Kẽ hở “chết người” trong khâu mở thẻ tín dụng

Sau vụ nhân viên Eximbank lừa đảo mở thẻ tín dụng, giới chuyên môn cho rằng thật tai hại khi uỷ quyền cho một người thực hiện trọn gói từ khâu tiếp thị, thẩm định thông tin đến việc giao thẻ cho khách. Cú “phốt” này cũng khiến các ngân hàng giật mình nhìn lại quy trình quản lý rủi ro của chính mình.

Hồi còn là cán bộ Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) chi nhánh Hà Nội, Nguyễn Lê Việt đã tiếp thị, làm thẻ tín dụng hàng loạt cho gần 60 bác sĩ của Viện Quân y 103 (thị xã Hà Đông, Hà Tây), rồi ôm luôn số thẻ đó mà không giao cho khách. Có trong tay thẻ cùng với những dữ liệu cá nhân của chủ thẻ, Việt cùng vợ rút tiền tiêu xài, để lại khoản nợ hơn 5 tỷ đồng cho các bác sỹ của Viện 103.

Vụ việc vỡ lở, chi nhánh Eximbank Hà Nội giải trình Việt đã cố tình làm sai, lợi dụng lòng tin của các bác sĩ, vốn là chỗ quen biết với mẹ vợ, để lừa đảo. Tuy nhiên, những người trong ngành lại đặt câu hỏi về quy trình mở thẻ tín dụng của Eximbank và lo ngại về nguy cơ rủi ro ngày một cao khi các ngân hàng chạy đua mở rộng thị trường.

Khó nhất là quản lý con người

Thẻ tín dụng là loại sản phẩm ra đời trên cơ sở lòng tin giữa ngân hàng và khách hàng, cho phép chủ thẻ mượn tiền nhà băng để chi tiêu. Để được mở thẻ, thường thì khách hàng phải thế chấp một khoản tiền tương đương, hoặc thậm chí lớn hơn hạn mức tín dụng mà ngân hàng cấp. Và chỉ những khách hàng là doanh nghiệp hay những cá nhân có vị trí công tác, thâm niên và quan hệ tài khoản với ngân hàng mới được mở thẻ tín chấp (không cần thế chấp).

Kinh doanh thẻ tín dụng lợi nhuận lớn, song rủi ro cao, vì vậy các ngân hàng thường đề ra quy trình kiểm soát nghiêm ngặt. Ngân hàng Công thương Việt Nam (Incombank) đưa ra quy định chia nhỏ quy trình.

Theo đó, mỗi cán bộ, nhân viên chỉ được giao làm một công đoạn, không ai được phép nắm trọn mọi việc từ đầu đến cuối, nếu ai đó muốn gian lận cũng khó. Tại Incombank, từ khâu tiếp thị, nhận thông tin, thẩm định thông tin đến khi in ấn, phát hành thẻ và trả thẻ cho khách hàng phải trải qua 4 bộ phận khác nhau, với sự kiểm tra chéo của 2 phó bộ phận.

Đích thân Trưởng phòng thẻ và dịch vụ ngân hàng điện tử trực tiếp tham gia kiểm soát mọi khâu. Incombank cũng đưa ra yêu cầu thế chấp rất cao, tới 120% hạn mức tín dụng, nhằm phòng trừ trường hợp khách hàng chậm trả nợ hay bị rủi ro. Khi thẻ đã được kích hoạt, ngân hàng phải theo dõi thường xuyên các giao dịch, nếu có bất cứ dấu hiệu khác lạ nào sẽ can thiệp ngay lập tức.

Quy trình phát hành thẻ của Ngân hàng Ngoại thương (VCB) cũng chặt chẽ không kém. Sau mọi khâu rà soát nghiêm ngặt, đến khi chiếc thẻ được phát hành, ngân hàng yêu cầu khách hàng đến trực tiếp tại quầy mới giao thẻ.

Trưởng phòng Quản lý thẻ Nguyễn Tú Anh cho biết vì "cẩn thận" quá, nên mảng thẻ tín dụng của VCB phát triển chậm chạp, 10 năm trôi qua mà phát hành chưa quá 100.000 thẻ. Trong đó, hơn 60% thẻ là thế chấp, phần tín chấp chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn, các cá nhân có uy tín, có vị trí công tác.

Nhiều ngân hàng khác cũng chia sẻ quan điểm này và cho rằng, nếu vì mục tiêu chạy đua mở rộng thị trường mà áp dụng quy định "một cửa" trong mảng dịch vụ thẻ thì rủi ro rất lớn.

Hổng ở khâu chấp nhận thẻ

Để xảy ra vụ việc mở thẻ tín dụng ở Viện 103 như vừa qua, theo ông Trần Minh Khởi có phần trách nhiệm của ngân hàng, song đối tác mở thẻ và đặc biệt là đơn vị chấp nhận thẻ cũng liên đới.

Kế hoạch phạm tội của Nguyễn Lê Việt khó mà trót lọt nếu đơn vị chấp nhận thẻ kiểm tra nghiêm ngặt khi có yêu cầu giao dịch, thanh toán.

Theo quy định, chỉ những doanh nghiệp và cá nhân có địa điểm kinh doanh và đăng ký kinh doanh hợp pháp trong lĩnh vực cung ứng hàng hoá và dịch vụ tại Việt Nam mới được phép làm đại lý chấp nhận thẻ.

Trong hồ sơ xin làm đại lý cũng phải có giấy đăng ký kinh doanh, giấy tờ tuỳ thân của chủ doanh nghiệp. Trước khi ký hợp đồng, ngân hàng phải cử người đến làm việc trực tiếp để xác minh thông tin. Khi đại lý đi vào hoạt động, ngân hàng cũng phải định kỳ kiểm tra, vừa để hỗ trợ đơn vị chấp nhận thẻ đồng thời nếu phát hiện sai phạm hay có dấu hiệu bất thường, sẽ huỷ hợp đồng ngay.

“Tuy nhiên, để đua mở rộng đại lý, nhiều ngân hàng thanh toán đã dễ dàng trong khâu xét duyệt, đôi khi cứ ký hợp đồng mà không thẩm định kỹ xem họ có thực sự là đơn vị kinh doanh hay không, thậm chí chỉ cần xem qua giấy đăng ký kinh doanh là cho mở luôn. Làm như vậy rủi ro rất lớn", bà Nguyễn Tú Anh lo ngại.

Ngay cả khi loại trừ nguy cơ đại lý cố tình gian lận, các ngân hàng cũng chưa thực sự an tâm bởi hầu hết các đơn vị chấp nhận thẻ vẫn còn lơ mơ về nghiệp vụ cũng như các tiêu chuẩn bảo vệ thông tin thẻ. Một nghiên cứu mới đây của tổ chức thẻ Visa châu Á Thái Bình Dương cho thấy các ngân hàng sẽ phải dành nhiều thời gian hơn nữa để nâng cao hiểu biết cho các điểm bán hàng về việc bảo mật thông tin chủ thẻ.

Theo Song Linh
VnExpress

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm