây là xu thế tất yếu và bắt buộc khi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với khu vực và trên thế giới. Vậy khách hàng được lợi gì khi ngân hàng áp dụng tiêu chuẩn Basel II?

Ngân hàng đầu tiên hoàn tất Basel II

Từ bài học kinh nghiệm của các cuộc khủng hoảng tài chính trên thế giới, việc tăng cường năng lực quản trị rủi ro và khả năng tài chính là giải pháp tối ưu để các ngân hàng thương mại trụ vững trước những biến động khó lường của thị trường tài chính. Khi áp dụng các chuẩn mực an toàn vốn theo Basel II, các ngân hàng tuân thủ các thông lệ, chuẩn mực quốc tế để hội nhập thành công.

Việc triển khai Basel II giúp chuẩn hóa, cải thiện và lành mạnh hóa lĩnh vực ngân hàng thông qua việc áp dụng các chuẩn mực toàn cầu với khung đo lường dựa trên 3 trụ cột chính: Yêu cầu vốn tối thiểu trên cơ sở kế thừa Basel I; Rà soát và giám sát; Nguyên tắc thị trường và công khai thông tin.

Qua đó, ngân hàng hoạt động an toàn hơn nhờ năng lực quản trị rủi ro được tăng cường và nguồn vốn được quản lý một cách hiệu quả. Sau khi áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vốn và thanh khoản, hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn do ngân hàng hoạt động kinh doanh trong môi trường đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Theo lộ trình của Ngân hàng (NH) Nhà nước, đến cuối năm 2015 sẽ có 10 ngân hàng thí điểm thực hiện phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II, bao gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank, Techcombank, ACB, VPBank, MB, Maritime Bank, Sacombank và VIB. Và đến năm 2018, cả 10 ngân hàng trên sẽ hoàn thành việc thí điểm này, sau đó sẽ mở rộng áp dụng Basel II với các ngân hàng thương mại khác trong nước. Tại 10 NH này, việc thực hiện Basel II được coi là giải pháp đột phá về quản lý rủi ro, phân bổ vốn hợp lý theo rủi ro... Việc áp dụng Chuẩn mực vốn Basel II sẽ tạo động lực và định hướng trong việc nâng cao năng lực quản lý rủi ro và quản lý, phân bổ vốn theo các chuẩn mực quốc tế.

Trong khi các “ông lớn” chưa đi đến đích, thì ngày 6/12 vừa qua Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã chính thức công bố hoàn thành việc triển khai dự án Basel II. Tuy không thuộc Top có vốn lớn nhất trong hệ thống NH thương mại trong nước nhưng OCB đã vượt lên, trở thành NH đầu tiên của Việt Nam công bố hoàn tất việc triển khai dự án Basel II với các nền tảng cho một NH hiện đại, an toàn cùng các yêu cầu về vốn, giám sát, minh bạch thông tin...


Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã chính thức công bố hoàn thành việc triển khai dự án Basel II vào ngày 6/12 vừa qua.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã chính thức công bố hoàn thành việc triển khai dự án Basel II vào ngày 6/12 vừa qua.

Đại diện của OCB cho hay, với mục tiêu trở thành một trong những ngân hàng tốt nhất Việt Nam, OCB đã không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh trên mọi phương diện. Liên tiếp vài năm gần đây, thị trường đã chứng kiến sự lột xác của nhà băng này. Bắt đầu từ việc xây dựng lại hệ thống vận hành nội bộ và hệ thống quản trị rủi ro, ngân hàng số những nền tảng quan trọng cho một NH bán lẻ hiện đại trong tương lai. Từ việc hoàn thiện hệ thống phòng chống rửa tiền đến dự kiến trở thành một trong những ngân hàng đầu tiên áp dụng phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế Basel II, cải tiến hệ thống quy trình vận hành, cơ sở công nghệ… OCB đã thực hiện những bước đi quan trọng cho một ngân hàng hiện đại và hội nhập với các NH thế giới.

“Khi chấp nhận thử thách cũng là lúc các nhà băng bắt đầu với quá trình “lột xác” đầy cam go nhưng cũng chính trong quá trình ấy thể hiện sự nâng tầm vượt bậc. Lộ trình của OCB cũng sẽ là xu hướng chung của các ngân hàng Việt để vươn mình hội nhập thế giới” – đại diện này cho biết.

Khách hàng được lợi gì khi ngân hàng áp dụng tiêu chuẩn Basel II?

Bên cạnh những lợi ích chung cho ngành Ngân hàng, có nhiều câu hỏi được đặt ra về lợi ích mà khách hàng sẽ nhận được sau khi Ngân hàng áp dụng Basel II.

Giải đáp câu hỏi này, bà Huỳnh Lê Mai- Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Quản lý rủi ro Ngân hàng Phương Đông cho biết: “Khách hàng của chúng tôi được hưởng các quyền lợi về các điều kiện cấp tín dụng phù hợp với mức độ rủi ro của khách hàng. Thông tin càng đầy đủ, điều kiện cấp tín dụng càng thuận lợi, đồng thời khách hàng sẽ nhận được mức lãi suất ưu đãi hơn. Thêm vào đó, khách hàng cũng sẽ yên tâm hơn khi giao dịch ở OCB, bởi tài sản của khách hàng đã được bảo vệ trước các rủi ro có thể phát sinh. Việc OCB triển khai sớm Basel cũng sẽ thu hút nhiều sự quan tâm, chú ý và các đối tác trong và ngoài nước. Điều này, đối với các Cổ đông của OCB sẽ là một lợi thế rất lớn”.

Cũng theo bà Mai, có thể nhận thấy trụ cột về “yêu cầu vốn tối thiểu” tác động rõ ràng lên lợi ích của khách hàng. Theo đó, việc duy trì một lượng vốn pháp định được tính toán cho ba thành phần rủi ro mà ngân hàng đối mặt cũng đồng thời là tấm khiên bảo vệ tài sản của khách hàng. Chưa kể, các Ngân hàng có thể phải tăng cường huy động vốn từ khách hàng nhằm đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn vốn – CAR tối thiểu là 8%. Như vậy, khách hàng gửi tiền thông qua kênh trái phiếu có khả năng nhận được mức lãi suất cao hơn so với gửi tiết kiệm thông thường.

Bên cạnh đó, khách hàng có được nguồn thông tin chính xác, đáng tin cậy để đưa ra quyết định lựa chọn của mình nhờ tiêu chuẩn về “Nguyên tắc thị trường và công khai thông tin”.

Được biết, kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2017 với nhiều triển vọng, OCB đang trở thành một trong những ngân hàng có sự “bứt phá vượt bậc”. Tính đến 30/09/2017, OCB có tổng tài sản 70,874 tỷ đồng đạt 83% kế hoạch năm, tổng huy động thị trường 1 là 56,339 tỷ đồng đạt 85% kế hoạch, dư nợ đạt 46,843 tỷ đồng hoàn thành 99% kế hoạch, tỷ lệ nợ xấu luôn được kiểm soát dưới 2%, đặc biệt lợi nhuận trước thuế của OCB sau 9 tháng đạt 789 tỷ đồng, hoàn thành 101% kế hoạch năm.

H.Nguyễn